Người Mông ăn chung một Tết cùng cả nước
Khoảng hơn chục năm về trước, người Mông ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái thường ăn Tết từ đầu tháng Chạp, sau khi mùa vụ đã thu hoạch xong. 10 năm trở lại đây, người Mông đã “ăn chung một Tết” với nhân dân cả nước. Tuy nhiên, ngày Tết của đồng bào nơi đây vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân vùng núi cao Tây Bắc.
Cũng như nhiều gia đình người Mông ở khu tái định cư bản Hồng Nhì Pá, huyện Mù Cang Chải, những ngày giáp Tết, gia đình ông Mùa A Sinh đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị gà, lợn, gạo nếp và chục lít rượu ngô … để chuẩn bị đón Tết. Đây là dịp để anh em, con cháu ông trở về quây quần, đoàn tụ nên ai nấy cũng đều hân hoan, phấn khởi.
Trong căn nhà gỗ chưa vương màu khói bếp ông Sinh chia sẻ, sau trận lũ dữ hồi tháng 8 tưởng như sẽ không gượng dậy nổi, mọi thứ tan hoang, đổ nát, nhiều gia đình mất trắng tài sản. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của bà con nên sau 6 tháng cuộc sống của đã trở lại bình thường, thậm chí còn tốt hơn trước vì được ở nơi tập trung, an toàn. Những ngày giáp Tết, các hộ dân trong bản lại rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền.
“Giờ đây, đồng bào chúng tôi được ăn chung một Tết với các dân tộc khác nên ai nấy cũng đều thấy vui vẻ và phấn khởi. Gia đình tôi có nhiều thế hệ cùng chung sống, đến ngày Tết đều gác lại những vất vả, lo toàn thường nhật, cùng nhau đồ xôi, giã bánh dày và chia sẻ niềm vui bên mâm cơm ngày Tết”, ông Sinh bộc bạch.
Chung bản tái định cư Hồng Nhì Pá với nhà ông Sinh còn có hơn chục hộ dân, họ đều về đây sau cơn lũ dữ quét qua bản làng. Những ngày đầu xuân mới trở lại đây mới thực sự cảm nhận được cuộc sống đã hồi sinh sau những đau thương, mất mát. Giờ đây bà con trong bản lại cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, mua thêm thực phẩm để đón Tết đầm ấm, an vui.
Ông Vàng A Tủa ở bản Hồng Nhì Pá chia sẻ, trước đây bà con trong bản thường sống cách xa nhau, mỗi nhà một quả đồi, sau đợt thiên tai những hộ mất nhà được chính quyền san tạo mặt bằng cho về sống tập trung, ai cũng thấy vui vẻ vì có thể giúp đỡ nhau nhiều công việc. Sau nhưng vất vả hàng ngày mọi người có thể quây quần bên bếp lửa, nhâm nhi chén rượu và bàn bạc những công việc trồng cấy của ngày hôm sau. Được sự tuyên truyền của chính quyền, từ hơn 10 năm nay, bà con người Mông ở đây đã thay đổi tập quán ăn Tết sớm, tổ chức đón Tết cổ truyền cùng các dân tộc khác nên con em đi học hoặc những người làm công tác Nhà nước ở đâu cũng được về đoàn viên đón Tết.
Nét riêng ngày Tết của người Mông
Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, với gần 92% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Cùng với các dân tộc trong tỉnh, đời sống của đồng bào Mông nơi đây đã ngày càng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Mông Mù Cang Chải đã tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Những nét văn hóa đặc sắc riêng của đồng bào Mông vẫn được gìn giữ, thể hiện rõ nhất trong việc đón Tết và những lễ hội đầu xuân với mong muốn đón năm mới thắng lợi, mọi người khỏe mạnh, mùa màng bội thu.
Ngày Tết thực sự quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mông. Hiện nay, tuy họ đã ăn chung Tết nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được những nét bản sắc riêng đã có từ nhiều đời nay.
Tết của người Mông có những tập tục, lễ nghi, thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng và luôn đề cao tính cộng đồng. Điển hình như, lễ thay bàn thờ để đón năm mới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất vào ngày Tết. Trên bàn thờ, người Mông đa phần thờ cúng tổ tiên với đồ cúng là món ăn như rượu, thịt và bánh dày.
Ông Giàng A Lử, Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết, ngôi nhà không chỉ là nơi sinh hoạt của gia đình mà còn là nơi bảo vệ hồn lúa, hồn ngô. Vì thế, đồng bào Mông rất coi trọng việc thờ cúng và trang trí nhà cửa để đón Tết. Vào ngày 30 tháng Chạp, người đàn ông (chủ gia đình) sẽ ôm một con gà trống để cầu khấn tổ tiên. Con gà sẽ được người chủ gia đình cắt tiết trước bàn thờ và nhổ những túm lông đẹp nhất ở cổ gà dán trên bàn thờ với hàm ý dâng tặng con gà cho thần linh và tổ tiên. Sau đó con gà được mổ và luộc chín để tiếp tục làm lễ cúng mời tổ tiên về ăn Tết và cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho năm mới.
Người Mông còn quệt một ít tiết gà lên những tấm giấy bản hoặc một tấm vải đỏ, dán lên xà ngang của cửa chính, hoặc lên các tấm cửa của ngôi nhà. Giấy có màu đỏ, vàng hoặc trắng, dán lên tượng trưng cho vàng, bạc tự đến nhà, gia chủ sẽ được sung túc trong một năm mới sắp đến. Những nông cụ lao động hàng ngày như cuốc, xẻng cũng được dán giấy trong dịp Tết thể hiện sự tri ân với những đồ dùng trong lao động, sản xuất.
Đêm giao thừa, các gia đình người Mông thường quây quần bên bếp lửa, đun một ấm nước sôi, chờ đợi tiếng gà gáy đầu tiên trong sáng sớm để chào đón năm mới.
Trong ngày Tết, ngoài rượu, thịt, thì bánh dày là thứ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của đồng bào. Theo quan niệm xưa, bánh dày không chỉ là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của đôi trai gái, mà còn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời.
Các nguyên liệu chính để làm bánh dày gồm gạo nếp, hạt vừng, lá xôi, lá chuối hoặc lá dong dùng gói bánh. Muốn có được những chiếc bánh dày dẻo, mịn thì gạo phải được đồ khoảng 2-3 tiếng sao cho thật dẻo, sau đó mang ra máng gỗ và dùng chày gỗ để giã. Người giã bánh phải khoẻ mạnh, thường là hai thanh niên đứng hai bên máng để giã. Sau khi giã nhuyễn xong, bàn tay khéo léo của người phụ nữ sẽ nặn thành từng cái bánh hình tròn dẹt có quấn lá dong tươi để ngăn các chiếc bánh kết dính với nhau.
Ngoài những phong tục, tập quán lâu đời, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, người Mông còn tổ chức đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, làng xóm. Sau đó, họ tổ chức các hoạt động vui chơi như: thi chọi quay, ném pao, ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đẩy gậy…
Đặc biệt, những điệu hát, điệu khèn là đặc trưng văn hóa trong dịp Tết của đồng bào người Mông. Trong các lễ hội đầu xuân, những chàng trai người Mông sẽ biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sức trai tráng của mình. Trong khi đó, những người con gái Mông sẽ mặc trang phục truyền thống tự thêu, đeo những đồ trang sức đặc trưng, múa những điệu múa khéo léo, mềm mại. Qua tiếng khèn và điệu múa, những thanh niên trai tráng và những người con gái Mông bày tỏ tình cảm thắm thiết của mình đến đối phương.
Trong cảnh sắc thanh bình, ngày Tết của người Mông ở vùng cao Yên Bái mang một màu sắc rất riêng hòa trong vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc đang chuyển mình đón xuân. Hoa tớ dày nở rộ, tiếng khèn của các chàng trai ngân vang, điệu múa uyển chuyển trong váy áo sặc sỡ của các cô gái đã tô thắm cho mùa xuân vùng cao một nét riêng mà ai đến một lần cũng ấn tượng khó quên.