Tối ngày 15/6, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các cơ quan, đơn vị tổ chức Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Đồng thời tổ chức khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.
Tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận còn duy trì nghề thủ công làm gốm truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) và làng gốm Bình Đức (huyện Bắc Bình, Bình Thuận).
Sản phẩm gốm Chăm được sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng cũng như làm quà tặng, trang trí các công trình nghệ thuật.
Nghề làm gốm của người Chăm không chỉ đơn thuần là kỹ thuật sản xuất, tạo ra sản phẩm cụ thể mà ở đó hội tụ, chứa đựng nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm được trao truyền từ đời này qua đời khác tạo thành một nghệ thuật.
Theo ông Trần Quốc Nam, với những giá trị được ghi nhận, ngày 29/11/2022, UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Sự kiện này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022.
“Việc tổ chức đón Bằng của UNESCO sẽ tạo sự lan tỏa đến nhân dân, du khách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trong thời gian tới”, ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư tỉnh Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam được tạo tác từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm với những dụng cụ đơn giản làm từ tre, vỏ sò, vải… tạo nên những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hay những sản phẩm mỹ nghệ.
Mỗi sản phẩm gốm Chăm luôn có những nét độc đáo riêng, thể hiện sáng tạo, kỹ năng của mỗi phụ nữ Chăm được trao truyền thông qua thực hành, đồng thời là lăng kính phản chiếu cuộc sống cũng như những nét văn hóa hàng ngày và gửi gắm những khát vọng tươi đẹp của cộng đồng dân cư.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ: “Chúng ta vui mừng và tự hào khi Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, nghề thủ công truyền thống đầu tiên, trở thành di sản thứ 15 của Việt Nam được ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào của đồng bào Chăm và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên "Dải đất hình chữ S” tươi đẹp”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo không ngừng của người dân Ninh Thuận, nhiều giống nho đã được trồng thành công, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch trải nghiệm. Từ những giàn nho tươi ngọt, nhiều sản phẩm đặc trưng của Ninh Thuận đã ra đời như rượu nho, mật nho… giàu dinh dưỡng, là món quà đầy ý nghĩa, thương hiệu, đặc sản của mảnh đất đầy nắng, gió.
“Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận hôm nay chính là cơ hội để tôn vinh những người nông dân, doanh nhân, nhà khoa học. Đồng thời cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác, quảng bá đưa thương hiệu nho - vang Ninh Thuận ra thị trường trong nước, thế giới”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ.
Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 được diễn ra từ ngày 13/6 đến hết ngày 18/6 với 12 hoạt động cấp tỉnh về văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, hấp dẫn, quy mô lớn và nhiều hoạt động hưởng ứng khác từ các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Thuận.