Nghệ sĩ Việt cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy của đại dịch toàn cầu. Nghệ sĩ Việt cũng như những đối tượng lao động khác trong xã hội, rất cần được hỗ trợ chống Covid-19. Thế nhưng, nghệ sĩ Việt có những ai được hỗ trợ và hỗ trợ ra sao, lại là câu chuyện phải đắn đo.
Một văn bản vừa được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch gửi tới Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, để kiến nghị bổ sung vào mục II dự thảo nghị quyết về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, với nội dung: “Hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, diễn viên hạng IV, họa sĩ hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần”.
Nghĩa là những nghệ sĩ Việt đang công tác trong các đơn vị nghệ thuật Nhà nước sẽ được ưu tiên nhận hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu không tính các đơn vị nghệ thuật thuộc lực lượng vũ trang, thì khoảng 2000 viên chức là nghệ sĩ có chức danh nghề nghiệp hạng IV thuộc sự quản lý của 100 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, có phải là đối tượng khốn đốn nhất trong giới nghệ sĩ Việt căng mình chống chọi Covid-19 không? Từ đầu năm 2020 đến nay, đời sống nghệ thuật gần như đóng cửa tắt đèn. Trừ vài ngôi sao còn có thu nhập từ quảng cáo, thì hầu hết nghệ sĩ Việt đều lâm vào hoàn cảnh túng thiếu. Bằng chứng ư? Ngay cả một diễn viên lừng lẫy như Thành Lộc còn phải bán bớt đồ trong nhà để có tiền sinh sống, thì chẳng nghệ sĩ Việt nào dám tự nhận mình có thể ung dung giữa đại dịch toàn cầu.
Chỉ có điều nên suy tư thật nghiêm túc. Nghệ sĩ viên chức hạng IV dù ít dù nhiều vẫn còn có lương, chứ các nghệ sĩ tự do thì chẳng còn nguồn sinh kế nào. Trong năm 2020, UBND TPHCM đã dựa theo danh sách đề nghị của Sở Văn hóa Thể thao TPHCM để hỗ trợ cho 151 văn nghệ sĩ gặp khó khăn vì Covid-19, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ người.
Vậy thì, nghệ sĩ Việt nào xứng đáng được nhận hỗ trợ? Đó là những nghệ sĩ già yếu và neo đơn. Bởi lẽ nghệ sĩ viên chức hạng IV và nghệ sĩ tự do đang độ tuổi lao động vẫn còn sức khỏe để xoay sở làm thêm công việc khác.
Nếu Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch phối hợp với các địa phương để lập danh sách những nghệ sĩ già yếu và neo đơn được nhận hỗ trợ cẩn khấp, thì chắc chắn không nghệ sĩ Việt nào phàn nàn hay phản đối. Còn nếu chỉ ưu tiên cho nghệ sĩ viên chức hạnh IV thì e rằng những nghệ sĩ tự do sẽ cảm thấy tủi thân.
Một miếng khi đói rất quan trọng, nhưng sự thiện chí và sự công bằng còn quan trọng hơn.