Đỗ Bảo Châu khi ở vai nhà báo của Báo Nông nghiệp Việt Nam thì gắn bó máu thịt với nông dân; khi ở vai nhà văn thì ông là nhà văn công nhân cùng thế hệ những nhà văn công nhân Trần Dũng, Phạm Ngọc Chiểu, Nguyễn Tùng Linh, Tùng Điển... Ông là thành viên của Ban Văn học Công nhân (Hội Nhà văn Việt Nam).
Trong ông đã có dòng chảy của liên minh công nông để giữ thăng bằng cho ngòi bút. Có một La Quán Gió tung tẩy ngọn bút để tạo ra hình ảnh bác Cả người quê ra phố vừa hóm hỉnh, lạ lẫm bất ngờ nhưng có phần tinh quái, gây cười thì lại có một cây viết điều tra Đỗ Bảo Châu tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Ở vai nhà báo hay nhà văn anh cũng thể hiện là người viết có trách nhiệm với ngòi bút của mình. Vào những năm 80, 90 thế kỷ trước, khi báo chí nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, anh luôn là phóng viên tiên phong.
Tác phong giản dị khiêm tốn, điều tra cẩn trọng và có cái nhìn khách quan, nhân bản đã giúp cho tác phẩm của anh gây tiếng vang lớn. Tác phẩm của anh về hiện trạng nhức nhối ở làng quê chỉ cách Hà Nội 20km đã được trao Giải Báo chí quốc gia năm 1997, được Bộ Công an tặng bằng khen; được đồng nghiệp đánh giá cao về lòng dũng cảm, kiên định, trung thực.
Trước đó vài năm, anh còn có bài “Cách Hà Nội 10km - Một làng quê chị Dậu”. Bài viết này phản ánh trung thực về làng quê ở Thanh Trì những năm đầu 90 thế kỷ trước cũng khiến nhiều người phật lòng. Cũng may, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn ngày đó đã chia sẻ với báo và ông chỉ dặn rằng các cậu đầu tư vào những vệt bài ở làng quê, nhìn thấy xám lại phải tìm ra ánh sáng. Đấy mới là giỏi, mới tài.
Có thể nói rằng, ở vùng quê nào có bất công, có tệ nạn nhũng nhiễu dân lành; những cảnh đời oan trái, là ở đó có mặt anh. Tuổi 60 là Trưởng ban Công tác bạn đọc, trực tiếp xử lý đơn thư và đi xe máy cả trăm cây số để xác minh, anh vẫn lên đường. Với anh, sự thật chỉ có một. Vì thế điều tra của anh rất đáng tin cậy. Đối tượng bị điều tra tâm phục khẩu phục.
Cũng nhờ đi nhiều, hiểu rõ về nông dân, nông thôn anh đã phóng bút ra truyện dài kì “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”. Lối viết chương hồi "Xin xem hồi sau sẽ rõ" một thời là đặc sản văn hoá của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Đến mức các phóng viên về quê công tác bao giờ cũng được nghe dân kể lại truyện trên báo rồi họ cười khoái trá. Họ thấy bóng dáng mình ở đấy. Và cũng chính họ cung cấp thêm tư liệu cho tác giả La Quán Gió để giữ chuyên mục cả năm trời.
Một điều thú vị là hành trình của bác Cả trong “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” 20 năm sau lại tái xuất (năm 2014) là thể theo nguyện vọng của bạn đọc. Họ muốn 20 năm qua, bác Cả còn ra tỉnh không? Và, bác Cả nghĩ gì? Còn có phần thưởng nào hơn với người cầm bút!
Nghề báo cho anh trải nghiệm, gặp gỡ nhiều người, làm phong phú tư liệu. Đó cũng chính là nguồn cho những trang văn của anh. Anh bén với văn từ sớm. Năm 1968 (mới 22 tuổi anh đã có tác phẩm trình làng).
Văn anh giàu chất liệu thô ráp, chân thực. Nó góp phần vào mảng văn học công nhân mà ở đó có vị chủ soái tài danh, nhà văn Ma Văn Kháng. Chính nhà văn Ma Văn Kháng khi làm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cử người sang báo xin Đỗ Bảo Châu về đó. Nhưng dường như dòng máu phóng viên vẫn thôi thúc anh để rồi anh lại quay trở về ngôi nhà Nông nghiệp Việt Nam để cùng chia sẻ buồn vui với nông, dân. Với anh, mảnh đất và hồn quê đã ngấm thì không dễ gì dứt được.
Cùng với các nhà văn Văn Chinh, Vũ Hữu Sự, Nghiêm Thị Hằng, Lê Thiếu Nhơn, Lưu Trọng Văn, Thái Sinh, Đỗ Bảo Châu đã mang đến cho Nông nghiệp Việt Nam một phong cách khác biệt của tờ báo ngành vốn rất khô cứng.
Hồi ấy Nông nghiệp Việt Nam là tờ báo không chuyên về văn chương nhưng có đông đảo nhà văn nhất. Dường như nó tiếp nối truyền thống của các nhà văn đã từ Báo Nông nghiệp Việt Nam ra đi như Sơn Tùng, Anh Đức, Nguyễn Sinh... Chính các anh đã cho thế hệ sau noi theo để rèn bút lực của mình.
Giờ thì tác giả La Quán Gió đã theo gió về trời, để lại cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nỗi tiếc thương vô hạn.