| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An khẩn cấp ứng phó siêu bão Rai, cẩn trọng phòng chống thiên tai

Thứ Sáu 17/12/2021 , 17:58 (GMT+7)

Trong kế hoạch phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã ký công điện số 45/CĐ-UBND chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với siêu bão Rai sắp đổ bộ.

Là tỉnh thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, do đó Nghệ An luôn đặc biệt đề phòng. Ảnh: Việt Khánh.

Là tỉnh thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, do đó Nghệ An luôn đặc biệt đề phòng. Ảnh: Việt Khánh.

Nêu cao cảnh giác

Công điện nêu rõ: Chiều 16/12/2021, siêu bão Rai đã ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển phía đông của Philippines, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tối 17/12 bão Rai sẽ tiến vào biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 13-14, giật cấp 17, gây sóng biển cao từ 6-8 m ở khu vực phía bắc, giữa và nam Biển Đông.

Dự kiến ngày 19 và 20/12, vùng biển ngoài khơi tại các tỉnh Trung Bộ có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15, khả năng đe dọa trực tiếp đến an toàn của tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển.

Chuyên gia nhận định siêu bão Rai có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão nên diễn biến còn rất phức tạp. Nhằm chủ động ứng phó, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT - TKCN) Nguyễn Đức Trung yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cùng các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến, qua đó quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời phương án theo đúng chức năng, quyền hạn được giao. 

Các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển phải tìm nơi tránh trú an toàn. Ảnh: Việt Khánh.

Các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển phải tìm nơi tránh trú an toàn. Ảnh: Việt Khánh.

Tinh thần sẽ thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng phó khẩn cấp với siêu bão sắp vào Biển Đông; Công điện số 26/CĐ-QG của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.

UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm phối hợp với lực lượng biên phòng và các cơ quan có liên quan chỉ đạo rà soát, nắm rõ tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển (tàu cá, tàu vận tải và phương tiện khác); hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không cho hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của siêu bão Rai.

Ngoài ra, phải chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý trong mọi tình huống, nhất quyết không để bị động, đảm bảo an toàn dân cư, công trình hồ đập và sản xuất.

Về phía Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, cơ quan này phải chủ động tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra… kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Cả hệ thống vào cuộc

Nằm ở vị trí đặc thù, Nghệ An thường xuyên phải đối diện với thiên tai, bão lũ, năm 2021 không là ngoại lệ. Ngay từ đầu năm trên địa bàn đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong thời gian chuyển mùa liên tiếp xảy ra 14 đợt không khí lạnh, 7 đợt nắng nóng, 31 đợt lốc, sét, mưa đá và mưa lớn. Thời điểm chưa đến mùa mưa bão đã chịu ảnh hưởng của bão số 2, trong mùa mưa bão ghi nhận tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, riêng tháng 9, tháng 10 lại phải gánh gồng 2 cơ bão lớn là số 6 và số 8.

Nhìn chung, thiên tai trong năm 2021 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh Nghệ An, ước tính tổng thiệt hại trên 698 tỷ đồng. Dẫu lớn nhưng con số trên sẽ còn tăng mạnh nếu địa phương không chủ động trong công tác ứng phó. Trên thực tế, với định hướng sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quyết liệt, đồng bộ của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cùng các ngành, địa phương, đơn vị, thiệt hại về người, tài sản đã được giảm thiểu tối đa.

Để công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn đạt hiệu quả, nhất thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ảnh: Võ Dũng.

Để công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn đạt hiệu quả, nhất thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ảnh: Võ Dũng.

Công tác khắc phục hậu quả từ các đợt thiên tai 2018, 2019, 2020 cũng được chú trọng đặc biệt. Trong bối cảnh bị “đọa đày” bởi đại dịch Covid-19, Nghệ An vẫn linh hoạt bố trí hơn 95 tỷ đồng để hỗ trợ sửa chữa, khắc phục khẩn cấp các công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đồng thời hỗ trợ các địa phương, đơn vị mua sắm các loại trang thiết bị phục vụ công tác PCTT-TKCN năm 2021.

Trước tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và có thể bổ bộ bất cứ lúc nào. Nghệ An xác định nội dung PCTT-TKCN năm 2022 và những năm kế tiếp là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.