Người Thái Nguyên thường tự hào bởi sơn thủy hữu tình, thơ mộng, thời tiết, khí hậu bằng lặng nên có câu “Muốn yên lên Thái Nguyên mà ở”.
Ngập lụt chưa từng thấy tại Thành phố Thái Nguyên. |
Sự việc thành phố Thái Nguyên bị ngập chìm trong nước bởi trận mưa lớn trong đêm 9 và ngày 10/9 không chỉ khiến người dân cả nước mà chính những người dân bản địa còn thấy ngỡ ngàng, không tin vào sự thật ấy. Giống như đội bóng mạnh nhưng lại thúc thủ ngay trên sân nhà bởi sức càn quét của một đội nghiệp dư.
Con số thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tới hơn 1.000 hộ gia đình bị cô lập, nhiều tuyến giao thông bị cô lập. Có 3 người thiệt mạng và 1 người bị thương.
Những công dân của thành phố thép trước nay ít có trải nghiệm và kỹ năng để ứng phó với sự biến đổi mạnh mẽ bởi thực tế bàng hoàng nói trên.
Hàng chục khu dân cư ngập thủm, hàng trăm hộ dân tìm mọi cách nhoi lên trên nóc ngôi nhà của chính gia đình mình. Chính họ đã bị vị huấn luyện viên trong công tác quy hoạch đưa ra phương án, đối sách bất hợp lý. Xem ra việc còn lại khả dụng là hạn chế chuốc thêm những thiệt hại, những bàn thua.
Người ta thường mang cụm từ 'biến đổi khí hậu' để đổ lỗi cho những thiên tai ập đến. Nhưng ở thành phố thép gang, vùng bán sơn địa, nằm bên cạnh dòng sông Cầu thì lập luận trên xem ra tréo ngoe và bao biện.
Một trong những nguyên nhân được nhiều người nói đến là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Hàng chục khu dân cư ra đời vội vã, những ao hồ, đầm phá không còn tồn tại. Đất không còn chỗ để thở, chứ đừng nói đến người.
Hệ lụy của đô thị loại I và việc có nguồn thu để đảm bảo tự cân đối ngân sách từ thu tiền đất đã khiến nước ngập tràn, xe biến thành thuyền.
Ngay từ đầu thế kỷ 21, thành phố Thái Nguyên đã sốt sắng thực hiện đại Dự án thoát nước và xử lý nước thải với nguồn vốn đầu tư lên gần 1.000 tỷ đồng. Trải qua 2 thập kỷ, hầu hết những tuyến phố chính đã được đào lên để xây dựng hệ thống thoát nước, những con đường lớn bị cắt mặt, đào sâu. Đau xót thay, chính những con đường đó, những tuyến phố trung tâm nhất của thành phố lại bị nước ngập biến thành sông.
“Thành phố nằm bên sông, suốt một thời để nhớ”, giờ đây lại được xem như một vùng “quê em mùa nước lũ”. Những công trình, khu dân cư, những dự án và công tác quy hoạch vẫn đã và đang tiếp tục được thực hiện với mong mỏi và kỳ vọng lớn lao của hệ thống chính trị địa phương. Trong đó có đại dự án cấp bách xây dựng hệ thống chống lũ lụt sông Cầu và hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu.
Đô thị hai bên bờ sông Cầu chưa thấy đâu nhưng sông Cầu như được “mở rộng” về 2 bờ đang hiện hữu.
Vị huấn luyện viên có thể sửa sai nhưng ông trời thì không dừng mưa. Không ai dám chắc Thái Nguyên sẽ có thêm một “Hồ trên núi”.