| Hotline: 0983.970.780

Người lao động quay trở lại TP.HCM làm việc sau Tết khá cao

Thứ Sáu 18/02/2022 , 12:08 (GMT+7)

Với nhiều chính sách đãi ngộ như tăng lương, thưởng, giảm giá tiền thuê nhà, lì xì đầu năm… người lao động quay lại làm việc sau Tết trên địa bàn TP.HCM khá cao.

Công nhân tại Công ty CP Ba Huân.

Công nhân tại Công ty CP Ba Huân.

Nhiều chính sách chăm lo, thu hút lao động

Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như dịch cúm gia cầm vừa qua, đơn vị của bà cũng bị ảnh hưởng khá nhiều, tuy nhiên đến nay, công ty đã, đang phục hồi sản xuất, lấy đà tăng trưởng trong năm 2022 và những năm tới. Với một doanh nghiệp có 60% là chăn nuôi, 40% là bao tiêu, cộng với việc đầu tư máy móc thiết bị công nghệ chuẩn châu Âu, nên doanh nghiệp Ba Huân chỉ cần khoảng 500 lao động. “Sau Tết, công ty chỉ thiếu khoảng 10% lao động, tuy nhiên hiện nay đã quy tụ đủ”, bà Huân khẳng định. 

Để giữ chân người lao động trong thời điểm dịch Covid-19 cũng như trong và sau Tết Nguyên đán, Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) cũng đã có những chính sách chăm lo phúc lợi, những phần quà, lì xì đầu năm khuyến khích, động viên tinh thần cho người lao động.

“Khi đón công nhân trở lại, các doanh nghiệp đã triển khai một số biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe như tiếp nhận khai báo y tế, đo thân nhiệt, yêu cầu mang khẩu trang. Một số nhà máy, xí nghiệp tổ chức quay số may mắn tặng xe máy, lì xì đầu năm góp phần tạo tạo động lực để người lao động quay lại sản xuất đúng ngày”, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM Hồ Xuân Lâm cho hay.

“Ngoài việc lì xì 500.000 đồng/người dịp Tết, công đoàn còn tặng mỗi người một thùng mì và chục trứng gà hỗ trợ họ trong những ngày Tết đến Xuân về”, bà Lê Thùy Trang, Chủ tịch Công đoàn APT cho hay.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, mỗi doanh nghiệp đều phải có những biện pháp để trấn an người lao động yên tâm làm việc, để họ tự nguyện quay trở lại gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp, cùng chung sống với đại dịch Covid-19. “Hai việc mà doanh nghiệp cần phải quan tâm chăm sóc, làm một cách nghiêm túc là: thứ nhất, phải có phương pháp, thuốc điều trị Covid-19, chính sách hỗ trợ khi người lao động là F0 để họ yên tâm; thứ hai là tạo cơ hội cho lao động chích đầy đủ liều vacxin phòng Covid-19.

Không những thế, doanh nghiệp không chỉ mời gọi người lao động quay trở lại không, mà còn phải hỗ trợ tiền xe, thậm chí phải đón họ trở lại”, ông Lâm Viên nói.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, đối với mỗi doanh nghiệp thì nguồn lực con người là quan trọng nhất, chính vì vậy, sức khỏe của người lao động luôn được công ty quan tâm. “Công ty cũng có nhiều khóa đào tạo để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động để họ ăn đúng, uống đúng, vận động đúng, hít thở đúng… cộng với chế độ dinh dưỡng phù hợp. Khi ấy, mới giúp cho chính họ khỏe mạnh, và như thế doanh nghiệp mới khỏe mạnh và bền vững”, ông Viên khẳng định.

Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) có nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo cho người lao động.

Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) có nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo cho người lao động.

Trao đổi với báo NNVN, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cũng đã rất cố gắng để thu hút lao động sau Tết quay trở lại làm việc.

“Gần 1 triệu người lao động ở lại thành phố ăn Tết, kể cả lao động có hợp đồng và không hợp đồng đều được các đoàn thể, chính trị xã hội chăm lo rất tốt. Chính quyền thành phố cũng đã vận động các chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng cho công nhân cũng như hỗ trợ tiền cho chủ nhà trọ vay để sửa sang lại nhà trọ cho đạt chuẩn khang trang sạch đẹp, bảo vệ phòng cháy chữa cháy, môi trường. Tới đây, gắn với gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng của Chính phủ, thành phố sẽ rà soát các đối tượng để khi Nghị quyết của Chính phủ chính thức ban hành sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà trọ 500.000 đồng/tháng trong 3 tháng cho người lao động”, ông Tấn thông tin.

Người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM quay trở lại làm việc sau Tết.

Người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM quay trở lại làm việc sau Tết.

Không thiếu lao động sau Tết

Nói về tình trạng lao động hiện tại của công ty, bà Lê Thùy Trang, Chủ tịch Công đoàn APT cho biết, sau Tết số lao động quay trở lại làm việc đạt khá cao, chỉ thiếu một lượng nhỏ do công nhân về quê ăn Tết chưa trở lại. “Trong tuần nay, số công nhân trở lại làm việc sẽ tăng cao. Đây là tín hiệu tích cực để công ty tiếp tục tăng tốc cho các đơn hàng trong nước cũng như xuất khẩu”, bà Trang cho hay.

Còn tại Công ty CP Vinamit, ông Nguyễn Lâm Viên cho biết, với gần 1.000 người lao động thuộc các nông trường, nhà máy của công ty đều đã trở lại làm việc đầy đủ từ ngày Mùng 10 Tết.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho rằng, Tết Dương lịch và Âm lịch năm nay, các doanh nghiệp đã có mức lương thưởng thỏa đáng cho công nhân, người lao động. Trong đó, mức thưởng cao nhất là 1,3 tỷ đồng cho lao động thuộc doanh nghiệp khối FDI, ngành hóa mỹ phẩm; mức thưởng bình quân là 8,8 triệu đồng/người, cao hơn Tết Nguyên đán 2021 là 0,8% (năm 2021 thưởng bình quân 8,1 triệu đồng/người). Trong khi đó, Tết Dương lịch, mức thưởng cao nhất là 470 triệu đồng/lao động thuộc doanh nghiệp khối FDI, ngành điện tử; mức thưởng bình quân của Tết Dương lịch là 4,1 triệu đồng/lao động (năm 2021 là 3,2 triệu đồng).

Chính vì vậy, đến nay các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận huyện TP.HCM lao động, công nhân trở lại làm việc trên 96%. “Lý do là các doanh nghiệp công khai thang bảng lương, tiền thưởng tốt, đúng quy định”, ông Tấn nói.

Cũng theo ông Lê Minh Tấn, trong quý I/2022, TP.HCM cần khoảng 50.000 lao động thuộc 4 lĩnh vực ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố là cơ khí - chế tạo, điện tử, hóa dược, chế biến lương thực - thực phẩm và 9 ngành dịch vụ trọng yếu gồm thương nghiệp, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, y tế, giáo dục, vận tải kho bãi, khoa học công nghệ, thông tin - truyền thông…

“TP.HCM không thiếu lao động sau Tết. Lao động không bỏ thành phố, mà họ quay lại để làm việc. Tổng số lao động có ký kết hợp đồng lao động là 2,4 triệu người thì đến nay đã quay lại làm việc trên 2,3 triệu người. Hiện có nguồn nhân lực gồm 130.000 người đang được đào tạo trong các trường cao đẳng, trung cấp nghề ra trường. TP.HCM sẽ tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm để kết nối cung cầu lao động giữa người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn để tuyển dụng lao động. Do doanh nghiệp có đơn đặt hàng và mở rộng ngành nghề trong phục hồi kinh tế cũng như tổ chức các sàn giao dịch trực tuyến với các tỉnh và khu vực để kết nối lao động”, ông Tấn khẳng định.

Để hỗ trợ chỗ ở cho lao động quay lại thành phố sau Tết, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM cũng đã tái khởi động "combo việc làm 3 trong 1" gồm nhà trọ 0 đồng, test nhanh miễn phí Covid-19 và giới thiệu việc làm. Theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, trước Tết, nhân viên trung tâm đã xuống từng khu trọ, gặp chủ nhà để vận động giảm giá thuê phòng cho công nhân. Đến nay, đã có hơn 500 phòng cam kết giảm giá thuê đến 50% cho lao động mới ở tỉnh quay lại thành phố làm việc.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...