| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An chuyển đổi toàn diện cơ cấu cây trồng

Thứ Ba 10/11/2015 , 09:37 (GMT+7)

Vụ xuân 2016 ngành NN-PTNT Nghệ An chủ trương cùng các địa phương chỉ đạo bà con nông dân chuyển đổi toàn diện cơ cấu cây trồng...

Nguyên nhân xuất phát từ thực tiễn sản xuất vụ xuân 2016 được dự báo sẽ là một vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn về hạn hán do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu kết hợp hoạt động của El Nino kéo dài từ nhiều tháng nay.

Cụ thể, chuyển đổi 500 ha lúa vùng cao hạn, vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô. Bỏ diện tích lúa xuân dài ngày khoảng 18.000 - 20.000 ha sang gieo trồng các giống lúa xuân ngắn ngày và giảm từ 60.000 - 65.000 ha lúa lai ở các vụ xuân trước xuống còn 50.000 ha trong vụ xuân 2016, thay vào đó là các giống lúa xuân ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng cơm gạo khá. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân mở rộng quy mô cánh đồng lớn, chủ yếu cây lúa để hình thành vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao.

Vụ xuân tới đây Nghệ An cũng như nhiều tỉnh miền Trung sẽ gặp khó khăn rất lớn, đó là hạn hán. Lượng mưa đo được ở tỉnh từ tháng 1 đến hết tháng 10 năm 2015 mới đạt xấp xỉ 1.100mm, thấp thua trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ hơn 300 mm. Riêng tháng 9 bao giờ cũng là tháng có lượng mưa lớn nhất trong năm, khoảng 500 - 550 mm.

Nhưng lượng mưa tháng 9 năm nay chỉ có 334,96 mm. Vì vậy toàn bộ 625 hồ đập lớn nhỏ của Nghệ An hiện tại chỉ có 14 hồ đập có lượng nước dự trữ đạt trên 70% dung tích thiết kế, 5 hồ đập đạt từ 50 - dưới 70% dung tích thiết kế, 28 hồ đập đạt < 50% dung tích thiết kế và số hồ đập còn lại đều có lượng nước không đáng kể. Nguồn nước tưới trong các hồ đập khô cạn, nguồn nước tự chảy ở các sông suối như sông Lam, sông Hiếu cũng xuống ở mức thấp nhất so với trước đây.

Khả năng có mưa lớn vào những tháng sắp tới là không thể xảy ra vì hoạt động của El Nino mạnh. Theo số liệu thống kê được thì ở Nghệ An nhiệt độ không khí trung bình từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2015 là 24,45oC, cao hơn 10 tháng đầu năm của TBNN là 1,2oC và cao hơn cả 10 tháng đầu năm 2014 là 0,63oC. Khả năng nhiệt độ cao còn tiếp tục xảy ra ngay trong vụ xuân 2016.

Trước thực tế nói trên, được sự đồng ý của UBND tỉnh, ngành NN-PTNT Nghệ An chủ trương vụ xuân năm 2016 tập trung chỉ đạo 3 việc lớn: Một, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng gieo cấy lúa kém hiệu quả và ở những vùng gặp khó khăn lớn do hạn hán gây ra.

Tập quán xưa nay của người dân xứ Nghệ luôn luôn muốn chủ động tích trữ lúa gạo (tích cốc phòng cơ) đề phòng thiên tay gây mất mùa không có đủ lương thực để ăn. Vì vậy họ cố gắng sản xuất lương thực với bất cứ giá nào. Trong đó vụ xuân là vụ ổn định nhất, dễ làm lúa nhất.

Từ cách suy nghĩ như vậy nên hai năm nay, UBND tỉnh có chủ trương, ngành nông nghiệp chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả vẫn không thực hiện được.

Những vụ xuân trước đây, trong điều kiện bình thường nguồn nước tưới cho cây lúa đảm bảo tưới đủ cho 85.000 - 86.000 ha và có khoảng 4.000 - 5.000 ha tưới không chủ động. Phần lớn diện tích không chủ động nước tưới thuộc hệ thống các hồ đập vừa và nhỏ do các địa phương quản lý, hàng năm không được duy trì bảo dưỡng, nên khả năng tích trữ nước rất hạn chế.

Vụ xuân 2016, muốn hay không Nghệ An ít nhất có từ 5.000 - 6.000 ha lúa phải chuyển sang cây trồng khác. Cây trồng được chuyển thay thế cây lúa chủ yếu là ngô, lạc và một số cây rau màu khác.

Một trong những huyện phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhiều nhất là Nghi Lộc. Từ 7.602 ha lúa vụ xuân 2015, vụ xuân năm 2016 kế hoạch chỉ gieo cấy được 6.500 ha lúa, do nguồn nước tưới ở 4 con đập (Khe Làng, Khe Thị, Khe Gỗ, Khe Bưởi) lượng nước dự trữ chỉ được 40 - 50% mức nước thiết kế. Số diện tích lúa được chuyển khoảng 1.100 ha tập trung ở các xã: Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Mỹ, Nghi Công, Nghi Phương…

Trong số đó Nghi Văn là xã có diện tích lúa nhiều nhất huyện, mỗi vụ xuân gieo cấy 596 ha. Hiện nay, sau khi rà soát và kiểm tra nguồn nước thực có ở đập Khe Bưởi do xã quản lý nguồn nước chỉ có 40% dung tích thiết kế. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã, vụ xuân 2016 xã Nghi Văn xây dựng kế hoạch sản xuất 256 ha lúa, chuyển hẳn 340 ha lúa sang trồng ngô.

Trong số 340 ha ngô sẽ bố trí 110 ha ngô gieo trồng lấy hạt, còn lại 230 ha ký hợp đồng sản xuất ngô làm thức ăn xanh cho trại chăn nuôi bò thịt của Công ty Kết Phát Thịnh đóng trên địa bàn huyện Nghi Lộc.

Hai, chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa theo hướng bỏ các giống lúa dài ngày (xuân sớm), giảm dần diện tích các giống lúa lai chất lượng cơm gạo kém; tăng diện tích các giống lúa thuần năng suất khá, chất lượng cơm gạo ngon, hiệu quả lớn. Những vụ trước đây mỗi năm Nghệ An gieo cấy từ 18.000 đến 20.000 ha các giống lúa xuân dài ngày (xuân sớm) bằng các giống lúa: IR 1820, IR 17494, Xi 23… vừa dài ngày, vừa nhiễm nhiều loại sâu bệnh và năng suất cũng không cao.

Vụ xuân 2016 ngành nông nghiệp chủ trương loại bỏ giống lúa xuân sớm, thay vào đó là các giống có thời gian sinh trưởng 135 ngày trở xuống, năng suất khá, chất lượng gạo ngon. Đối với lúa lai mỗi vụ xuân toàn tỉnh gieo cấy từ 60.000 - 65.000 ha (chủ yếu là các giống nhập khẩu từ Trung Quốc về), chiếm 70 - 75% tổng diện tích lúa cả vụ.

Phần lớn các giống lúa lai đều cho năng suất cao từ 65 - 75 tạ/ha. Nhưng, do chất lượng gạo kém nên giá bán hiện nay trên thị trường Nghệ An không vượt quá 5.100 - 5.200 đ/kg lúa. Trong khi đó giá lúa một số giống như AC5, BC15, Bắc thơm 7, Hương thơm 1, NA2, RVT, PC6… từ 7.000 - 9.000 đ/kg.

Theo đó chính bà con nông dân ở các vùng trọng điểm lúa của tỉnh như Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn… đồng tình với chủ trương của tỉnh giảm diện tích lúa lai xuống còn 50.000 ha trong vụ xuân 2016 và sẽ tiếp tục giảm mạnh vào các vụ xuân sau.

Một số huyện sẽ giảm rất mạnh diện tích gieo cấy các giống lúa lai, như Hưng Nguyên, từ chỗ gieo cấy mỗi vụ 4.500 ha lúa lai/5.700 ha lúa cả vụ, chiếm 78,94%. Vụ xuân 2016 chỉ gieo cấy 1.700 ha lúa lai chiếm tỉ lệ 29%. Huyện Nghi Lộc diện tích lúa lai vụ xuân 2016 cũng giảm mạnh.

Từ chỗ gieo cấy mỗi vụ xuân 5.100 - 5.200 ha lúa lai/7.600 ha lúa cả vụ, vụ xuân tới cả huyện chỉ gieo cấy 2.000 ha lúa lai, giảm 3.200 ha, bằng 61,53%. Trừ các huyện miền núi, còn lại các huyện đồng bằng như Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn… diện tích gieo cấy các giống lúa lai vụ xuân 2016 cũng giảm, từ chỗ cơ cấu mỗi vụ 65 - 70% diện tích lúa lai, nay chỉ cơ cấu từ 30 - 35%, số diện tích 65 - 70% còn lại cơ cấu chủ yếu các giống lúa thuần chất lượng gạo ngon vừa để ăn, vừa để bán với giá cao hơn, hiệu quả kinh tế lớn hơn.

Ba, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân mở rộng quy mô CĐL đối với 3 cây trồng lúa, ngô, lạc.

Vụ xuân 2015 vừa qua toàn tỉnh xây dựng được 7 mô hình CĐML về cây lúa, 1 mô hình về cây ngô và 1 mô hình về cây lạc do 3 doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với nông dân ở các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn, Anh Sơn thực hiện.

Vụ xuân 2016, UBND tỉnh chủ trương mở rộng quy mô xây dựng mô hình CĐL lên hàng ngàn ha, tập trung chủ yếu là cây lúa ở các vùng trọng điểm lúa của tỉnh với yêu cầu sử dụng các giống năng suất khá trở lên, chất lượng cao, ít sâu bệnh, dễ gieo trồng nhằm từng bước hình thành vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn tập trung và phải có sự liên kết với các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An, Cty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa để bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Trên cơ sở chủ trương của UBND tỉnh, vụ xuân 2016 ngành nông nghiệp đã cùng với một số huyện xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao kết hợp xây dựng CĐL thành vùng lúa gạo hàng hóa lên đến 20.000 ha ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn và Nghi Lộc.

Dù gặp phải nhiều khó khăn trong vụ sản xuất vụ xuân tới đã được dự báo trước, nhưng với quyết tâm cao, có nội dung chỉ đạo cụ thể, hy vọng vụ xuân 2016 Nghệ An vẫn dành được thắng lợi lớn.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.