| Hotline: 0983.970.780

Nghệ sĩ đồng hành sân khấu chống tham nhũng

Thứ Bảy 17/10/2020 , 08:15 (GMT+7)

Vở kịch “Bạch đàn liễu” do đạo diễn Trần Lực dàn dựng, đã tạo ấn tượng mạnh mẽ tai Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020, vì đề cập đến vấn đề chống tham nhũng.

Vở kịch 'Bạch đàn liễu' trên sân khấu Thủ đô.

Vở kịch "Bạch đàn liễu" trên sân khấu Thủ đô.

Từ hiệu ứng của vở kịch “Bạch đàn liễu”, nhiều suy tư được đặt ra cho mảng đề tài chống tham nhũng hoàn toàn vắng bóng trên sàn diễn kịch nghệ nhiều năm qua.

Vở kịch “Bạch đàn liễu” được nhà viết kịch Xuân Trình (1936-1991) viết vào năm 1972, và được diễn một lần duy nhất vào năm 1973, vì đụng chạm đến câu chuyện tham nhũng và tệ nạn cường hào ở nông thôn.

Tính nóng bỏng và gay gắt của vở kịch “Bạch đàn liễu” bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, khi được đạo diễn Trần Lực và ê-kip Lucteam tái dựng.

Không thể phủ nhận, vở kịch “Bạch đàn liễu” với sự thể hiện của các nghệ sĩ Trung Anh, Hoàng Tùng, Quỳnh Hoa… đã trở thành một hiện tượng được hưởng ứng nồng nhiệt tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020.

Vở kịch “Bạch đàn liễu” dù có tuổi đời gần nửa thế kỷ, nhưng được đạo diễn Trần Lực đưa vào không khí mới nên vẫn hấp dẫn công chúng.

Từ một ngôi sao điện ảnh bước sang làm đạo diễn sân khấu, Trần Lực chia sẻ về “Bạch đàn liễu” một cách hứng khởi: “Vở kịch lấy bối cảnh làng quê Bắc Bộ năm 1968, bắt đầu từ cây bạch đàn và kết thúc khi gốc cây bị đốn ngã. Nỗi đau của người dân khi được tác giả gửi gắm qua hình ảnh cây bạch đàn với thông điệp lên án thực trạng cán bộ lạm dụng chức quyền, tham nhũng khiến nhân dân khổ sở. 

Kịch bản được viết cách đây gần 50 năm nhưng vẫn đầy ý nghĩa, nêu bật những vấn đề thời sự nóng của xã hội khiến con người hôm nay phải suy nghĩ và hành động, đó là dám đối mặt với tham quan, lên án và vạch trần tội ác tham nhũng. 

Tôi tin vở kịch “Bạch đàn liễu” tìm được sự đồng cảm sâu sắc với khán giả khi mà sàn diễn hôm nay cần những vở diễn chạm đúng "chỗ ngứa" của khán giả. Quá ít những vở diễn thuộc đề tài chống tham nhũng, mà nhà viết kịch Xuân Trình đã để lại một thông điệp rất đẹp, đó là chúng ta muốn xây dựng xã hội phát triển phải triệt tiêu những kẻ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà làm cho đất nước nghèo mãi”.

Trước vở kịch “Bạch đàn liễu” của đạo diễn Trần Lực, sân khấu Hà Nội cách đây mấy năm từng có vở kịch “Bão lúc hoàng hôn” (kịch bản Vũ Thu Phong - đạo diễn Lê Hùng) nói về đề tài chống tham nhũng. Vở kịch “Bão lúc hoàng hôn” xoay quanh câu chuyện gia đình của thiếu tướng tình báo công an là Trịnh Thắng, một người 28 năm phải xa Tổ quốc, xa gia đình để làm nhiệm vụ.

Khi về hưu, ông Trịnh Thắng gặp giông gió do con trai mình tạo ra. Con trai của ông Trịnh Thắng là lãnh đạo thị xã đã bị tha hóa bởi đồng tiền và quyền lực, đẩy bao người lương thiện vào cảnh mất đất, mất nhà. Không ai khác, chính người cha dày dạn trận mạc, đã đấu tranh để đưa người con trai mình ra ánh sáng công lý.

Đạo diễn Lê Hùng.

Đạo diễn Lê Hùng.

Khi dàn dựng vở kịch “Bão lúc hoàng hôn” cho Đoàn kịch Công an Nhân dân chinh phục khán giả, đạo diễn Lê Hùng khảng khái: “Tôi nghĩ rằng nghệ thuật là một phương tiện có sức mạnh lớn lao trong chống tham nhũng. Chống tham nhũng không chỉ là công việc điều tra của cán bộ pháp lý.

Chống tham nhũng không chỉ là quyết tâm của các nhà lãnh đạo. Bởi để đưa một người ra vành móng ngựa vì tội tham nhũng khó khăn vô cùng. Người ta biết lãnh đạo A, lãnh đạo B tham nhũng đấy, nhưng tìm đủ chứng cứ để đưa họ ra ánh sáng thì không đơn giản.

Đấy là chưa kể nhiều lý do khác nữa. Trong chống tham nhũng, theo tôi còn là câu chuyện của lương tâm, của thức ngộ. Một người lãnh đạo phải ngộ về lòng tham, về luật nhân quả ở đời. Cái đó cần đến nghệ thuật. 

Tính hiệu ứng, lan truyền của nghệ thuật trong từng câu chuyện mà nó đề cập sẽ góp phần cảnh báo đến mỗi người, đặc biệt những người đang ngồi ở vị trí "có điều kiện tham nhũng". Có thể họ không xem, nhưng người thân của họ sẽ xem. Và nhận thức của người thân của họ cũng quan trọng như chính họ vậy”.

Kịch nói là thể loại xung kích nhất trong nghệ thuật. Kịch nói không thể đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng của xã hội. Thế nhưng, đáng tiếc thay, số lượng những tác phẩm sân khấu về đề tài chống tham nhũng vẫn rất ít ỏi.

Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà phân tích: “Đáng lẽ đội ngũ tác giả bây giờ phải theo kịp trình độ phát triển của truyền thông nhằm phản ánh bằng ngôn ngữ nghệ thuật những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Nhiều trại sáng tác, đợt thảo luận đề tài sân khấu không thấy có tác phẩm nào đề cập tham nhũng.

Nguyên nhân chính là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người nghệ sĩ công dân, cụ thể là các vị trưởng đoàn, giám đốc các đơn vị nghệ thuật đã không xem trọng đề tài thiết thực từ cuộc sống để đặt hàng, chỉ đạo kịp thời.

Mặt khác, qua nhiều khâu kiểm duyệt, kịch bản chống tham nhũng cứ bị bôi, xóa đi những chi tiết bị cho là nhạy cảm. Khi vở ra đời chẳng còn là câu chuyện chống tham nhũng mà chỉ hô hào chung chung nên khán giả xem không còn hứng thú”.

Một đô thị có xu hướng xã hội hóa sân khấu rất sôi động là TPHCM vẫn thưa vắng những vở kịch theo đuổi đề tài chống tham nhũng. Hai bầu show nổi tiếng năng động là Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân và Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi đều khẳng định sẵn sàng đầu tư làm kịch chống tham nhũng, nhưng không tìm đâu ra kịch bản.

Còn về phía các nhà viết kịch thì sao? Tác giả Vương Huyền Cơ từng có vở kịch “Kỳ án xứ mặt trời” phản ánh tệ nạn tham nhũng, nhưng lại không được chọn tham dự Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc 2018, đã chia sẻ: “Đời sống hiện đại tác động làm tác giả mất đi khát vọng, cho nên người viết không dám nhìn thẳng vấn đề để lý giải trước công chúng”.

Để sân khấu phát huy vai trò tiên phong trong việc cổ vũ chống tham nhũng, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc cho rằng: “Có hai bất cập đang tồn tại. Thứ nhất, tác giả kịch hôm nay ngại đụng đến đề tài này vì khâu kiểm duyệt. Thứ hai là hình thức hóa nghệ thuật câu chuyện chống tham nhũng như thế nào để đưa lên sân khấu không bị nguội, nhạt so với báo chí, truyền hình. Không đặt mình vào hàng ghế khán giả nên nhiều kịch bản nói chuyện đâu đâu, vui cười nhạt nhẽo.

Trước hết, khi đã nhìn thấy nguyên nhân thì phải ngay lập tức chấn chỉnh. Đừng tổ chức hội thảo, tập huấn mà phải làm ngay với việc đặt hàng tác giả viết về đề tài chống tham nhũng”.

Cụ thể hơn, đạo diễn Lê Hùng kiến nghị: “Theo tôi, nên xem nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng là một kênh để chống tham nhũng, một phương tiện chống tham nhũng hiệu quả không kém các biện pháp pháp lý khác. Hãy đầu tư để các vở diễn như vậy có cơ hội được đến với đông đảo công chúng. 

Một năm mỗi đoàn có vài, ba vở diễn nghiêm túc về đề tài này, thì tiếng nói chống tham nhũng sẽ lan truyền mạnh mẽ trong toàn xã hội. Và các vở như vậy thì Nhà nước phải đầu tư. Còn nếu để các đoàn tự lo, họ sẽ lại chạy theo các vở giải trí. Như thế mới bán vé được, mới nuôi anh em nghệ sĩ được.

Tôi biết có đoàn dựng vở rất hay về một đề tài nóng trong xã hội, một doanh nghiệp bị "đụng chạm" đến ngỏ ý "mua" lại vở diễn bằng cách trả tiền nhiều hơn số tiền đơn vị bỏ ra dàn dựng, với yêu cầu, không diễn vở đó trước công chúng nữa. Mặt trái của xã hội hóa là như vậy đấy. Cho nên, không thể thiếu vai trò của Nhà nước trong những vở diễn có sức nặng, có vấn đề xã hội”.

(Kiến thức gia đình số 42)

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.