Ngôi sao cải lương Vũ Linh qua đời ở tuổi 65 vào trưa 5/3, thực sự để lại nhiều thương tiếc cho công chúng. Linh cữu của ngôi sao cải lương Vũ Linh được quàn tại nhà riêng trên con phố nhỏ khu vực ngã tư Phú Nhuận, TP.HCM đã chứng kiến dòng người đến viếng chen chúc suốt mấy ngày qua.
Hôm nay 9/3, ngôi sao cải lương Vũ Linh được an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương. Hàng nghìn khán giả và đồng nghiệp đã đưa tiễn ngôi sao cải lương Vũ Linh về nơi an nghỉ cuối cùng, khép lại một cuộc đời và mở ra một huyền thoại.
Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc trong điếu văn đọc trước giây phút giã biệt ngôi sao cải lương Vũ Linh đã khẳng định: “Bằng mồ hôi, tim óc và cả xương huyết, anh đã là một hiện tượng văn hóa và xã hội mà không ai có thể tranh dành vị trí này của anh được. Nghiễm nhiên khán giả đã trải thảm đỏ để nghệ sĩ Vũ Linh có thể đi vào tim của mình”.
Hành trình trên dương gian của ngôi sao cải lương Vũ Linh, trong đó thời gian anh sống cho những nhân vật của mình còn nhiều hơn thời gian anh dành cho đời riêng, sẽ cung cấp nhiều đề tài cho những ai tìm muốn nghiên cứu về sân khấu Việt Nam cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng cho rằng, sân khấu cải lương sau 1975, vắng bóng nhiều danh ca, tuồng tích chuyển hướng, các nghệ nhân ngày càng tuổi cao sức yếu, vài nghệ sĩ rời đi. Nếu không có những người yêu nghề có tiềm năng, thêm tính kiên trì hiếu học như Vũ Linh, chúng ta sẽ có một khoảng trống khó lấp đầy.
Thường trong nghề nầy, nhất là các tuồng cổ, ai có thế mạnh là vũ đạo thì bị lép về giọng ca, còn có được hơi ca thì khó đủ sức khỏe tung hoành thể hiện kỹ năng vũ đạo. Ngôi sao cải lương Vũ Linh đã điêu luyện cả hai yếu tố này, ngoài việc trời và tổ nghiệp phú cho, không thể phủ nhận được còn có sự chỉ dạy của các thầy và do anh trì chí khổ luyện.
Là một kép chánh, hơn nữa, một ngôi sao phòng vé lúc đó, nhưng không cần ai phải nhắc, Vũ Linh kỹ lưỡng từng nét chấm phá trong tạo hình, như đôi môi Lương Sơn Bá trong giờ hấp hối phải nhạt đi, như bộ đồ lính phải bạc màu sương gió chớ không thể mới toanh như nhiều đạo diễn phim vướng sai lầm trong các phim chiến tranh…
Không thể kể kết những chăm chút cho từng vai của Vũ Linh, vì ngoài những vở trên sân khấu, anh còn một gia tài khổng lồ của trên 400 cuốn video tuồng cổ và xã hội mà chắc là không vai nào trùng lấp với vai nào. Không chỉ vì tiền, mà người nghệ sĩ của chúng ta còn ý thức được sứ mệnh của mình: Bộ môn Cải lương không thể thiếu được trong đời sống tinh thần dân Việt. Bởi nếu vì tiền, hẳn là Vũ Linh đã không nói không với các game show, các quảng cáo, các vở tuồng đóng ghép với những người thừa tiền nhưng thiếu tố chất của một nghệ sĩ biểu diễn.
Ngôi sao cải lương Vũ Linh sáng rực hơn bao giờ hết, khi mọi người nhận ra khoảng trống mà anh để lại. Đồng thời chúng ta cũng nhớ về những công trình anh đã để lại, từ khát vọng đau đáu truyền nghề, muốn đầu tư cho thế kệ kế thừa mà chưa bao giờ muốn nhận tiếng Thầy, cho là đây là việc phải làm để trả nghĩa cho các ân sư mình đã thọ giáo. Vũ Linh không đao to búa lớn, không vay mượn học hàm, học vị, nhưng rõ ràng, ngoài tài năng, anh còn âm thầm tự lãnh một sứ mệnh, gìn giữ, đóng góp rất lớn những lúc sân khấu điêu đứng, vực dậy sáng đèn sân khấu nhiều nơi.
Từ tâm huyết của Vũ Linh, sân khấu còn có thêm bao cô đào tài danh khác cùng lứa, hay lứa đàn em như Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ và cả lứa trẻ sau này như Tú Sương, Trinh Trinh, Bình Tinh, Lê Hồng Thắm...