Ireland xuất khẩu khoảng 600 triệu Euro thủy sản mỗi năm sang hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam hiện là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Để làm rõ hơn về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này giữa Ireland và Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với bà Pippa Hackett, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Thủy sản Ireland.
Bà đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa Việt Nam và Ireland?
Trong chuyến thăm gần đây tới Việt Nam do Bộ trưởng Ireland dẫn đầu, đoàn đã gặp gỡ Royal Seafood tại cửa hàng và nhà hàng Royal Seafood Flagship ở địa chỉ 46 Phạm Văn Nghị, phường Tân Phong, quận 7, TP. HCM để thảo luận về cơ hội xuất khẩu. Hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu cua nâu, ốc whelk (ốc biển xoắn) và tôm hùm xanh từ Ireland.
Việc ký kết Thỏa thuận Đối tác Nông sản thực phẩm Ireland - Việt Nam (IVAP) và Bản ghi nhớ (MoU) gần đây về tăng cường hợp tác giữa Chính phủ Ireland và Việt Nam giúp thúc đẩy quan hệ thương mại. Nền tảng cho sự hợp tác này là Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được ký năm 2019, tạo khung vững chắc cho dòng chảy thương mại và tương tác được tăng cường trong những năm tới.
IVAP đặt mục tiêu hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hệ thống nông sản thực phẩm trong các lĩnh vực hệ thống sản xuất bền vững, an toàn thực phẩm, đổi mới sáng tạo và chất lượng.
Trong 5 năm qua, các nhà xuất khẩu thủy sản Ireland, với sự hỗ trợ từ Cơ quan Thực phẩm Ireland (Bord Bia) đã tập trung xác định các cơ hội cho nhiều loại thủy sản Ireland tại thị trường Việt Nam. Điều này đã mang lại thành công đến nay khi nhiều loài thủy sản của Ireland hiện đã có mặt trong các kênh phục vụ thực phẩm và bán lẻ tại Việt Nam.
Bord Bia đã hỗ trợ phát triển thị trường giữa Ireland và Việt Nam thông qua nghiên cứu thị trường, các dự án tìm kiếm khách hàng tiềm năng, quảng bá khách hàng mới và tổ chức các chuyến thăm đến Ireland cho các nhà nhập khẩu và nhà phân phối tại Việt Nam, giúp họ có cơ hội trực tiếp quan sát cách mà hải sản Ireland được đánh bắt và chế biến. Các loài như cua nâu Ireland, ốc whelk, vẹm, tôm càng xanh và tôm hùm hiện đang có mặt trên thị trường Việt Nam, được cung cấp bởi các nhà xuất khẩu Ireland.
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu thực phẩm lớn thứ hai của Ireland sang Việt Nam (sau sữa) và Royal Seafood là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ngành kinh doanh này.
Các sản phẩm thủy sản nào hiện đang có nhu cầu cao tại thị trường Ireland, thưa bà?
Thị trường bán lẻ ở Ireland được định giá khoảng 325 triệu Euro, tương đương khoảng 20.000 tấn thủy sản. Thị trường dịch vụ ăn uống cũng có giá trị khoảng 190 triệu Euro.
Ireland nhập khẩu một lượng lớn thủy sản hàng năm, riêng trong năm 2023 đã nhập khẩu thủy sản trị giá 370 triệu Euro để cung cấp cho thị trường Ireland. Hai loài bán chạy nhất ở thị trường bán lẻ Ireland là cá hồi và cá tuyết.
Bà có thể chia sẻ cơ hội và thách thức khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ireland?
Một rào cản có thể là các chiến dịch do các cơ quan nhà nước Ireland như Bord Bia thực hiện để quảng bá tiêu thụ các loài thủy sản khai thác trong nước như cá trắng, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và cá hồi của Ireland. Các chiến dịch quốc gia được tổ chức thường xuyên để khuyến khích người tiêu dùng Ireland lựa chọn các loài địa phương có sẵn.
Thưa bà, những chương trình hợp tác nào giữa Việt Nam và Ireland có thể thúc đẩy thương mại thủy sản trong tương lai?
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Ireland sang Việt Nam đạt hơn 4 triệu Euro, tăng hơn 100% kể từ năm 2019. Các loài thủy sản chính xuất khẩu từ Ireland sang Việt Nam gồm thủy sản để tái chế, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và thủy sản giá trị gia tăng.
Ireland sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam - nơi người tiêu dùng ngày càng nhận thức về chất lượng, sự đa dạng và chứng chỉ bền vững của thủy sản Ireland.
IVAP và MoU cũng hỗ trợ cho quan hệ thương mại giữa Ireland và Việt Nam, đảm bảo các thực hành sản xuất bền vững và an toàn thực phẩm để hỗ trợ quá trình chuyển đổi hệ thống nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Xin bà cho biết ngành thủy sản Ireland hiện đang phát triển như thế nào? Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của Ireland trong việc quản lý và phát triển ngành thủy sản?
Các vùng biển của Ireland là những khu vực quan trọng nhất cho việc sinh sản và nuôi dưỡng cá ở Bắc Đại Tây Dương. Các loài cá non sinh ra tại đây phát triển khỏe mạnh trong môi trường tự nhiên xung quanh Ireland. Để truyền lại nguồn thủy hải sản quý giá này cho các thế hệ sau, hạn ngạch và mùa vụ được thiết lập hàng năm cho từng loài cá và ngư dân Ireland tuân thủ chặt chẽ các hạn ngạch và mùa vụ này.
Nhiều người trong ngành đánh bắt ở Ireland tham gia vào “Origin Green” - một chương trình bền vững thực phẩm quốc gia do Bord Bia điều hành. Thông qua chương trình này, các bên tham gia trong chuỗi thực phẩm, từ đánh bắt, chế biến, đóng gói đến vận chuyển và hậu cần nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ để quản lý tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và thúc đẩy các phương pháp đánh bắt bền vững. Với những chứng chỉ mạnh mẽ này, không có gì ngạc nhiên khi thủy hải sản Ireland ngày càng có nhu cầu trên toàn thế giới.
Hai mặt hàng thủy sản lớn nhất xuất khẩu từ Ireland sang Việt Nam là cua nâu Ireland và ốc whelk hiện đã có mặt rộng rãi qua các kênh bán lẻ và phục vụ thực phẩm. Các loài khác mới được giới thiệu bao gồm vẹm Ireland, tôm hùm và tôm càng xanh đông lạnh.
Bord Bia hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, nhà phân phối và nhà bán lẻ Việt Nam trong một loạt các hoạt động quảng bá để giúp nâng cao nhận thức tại Việt Nam về chất lượng, sự đa dạng và chứng chỉ bền vững của thủy sản từ Ireland.
Hướng tới năm 2025, các nhà xuất khẩu thủy sản Ireland sẽ tiếp tục đổi mới và gia tăng giá trị cho nguồn cung nguyên liệu từ ngành khai thác Ireland để duy trì tính cạnh tranh và tạo điểm khác biệt trên thị trường. Họ sẽ làm việc chặt chẽ với các ngư dân Ireland để duy trì các tiêu chuẩn chất lượng và bền vững cao, đảm bảo rằng chỉ có những sản phẩm tốt nhất từ Ireland mới được cung cấp cho khách hàng quốc tế của mình.
Ireland xuất khẩu khoảng 600 triệu Euro thủy sản sang hơn 50 quốc gia trên thế giới mỗi năm và Việt Nam hiện là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Ireland.
Bà có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động thương mại với Ireland trong lĩnh vực thủy sản?
Các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm đối tác chế biến có hệ thống phân phối tốt vào thị trường Ireland, gặp gỡ các nhà chế biến thủy hải sản Ireland (cả xuất khẩu và nhập khẩu) tại các hội chợ thủy sản quốc tế như SEG Barcelona, đây là một cách tuyệt vời để kết nối với các nhà chế biến Ireland.
Đồng thời cần nghiên cứu kỹ thị trường để hiểu rõ các đối thủ cạnh tranh và mức giá cho các loại thủy sản khác nhau. Ngoài ra, tính nhất quán của nguồn cung cũng là yếu tố quan trọng, đặc biệt là đối với thị trường bán lẻ.
Xin trân trọng cảm ơn bà!