| Hotline: 0983.970.780

Trâu, bò vỗ béo 'cái nghèo teo đi'

Thứ Ba 24/12/2024 , 13:43 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Ngoài được hỗ trợ toàn bộ con giống, người dân còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Bà Trần Thị Thoa nhận hỗ trợ bò 3B thuộc thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Quang Linh.

Bà Trần Thị Thoa nhận hỗ trợ bò 3B thuộc thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Quang Linh.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên vừa tổ chức chương trình bàn giao bò 3B vỗ béo, trâu vỗ béo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) tham gia Tiểu Dự án 1, Dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp” và Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Dự án 2 hỗ trợ 15 con bò 3B với trọng lượng bình quân 185 - 200kg/con; Tiểu dự án 1, Dự án 3 hỗ trợ 15 con trâu vỗ béo với trọng lượng 230 - 250kg/con. Ngoài hỗ trợ hoàn toàn về con giống, bà con còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Được nhận hỗ trợ bò 3B, bà Hoàng Thị Thơm trú tại xã Linh Sơn (thành phố Thái Nguyên) hy vọng, giống bò mới này sẽ đem lại lợi nhuận ổn định, giúp gia đình vơi bớt khó khăn trong tương lai.

“Đây là giống bò mới, lần đầu tiên tôi được tiếp cận nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan chuyên môn, tôi tự tin sẽ chăm sóc và nuôi dưỡng đúng kỹ thuật. Về giống bò 3B, tôi được biết qua đài, báo là cho hiệu quả vỗ béo rất cao. Do đó, nếu phát triển tốt, tôi mong muốn được mở rộng đàn để tăng thu nhập”, bà Thơm bộc bạch.

Là 1 trong 8 hộ nhận hỗ trợ trâu, bò vỗ béo tại xã Linh Sơn, bà Trần Thị Thoa cho hay: "Nhiều năm nay, gia đình tôi chăn nuôi bò nhưng chưa hiểu hết về quy trình vỗ béo bò, thông qua các tập huấn tôi có thêm kiến thức để chăm sóc bò phát triển, tăng trọng nhanh hơn". 

Ông Dương Thanh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn đề nghị các hộ dân nhận hỗ trợ trâu, bò tuân thủ đúng quy trình chăm sóc theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố. Trong quá trình vỗ béo, nếu có các khó khăn, vướng mắc cần thông tin ngay tới UBND xã thông qua cán bộ khuyến nông.

“Cán bộ khuyến nông cần tận tâm, thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt lưu ý tới việc phòng, chống dịch bệnh trên động vật, nhất là dịp cuối năm và giao mùa”, ông Hoàn đề nghị.

Con giống trước khi tới tay người dân được kiểm tra thú y kĩ càng. Ảnh: Quang Linh.

Con giống trước khi tới tay người dân được kiểm tra thú y kĩ càng. Ảnh: Quang Linh.

Bà Đào Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên cho rằng, việc triển khai chương trình bàn giao bò 3B vỗ béo, trâu vỗ béo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn là hoạt động thiết thực, kịp thời nhằm tiếp thêm động lực, tinh thần vươn lên thoát nghèo cho bà con.

Các hộ tham gia các dự án lần này đều được xã thẩm định về các điều kiện để chăn nuôi như: Chuồng trại, con giống, diện tích đất trồng cỏ, có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò… Trước khi chuyển giao trâu, bò cho người dân, cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị cung cấp giống tẩy nội ngoại ký sinh trùng và tiêm phòng vacxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng...

Bò 3B cho chất lượng thịt ngon và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi ở nước ta. Là giống bò hướng thịt, nên giai đoạn vỗ béo bò có khả năng tăng trọng nhanh. Trọng lượng trung bình của một con bò trưởng thành đạt khoảng 900 - 1.250kg. Tỷ lệ cho thịt khoảng 66 - 70%. Tỷ lệ thịt nạc/thịt xẻ đạt 78%. 

Bò 3B còn được mệnh danh là “siêu bò” bởi năng suất và hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Chính vì vậy, các ban ngành đã khuyến khích nông dân đã lựa chọn bò 3B để mở ra một hướng đi làm giàu mới cho ngành chăn nuôi. 

Trước tình hình thời tiết dịp cuối năm còn diễn biến phức tạp, cơ quan thú y đề nghị người dân thực hiện tẩy uế môi trường, xử lý mầm bệnh ở các cơ sở chăn nuôi. Cùng với đó, thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường; không bán chạy, mua bán gia súc bệnh, nghi mắc bệnh; không sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, chưa qua xử lý nhiệt).

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.