| Hotline: 0983.970.780

Người chăn nuôi chới với vì giá thức ăn tăng liên tục

Chủ Nhật 16/05/2021 , 07:55 (GMT+7)

Từ tháng 2/2021 đến nay, thức ăn chăn nuôi ở Bình Định đã trải qua nhiều lần tăng giá, trong khi giá bán sản phẩm giảm mạnh, người chăn nuôi heo, gà đều chới với.

Người nuôi gà khốn đốn

Theo anh Nguyễn Mạnh Huy, người chuyên nuôi gà thịt ở khu vực Hòa Ninh, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định), từ tháng 2/2021 đến nay giá thức ăn chăn nuôi đã trải qua nhiều lần tăng giá.

Hiện một bao thức ăn công nghiệp cho gà tăng 40.000đ-50.000đ/bao (25kg) so với thời điểm cuối năm 2020.

"Thế mà vẫn chưa dừng lại, công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi vừa thông báo ngày 15/5 tới đây giá thức ăn chăn nuôi cho gà sẽ tăng thêm 250đ/kg, vị chi một bao thức ăn 25kg sẽ tăng thêm 7.500đ nữa”, anh Huy cho hay.

Ông Mai Văn Rõ, chủ trang trại nuôi gà ta thả đồi quy mô 30.000 con ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định), cũng xác nhận 1 bao thức ăn chăn nuôi cho gà hiện đã tăng đến 40.000đ-50.000đ/bao (25kg) so với thời điểm cuối năm ngoái.

Trong khi đó, giá gà ta thả đồi vừa tăng được trên 70.000đ/kg trong dịp nghỉ lễ 30/4 thì nay lại hạ giá còn chỉ 65.000đ/kg, còn gà ta nuôi nhốt chuồng trước đây có giá 60.000đ-61.000đ/kg thì nay chỉ còn 55.000đ-56.000đ/kg.

Giá bán sản phẩm đã giảm mạnh, lại không tiêu thụ được do đợt dịch Covid-19 vừa bùng phát khiến đầu ra bị tắc, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên người chăn nuôi gà ở Bình Định lâm cảnh khốn đốn.

"Với 30.000 con gà thịt đang nuôi trong trang trại, mỗi ngày tôi cho chúng ăn gần 1,5 tấn thức ăn, chi phí khoảng 18 triệu đồng. Cách đây khoảng 20 ngày đầu ra của gà thịt còn thông thoáng, thị trường Đà Nẵng, Quảng Ngãi còn tiêu thụ mạnh nên giá gà ta tăng được 70.000đ/kg, hiện nay đã giảm mạnh chỉ còn 65.000đ/kg mà cũng chẳng tiêu thụ được, nên người chăn nuôi gà hiện đang chịu lỗ to", ông Rõ bộc bạch.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, giá gà giả mạnh lại không tiêu thụ được nên người chăn nuôi gà ở Bình Định chịu lỗ nặng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, giá gà giả mạnh lại không tiêu thụ được nên người chăn nuôi gà ở Bình Định chịu lỗ nặng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo tính toán chi li của anh Nguyễn Mạnh Huy, người thường xuyên nuôi nhốt chuồng hơn 10.000 con gà ta thì lượng thức ăn tiêu tốn cho 1.000 con gà trong 3 tháng nuôi khoảng 20 bao (25kg/bao). Nếu vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giá một bao thức ăn chăn nuôi loại 25kg/bao chỉ 230.000đ thì hiện nay đã tăng đến 270.000đ-280.00đ/bao. Vị chi trong thời gian 3 tháng nuôi, chi phí thức ăn cho 1.000 con gà tốn mất 5,4 triệu đồng. Hiện đầu ra của gà thịt đang tắc, gà không tiêu thụ được mà người chăn nuôi vẫn phải cho gà ăn nên người chăn nuôi càng lỗ nặng.

"Sau 3 tháng nuôi nếu gà bán không được, đến thời điểm này lũ gà càng ăn mạnh mà lại không tăng trọng nên người chăn nuôi càng lỗ to. Theo tôi biết, hiện 80% cơ sở nuôi gà ở địa phương đang bỏ trắng chuồng, vì không kham nổi thực trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mà giá bán sản phẩm ngày càng giảm, đầu ra lại bị tắc. Ví như tôi thường xuyên nuôi hơn 10.000 con gà trong chuồng, thế nhưng từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay tôi bỏ trống chuồng vì không kham nổi”, anh Huy chia sẻ.

Người nuôi heo giảm lãi

Ông Mai Văn Rõ ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định) ngoài đang nuôi 30.000 con gà ta thả vườn, ông còn đang nuôi 120 con heo thịt.

Theo ông Rõ, giá thức ăn chăn nuôi heo hiện cũng tăng 40.000đ-50.000đ/bao (25kg) nhưng nhờ giá bán heo hiện vẫn còn khá cao nên người chăn nuôi heo chỉ giảm mức lãi chứ chưa đến nỗi chịu lỗ nặng như người chăn nuôi gà.

Giá heo siêu nạc ở huyện Hoài Ân (Bình Định) giảm chỉ còn 68.000đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Giá heo siêu nạc ở huyện Hoài Ân (Bình Định) giảm chỉ còn 68.000đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định), nơi được mệnh danh là "vựa heo lớn nhất miền Trung" thì gia thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến người chăn nuôi heo trên địa bàn mất đi khoản lãi khá lớn.

"Hiện giá heo siêu nạc trên địa bàn Hoài Ân đã hạ chỉ còn 68.000đ/kg hơi, trong khi giá mua 1 con giống heo siêu nạc cao đến 3,5 triệu đồng/con. Sau 5 tháng nuôi, 1 con heo ăn khoảng 2,5 triệu đồng tiền thức ăn, như vậy tổng chi phí đầu vào của một con heo cao đến 6 triệu đồng. Nếu con heo đạt trọng lượng 100kg hơi sẽ bán được 6,8 triệu đồng, người chăn nuôi chỉ còn lãi 800.000đ/con. Đó là chưa kể chi phí thuốc thú y, chi phí điện nước và công chăm sóc, nếu trừ thêm các khoản chi phí nói trên thì người chăn nuôi heo chỉ còn lãi khoảng 500.000đ/con. Trong khi trước đây, khi giá heo siêu nạc còn đứng ở mức gần 80.000đ/kg thì người chăn nuôi có lãi đến 2,5 triệu đồng/con".

Cũng may, đầu ra của con heo chưa bị tắc như gà nên đàn heo hơn 200.000 con ở Hoài Ân vẫn còn đang tiêu thụ được.

"Thời điểm từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, mỗi ngày Hoài Ân xuất bán ra thị trường Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng khoảng gần 1.000 con heo. Thế nhưng từ khi đợt dịch Covid-19 mới xảy ra đến nay, sức tiêu thụ heo của các thị trường truyền thống tuy có chậm lại nhưng mỗi ngày thương lái vẫn xuất bán khỏi địa phương khoảng 500-600 con heo thịt", ông Vương cho hay.

Do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá heo hơi gảm mạnh nên người chăn nuôi heo ở Bình Định mất đi khoản lãi lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá heo hơi gảm mạnh nên người chăn nuôi heo ở Bình Định mất đi khoản lãi lớn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo ông Vương, trước đây, trên địa bàn huyện Hoài Ân tính cả lớn lẫn nhỏ có đến mấy chục đại lý chuyên cung ứng thức ăn cho người chăn nuôi trên địa bàn. Phương thức bán thức ăn chăn nuôi của các đại lý là bán nợ, đến khi người chăn nuôi xuất chuồng bán heo, gà mới thu hồi tiền bán thức ăn.

Thế nhưng hiện nay, cả 13 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều cho nhân viên về tận địa phương trực tiếp làm việc với người chăn nuôi, do đó, hầu hết các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đều mua trực tiếp thức ăn chăn nuôi từ các doanh nghiệp để giảm chi phí đầu vào nên hiện ở Hoài Ân chỉ còn tồn tại những đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi lớn, các đại lý nhỏ đều đã ngưng hoạt động.

"Hầu hết nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu nành, đậu tương… đều nhập từ nước ngoài. Thế nhưng trong thời gian gần đây do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát, do đó phương tiện vận chuyển bằng đường biển hạn chế, nên nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi bị đứt gãy, phí vận chuyển tăng cao, dẫn tới giá thành thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước tăng theo", ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định nhận định.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.