| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp đối mặt 'bão giá' thức ăn chăn nuôi

Thứ Năm 06/05/2021 , 16:26 (GMT+7)

Giá thành 1kg lợn hơi tại Hà Tĩnh hiện nay tăng từ 10.000-12.000 đông so với năm 2020. Nguyên nhân là do chi phí phòng chống DTLCP và giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Giá cám tăng chóng mặt khiến lợi nhuận của người chăn nuôi sụt giảm mạnh. Ảnh: Võ Dũng. 

Giá cám tăng chóng mặt khiến lợi nhuận của người chăn nuôi sụt giảm mạnh. Ảnh: Võ Dũng. 

Tháng 5/2019 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh được phát hiện tại huyện Cẩm Xuyên. Dịch bệnh quần thảo hơn 1 năm, đến gần cuối năm 2020 thì hạ nhiệt.

“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, người chăn nuôi thở phào chưa được bao lâu thì đầu năm 2021 làn sóng đợt dịch mới bùng phát. Trong thời gian chưa đầy 4 tháng, DTLCP đã lây lan trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã, thành phố, khiến hơn 7.500 con lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy, thiệt hại vô cùng nặng nề.

Ông Mai Khắc Mại, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nông lâm Hà Tĩnh (Tổng Công ty khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) cho biết, sau Tết nguyên đán đến nay, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp phải bỏ ra từ 2,2 đến 3 tỷ đồng mua thuốc thú y, vacxin, hóa chất, vôi bột… phòng chống DTLCP.

“Ngoài căng mình phòng chống dịch, giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt trong thời gian ngắn khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. Hiện giá thành sản xuất 1kg lợn hơi đã tăng từ 10.000 - 12.000 đồng so với cuối năm 2020, trong khi giá bán lợn thịt giảm xuống còn 68.000 - 69.000 đồng/kg”, ông Mại nhẩm tính. 

Trang trại chăn nuôi lợn nái của Công ty cổ phần phát triển nông lâm Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của DTLCP và 'bão giá' cám. Ảnh: Võ Dũng.

Trang trại chăn nuôi lợn nái của Công ty cổ phần phát triển nông lâm Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của DTLCP và 'bão giá' cám. Ảnh: Võ Dũng.

Theo vị Giám đốc, chỉ trong thời gian 4 tháng, giá cám của Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc và Công ty CP dinh dưỡng Hồng Hà đã tăng đến 8 lần, lần tăng thấp nhất là 300 đồng/kg, lần cao nhất 450 đồng/kg (mức tăng tương đương 20 - 30% so với năm 2020 và cao nhất từ trước đến nay).

“Bây giờ chăn nuôi lợn mà phải mua từ A - Z (giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất phòng dịch…) thì cầm chắc lỗ. Bởi ngoài những chi phí “cứng” như thời điểm không có DTLCP thì giai đoạn này còn phải gánh thêm chi phí xét nghiệm DTLCP trước khi xuất chuồng; phí trung chuyển; đặc biệt là ‘bão giá’ cám”, ông Mai Khắc Mại nói thêm.

Hiện Công ty cổ phần Phát triển nông lâm Hà Tĩnh đang duy trì tổng đàn 2.700 nái và 20 trại nuôi lợn thịt vệ tinh ở các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn; quy mô từ 450 - 500 con/trại/lứa.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Huy, chủ trang trại chăn nuôi 600 con lợn nái và 2.500 con lợn thịt ở huyện Đức Thọ cho rằng, việc tăng giá cám liên tục  khiến lợi nhuận của người chăn nuôi còn lại không đáng là bao. Cụ thể, từ đầu năm đến nay giá cám của Công ty Cargill và Tập đoàn C.P đã tăng 6 lần, mỗi lần tăng từ 280 - 380 đồng/kg, tính ra mỗi tháng đàn lợn của trang trại ‘ăn’ thêm gần 400 triệu đồng tiền cám so với cuối năm 2020.  

“Bây giờ giá cám lợn, gà, vịt ở tất cả các công ty thức ăn chăn nuôi đều tăng. Ngoài ra, vacxin, hóa chất, nhân công cũng đội lên từ 20 - 25%, nếu người chăn nuôi tính toán không chi li thì khó mà có lời”, ông Huy khẳng định.

Theo dự báo, thời gian tới giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng. Ảnh: Võ Dũng.

Theo dự báo, thời gian tới giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng. Ảnh: Võ Dũng.

Lý giải nguyên nhân giá cám tăng liên tục trong thời gian qua, anh Chiến, nhân viên phụ trách thị trường Hà Tĩnh, Quảng Bình của Công ty Cargill Việt Nam chia sẻ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi khan hiếm; giá nguyên liệu tăng, khó nhập khẩu; vận tải toàn cầu tắc nghẽn; thiếu lao động…

“Dự báo tháng 5/2021 giá cám Cargill sẽ tăng thêm khoảng 2 lần nữa”, anh Chiến thông tin thêm.

(Kiến thức gia đình số 17)

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất