| Hotline: 0983.970.780

Người mơ đưa con rươi Việt sánh ngang bò Kobe [Bài 1] Không hối hận

Thứ Ba 10/09/2024 , 09:36 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Nhiều người trong gia đình bảo chị dở hơi khi đang là giáo viên kiêm doanh nhân sung sướng như thế lại đâm đầu vào làm nông nghiệp không hóa chất, bảo tồn con rươi.

Diện mạo trước đây khi chị Hường là doanh nhân và sau khi đầu tư vào trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Diện mạo trước đây khi chị Hường là doanh nhân và sau khi đầu tư vào trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Hai tấm ảnh một trời một vực

Chị chìa điện thoại, cho tôi xem hai cái ảnh của mình, một rực rỡ, tươi trẻ lúc còn là giáo viên kiêm doanh nhân buôn bán nhạc cụ mỗi tháng kiếm hàng trăm triệu đồng, một tàn tạ sau mấy năm làm nông dân, kiệt quệ cả về thể xác lẫn kinh tế.

Tôi hỏi, có bao giờ chị cảm thấy hối hận khi đã đầu tư vào nông nghiệp không? Chị cười rằng: “Nếu để chọn lại thì tôi vẫn chọn như thế thôi bởi con người mình không thể khác được. Nếu bây giờ bảo vãi phân gà nuôi kiểu công nghiệp xuống bãi rươi để sang năm có 10 tỉ đồng, trả hết được nợ nần tôi cũng không làm”.

Nhà trên thành phố nhưng không ở, một mình thân gái lại ngồi canh trộm, đuổi trộm giữa bờ sông bãi sú vào buổi đêm khuya khoắt hay những buổi sớm mờ sương. Rồi biết bao kèn cựa, tranh chấp, lừa gạt về thủ tục sang nhượng đất đai, phải còng lưng trả lãi vay mỗi tháng vài chục triệu đồng, phải tự viết đơn tố cáo kẻ lừa gạt gửi công an rồi mỏi mòn chờ đợi vẫn không làm thay đổi sự kiên định của một người nặng có hơn 40kg. Chị là Nguyễn Thị Thu Hường, chủ hai khu bãi bảo tồn rươi ở thôn Lê Xá, xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Trong túp lều bên bờ sông lộng gió chị mang đàn ra dạo khúc “Thư gửi Elise” rồi bảo với tôi rằng không chỉ động vật mà cây cối cũng có thể cảm thụ được những sóng âm thanh tích cực của nhạc cổ điển. Vốn là một giáo viên âm nhạc nghèo, cái duyên đến với nghề buôn nhạc cụ cũng từ những khổ sở khi 10 năm trước chị phải chạy đôn đáo lo tiền học cho con ở nhạc viện.

Chị Hường xắn đất kiểm tra rươi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hường xắn đất kiểm tra rươi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có người biết hoàn cảnh, thương chị, mới để lẻ cho ít đàn mà bán. Sau chuyến đầu buôn có lãi, chị quyết định vay mượn thêm mua cả container đàn piano cơ, piano điện, organ, ghi ta điện, ghi ta thùng về bán rồi sau cứ thế mở rộng ra, có tháng nhập tới 7 - 8 container mà vẫn hết veo. Khi gây dựng được chữ tín, chị trở thành đại lý độc quyền chuyên nhập nhạc cụ từ Nhật Bản về.

Đối tác Nhật thỉnh thoảng biếu ít thịt bò Kobe chị lại dành một phần tặng lại cho những đồng nghiệp, bạn bè ăn thử cho biết. Ai cũng khen ngon, bảo chị sao không bán thịt bò Kobe đi, liên lạc sang Nhật để nhập thì họ trả lời thẳng: “Không có nhu cầu mở đại lý thịt bò Kobe ở Việt Nam”.

Chị càng nghĩ càng cay bởi Nhật cung cấp thịt bò Kobe cho một số nước nhưng lại không cung cấp cho Việt Nam. Đã thế thì mình phải làm sao cho con rươi Việt Nam thực sự trở thành đặc sản không có đối thủ. Lúc đó ở bên Nhật đã có những nghiên cứu về việc ăn rươi giúp trẻ tăng chiều cao, giúp người lớn phục hồi sức khỏe, chữa được một số bệnh. Trước, rươi Việt Nam chỉ xuất sang Trung Quốc theo dạng tiểu ngạch nhưng kể từ những nghiên cứu đó thì người Nhật bắt đầu biết ăn rươi và nhập khẩu rươi.

Cũng thời điểm ấy, chị đọc báo thấy Chính phủ cũng như ngành nông nghiệp kêu gọi bảo tồn rươi nên càng quyết tâm thực hiện. Sông Vận Dương quê chị có cái phà Ba Bến lắm luồng, nhiều xoáy mà chỉ những người bơi giỏi như bố chị mới có thể qua được. Chính những luồng xoáy đó đã đưa khoáng chất vào bờ, giúp cho bãi làng chị con rươi, con cáy rất thơm ngon nhưng tiếc thay chúng đang bị bỏ hoang.

Đầm rươi bát ngát màu xanh của chị Hường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đầm rươi bát ngát màu xanh của chị Hường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những con bãi gắn với kỷ niệm tuổi thơ chăn vịt, chăn trâu rồi mò tôm, bắt cá của chị. Trong mắt chị, bố mình như một người hùng bởi giỏi bắn súng; đánh cá và nuôi vịt, ấp trứng luôn đứng đầu trong vùng. Những năm 80 của thế kỷ trước cả xã Đại Bản có 3 người có xe máy gồm ông Chủ tịch xã, ông thủy thủ tàu viễn dương Vosco và bố chị. Ông cũng là người xây nhà được nhà đầu tiên, mua ti vi đầu tiên trong xóm. Khi bố chị ốm vẫn động viên chị thực hiện ước mơ còn dang dở của mình trên con bãi quê nhà.

Lúc bấy giờ sậy trên bãi cao hơn đầu người, dày như gốc tre, bùn nước lầy thụt đến ngang bụng người, không có đường đi nên chỉ lội vài chục bước là lạc. Người ta xui chị đốt để cải tạo đất nhưng chị không dám vì sợ ảnh hưởng đến môi trường nên mua một cái máy cày về thuê người dập sậy. Có ngày máy cày sa lầy đến 7 - 8 lần phải gọi cả họ ra mà kéo. Hàng năm trời dập sậy như thế, chị mua thêm một cái máy bánh xích về lộn đất lên để sau một thời gian cỏ lau mọc lại lộn đất xuống giúp gia tăng độ mùn.

Mất 3 năm cải tạo đất, không hề có thu nhập gì, chị mới đưa nước sông vào giữ lại ngâm trong đầm để lấy giống rươi tự nhiên rồi cấy lúa, vùi thân rạ xuống bùn để tăng thêm chất hữu cơ. Năm thứ 4 rươi lác đác xuất hiện, chị thu được vài chục triệu đồng. Năm thứ 5 rươi xuất hiện khá nhiều, chị thu được hơn 100 triệu đồng, cộng thêm được hơn 100 triệu đồng bán sen đa lộc, cũng chỉ đủ trả công lao động. Và năm nay chị thu được hơn 100 triệu đồng nhờ bán sen đa lộc nhưng rươi thì chưa.

Ông Thọ, cậu của chị Hường đang chống xuồng trên khu bãi nuôi rươi cấy lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Thọ, cậu của chị Hường đang chống xuồng trên khu bãi nuôi rươi cấy lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiếm tìm con rươi của tuổi thơ

Trang trại đầu tiên của chị ở bãi Bộ Đội rộng hơn 15ha, trong đó 2/3 đang canh tác, số còn lại để không vì xen kẽ đất của dân. Trang trại thứ hai của chị ở bãi Nam Triệu rộng 10ha khi đã đổ biết bao tiền của vào đến mức khánh kiệt thì lại đang vướng về thủ tục chuyển nhượng.

Ngoài buôn nhạc cụ, chị còn có một bộ sưu tập trên 300 cây đàn ghi ta, chiếc đắt nhất có giá khoảng 900 triệu đồng, chiếc rẻ nhất cũng hơn 10 triệu đồng, định để dành sau này nghỉ hưu, mỗi ngày mang một chiếc ra chơi. Về sau bí tiền đầu tư cho trang trại chị phải bán lỗ cho bằng hết, trong đó có chiếc giá thị trường khoảng 900 triệu chỉ bán được hơn 300 triệu đồng.

Đi nhiều bãi rươi ở miền Bắc nhưng chưa bao giờ tôi thấy một đầm nào mà không thả phân gà hay rắc cám, chỉ mình chị Hường làm như thế. Trước khi nước sông vào đầm phải chảy qua một cái ao bèo là hệ thống lọc tự nhiên. Bố chị dạy, nhìn màu nước để biết có nhiễm độc hay không, ngửi mùi nước, mùi gió là biết có rươi hay không.

Do chủ bãi rươi là con gái, lại có một mình nên chị chịu nhiều thiệt thòi khi bị lấn đất, cấm đường, trộm cắp, thậm chí vô cớ bị đánh đến nỗi bầm dập mặt mày phải nhập viện nhưng thủ phạm chẳng bị làm sao cả. Nếu phải người khác thì chắc đã bỏ cuộc nhưng chị Hường thì không.

Chị Hường thu hoạch sen đa lộc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hường thu hoạch sen đa lộc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có những lúc chẳng còn một đồng để ăn sáng, chị hái lá đu đủ luộc ăn chứ không chịu cho phân gà nuôi kiểu công nghiệp xuống bãi rươi bởi biết trong đó nhiều độc tố, tồn dư hóa chất kháng sinh, còn bột ngô, bột đậu tương thì chủ yếu là giống biến đổi gen nhập khẩu - điều tối kị trong sản xuất hữu cơ. Chị chấp nhận mỗi sào lúa ST25, lúa tím thảo dược chỉ thu được vài chục kg.

“Tôi muốn đi đầu để mọi người thay đổi, không lạm dụng thuốc sâu nữa. Lắm khi tôi cũng muốn buông nhưng nhiều khách hàng biết, bảo giờ chị mà dừng thì bọn em biết tìm đồ ăn sạch ở đâu nên lại phải tiếp tục. Cũng có một số người muốn đầu tư vào trang trại nhưng sợ họ chạy theo lợi nhuận, ép mình dùng hóa chất hay xây dựng này nọ nên tôi không đồng ý. Tôi muốn người khác được ăn con rươi tự nhiên giống như trong ký ức tuổi thơ chứ không ăn phải con rươi nuôi bằng phân gà công nghiệp hay cám cò”, chị Hường tâm sự.

Chị thú thực mình sợ nhất là rắn nhưng rắn lại có rất nhiều ở trang trại. Nhiều đêm đi tuần trộm dưới ánh trăng chị vẫn vấp phải chúng. Có lần rắn cạp nong, rắn hổ mang còn vào tận cửa lều khiến chị phải dùng xẻng mà hất ra.  

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.