Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, giải pháp để phát triển mạnh cây nho là tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất phù hợp với thực tế đất đai và khu vực trồng. Đồng thời mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua hỗ trợ người sản xuất; nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống nho có năng suất, chất lượng cao như: Giống Red Cardinal; NH-0148; NH-01.152…
Ông Huỳnh Hiền, chủ cơ sở sản xuất rượu vang nho Thiên Thảo cho biết, gia đình ông đã gắn bó với cây nho hơn 30 năm nay. Nhờ cây nho mà cuộc sống gia đình ông trở nên khấm khá. Tận dụng lợi thế từ giá trị cây nho mang lại, gia đình ông đã đầu tư dây chuyền công nghệ, xây dựng cơ sở chế biến rượu vang nho với công suất 10.000 lít/năm mang thương hiệu rượu vang nho Thiên Thảo, được người tiêu dùng trong nước biết đến và rất ưa chuộng.
Ông Đỗ Trung Thu, Chủ tịch Hiệp hội nho Ninh Thuận cho biết, nho Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2012, góp phần nâng cao vị thế nho của địa phương. Tuy nhiên, để nho Ninh Thuận đứng vững trên thị trường cần phải có sự chung tay tham gia của cả 3 nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học.
Có vậy nho Ninh Thuận mới hiên ngang trước bão tố thị trường. Hiệp hội nho Ninh Thuận luôn đồng hành với nhà nông, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hơn 350 hội viên để tham gia lớp sản xuất nho VietGAP. Hiện nay, khuynh hướng của người trồng nho đã thay đổi theo nhu cầu thị trường. Do đó diện tích sản xuất nho VietGAP tăng lên với hơn 100 ha.
Mặc dù vậy, việc tiêu thụ nho và sản phẩm từ nho ở Ninh Thuận vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung; sản lượng, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chưa bền vững; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chưa được quan tâm...
Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ doanh nghiệp sản xuất thương mại, dịch vụ Ba Mọi cho rằng, thành công của nho có vai trò rất lớn của khoa học công nghệ vào sản xuất mới nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nho. Chỉ có doanh nghiệp mới có đủ công nghệ. Chỉ có liên kết, chuyển giao khoa học tiềm lực đầu tư thiết bị hiện đại để sản xuất nho, chứ để nông dân “tự bơi” là không thể.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, hiện diện tích trồng nho ở tỉnh có 1.220 ha, tăng 61% so với năm 2010. Mặc dù nho chỉ chiếm khoảng 3% diện tích canh tác, nhưng chiếm đến 20% tổng giá trị sản xuất trong ngành trồng trọt của tỉnh.