| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu hồ tiêu gặp khó vì bị Hải quan đưa vào ‘luồng vàng’

Thứ Sáu 23/07/2021 , 11:44 (GMT+7)

Xuất khẩu hồ tiêu đang gặp phải nhiều khó khăn do bị Hải quan đưa vào ‘luồng vàng’ vì vẫn được coi là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.

Tỷ lệ tờ khai 'luồng vàng' tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen. Ảnh: TL.

Tỷ lệ tờ khai "luồng vàng" tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen. Ảnh: TL.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cho hay, gần đây, tỉ lệ tờ khai “luồng vàng” (hải quan kiểm tra hồ sơ) đối với hồ tiêu xuất khẩu đã tăng từ 8% lên đến 60% và tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen. Cá biệt có doanh nghiệp phải khai “luồng vàng” trên 95% lô hàng xuất khẩu.

Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thì việc đi lại để xử lý thông quan tờ khai sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro phơi nhiễm Covid-19.

Sở dĩ tỉ lệ tờ khai luồng vàng đối với hồ tiêu xuất khẩu bất ngờ tăng cao như trên là do hồ tiêu vẫn đang bị coi là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.

Cụ thể, ngày 21/7/2021, trong công văn trả lời phản ánh của VPA đề nghị xem xét vướng mắc về phân luồng với mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho rằng mặt hàng hồ tiêu hiện nằm trong danh mục hàng xuất khẩu có điều kiện, cơ quan Hải quan phải thực hiện phân luồng kiểm tra theo văn bản quản lí chuyên ngành.

Cũng theo Cục Quản lý rủi ro, trường hợp xác định doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu là dược liệu không dùng cho mục đích làm thuốc theo điều 2 Thông tư số 03/2021/TT-BYT của Bộ Y tế thì cơ quan Hải quan thực hiện thông quan trên hệ thống, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Sở dĩ hồ tiêu xuất khẩu bất ngờ gặp khó là do bị Bộ Y tế coi là mặt hàng dược liệu. Trong Phụ lục 1 của Thông tư số 48/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về Danh mục mã số hàng hóa với dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu, có tên của mặt hàng hồ tiêu (mã HS 0904.11.20).

Ngày 4/3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BYT về việc loại bỏ một số mặt hàng thuộc Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT, trong đó có mặt hàng hồ tiêu. 

Tuy nhiên, trong điều 2 của Thông tư số 03 nói trên, lại quy định: “Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược”. Vì vậy, theo quan điểm của Hải quan, hồ tiêu vẫn là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.

Theo quan điểm cùa Bộ NN-PNT, hồ tiêu là mặt hàng nông sản thông thường và nằm trong nhóm 13 mặt hàng nông nghiệp chủ lực. Ảnh: TL.

Theo quan điểm cùa Bộ NN-PNT, hồ tiêu là mặt hàng nông sản thông thường và nằm trong nhóm 13 mặt hàng nông nghiệp chủ lực. Ảnh: TL.

Trong khi đó, theo quan điểm của Bộ NN-PTNT, hồ tiêu là một mặt hàng nông sản thông thường. Cụ thể, trong Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT ngày 25/12/2018 ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, hồ tiêu là 1 trong 13 mặt hàng chủ lực có trong danh sách.

Trong thực tế nhiều năm qua, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Khối lượng xuất khẩu mỗi năm tới hàng trăm ngàn tấn. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, năm 2020 Việt Nam xuất khẩu 285 ngàn tấn hồ tiêu đến hơn 110 quốc gia trên toàn thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 660 triệu USD.

6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 154 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 497 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 7,5% tuy nhiên kim ngạch tăng 39,8%.

Theo thống kê của VPA, tỉ lệ mặt hàng hồ tiêu đen (mã HS 0904.11.20) xuất khẩu chiếm 80% trên tổng số lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Các mặt hàng còn lại bao gồm: Tiêu đen xay, tiêu trắng, tiêu trắng xay, tiêu ngâm giấm..., được các doanh nghiệp xuất khẩu theo dạng tiêu hạt.

Thực tế cho thấy, mặt hàng hồ tiêu đen xuất khẩu hiện nay là một loại hàng hóa nông sản xuất khẩu thông thường. chủ yếu được dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm tại thị trường nhập khẩu.

VPA cho biết, mặc dù hồ tiêu cũng được sử dụng như dược liệu, nhưng các thị trường nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn rất khắt khe đối với mặt hàng dược liệu. Vì vậy, dù Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu hàng chục năm nay, nhưng từ trước tới nay vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được các tiêu chuẩn dược liệu đối với hồ tiêu xuất khẩu. Hiện tại, hồ tiêu đen được dùng làm dược liệu chỉ sử dụng ở Việt Nam qua các bài thuốc y học cổ truyền và chiếm tỉ lệ cực kỳ nhỏ.

Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam không có chức năng kinh doanh dược mà chỉ đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản. Điều đó có nghĩa rằng hồ tiêu mà các doanh nghiệp đang xuất khẩu là mặt hàng nông sản thông thường.

Chính vì thế, trong công văn ngày 22/7/2021, gửi Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan, VPA đã đề nghị Bộ Y tế xem xét bỏ mặt hàng hồ tiêu đen ra khỏi danh mục xuất khẩu có điều kiện và không thuộc đối tượng quản lí rủi ro trong việc phân luồng kiểm tra của Hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu.

Trong trường hợp yêu cầu của doanh nghiệp không được xem xét, VPA đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể thủ tục chứng từ trong việc xác nhận hồ tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp không nhằm mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc để doanh nghiệp nộp về cơ quan Hải quan như được hướng dẫn.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất