Theo báo cáo tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương diễn ra mới đây, hiện trên địa bàn tỉnh có 53,5% người nhập cư nên nhu cầu nhà ở là rất lớn. Song việc tiếp cận nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Trong đó, những quy định về điều kiện mua để tiếp cận vốn vay ưu đãi dành cho người mua còn phức tạp.
Vốn đầu tư nhà ở xã hội còn khó cho cả người bán lẫn người mua
Anh Nguyễn Minh Toại là 1 trong hơn 3.000 công nhân ở Công ty TNHH Triumph International VN (TP Dĩ An). Nhiều năm đi làm công nhân, vợ chồng anh cùng 2 con nhỏ vẫn đang ở trọ do chưa có đủ tiền tích lũy để mua nhà. Anh Toại cho biết, nhà trọ do người dân xây dựng thì khó đảm bảo vệ sinh môi trường, chật chội, thiếu diện tích vui chơi, sinh hoạt. Những yếu tố này không đảm bảo sức khỏe cho công nhân.
Việc mua được nhà ở xã hội đã khó, vay để mua thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng không đơn giản. Người lao động phải thực hiện nhiều bước nên phải nghỉ làm, đi lại rất nhiều, xin nhiều giấy tờ xác nhận.
Việc tiếp cận nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn còn do nguồn cung hạn chế. Tỉnh có ít doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Bởi vì thủ tục kéo dài, hoặc bị khống chế lợi nhuận khi tiếp cận các gói vay ưu đãi để thực hiện dự án.
Theo đó, từ những năm 2006 - 2007, công ty bắt đầu triển khai những khu nhà ở xã hội đầu tiên. Nhờ quỹ đất sẵn có, công ty nghiên cứu và đưa ra các mô hình cho thuê, nhà ở công nhân, góp phần giải quyết cho hàng nghìn công nhân, người thu nhập thấp mua để ở.
Từ năm 2021, Bình Dương kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế về nhà ở thì kết quả đạt được còn hạn chế.
Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong KCN chưa quan tâm đến việc phát triển loại hình nhà ở này.
Một số chủ đầu tư khi thực hiện dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới có dành quỹ đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chậm triển khai thực hiện.
Trong khi đó, công nhân các KCN, người có thu nhập thấp vẫn có nhu cầu thuê nhà gần công ty, nhà máy để thuận tiện đi lại và giảm chi phí sinh hoạt. Đặc biệt, các đối tượng được mua nhà ở xã hội có nhu cầu vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ưu tiên bố trí vốn tín dụng chính sách cho nhà ở xã hội
Bình Dương hiện đứng trong top đầu cả nước về các dự án nhà ở xã hội, với 11.000 căn hộ được xây dựng. Thực tế cho thấy, nguồn ngân sách khó khăn nên các dự án nhà ở xã hội chủ yếu do một vài doanh nghiệp nhà nước đứng ra thực hiện, dựa vào quỹ đất và nguồn vốn có sẵn từ doanh nghiệp.
Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư mua ở nhà ở xã hội được thực hiện bằng 2 hình thức; từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng thương mại. Song, nguồn vốn phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội còn thấp so với nhu cầu. Đối với nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại rất dồi dào nhưng lãi suất lại quá cao so với khả năng và thu nhập của người mua nhà.
Ông Võ Văn Đức - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, 6 tháng đầu năm, ngân hàng chỉ giải ngân được 76 tỷ đồng cho 163 khách hàng; bình quân 466 triệu mỗi khách hàng. Ngoài các hợp đồng đã giải ngân, những hợp đồng mới thì ngân hàng chưa dám nhận hồ sơ vì chưa có nguồn vốn mới.
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 năm 2014 của Ban Bí thư đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, quá trình triển khai các hoạt động tín dụng chính sách gặp không ít khó khăn.
Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế, nhất là chương trình cho vay giải quyết nhà ở xã hội. Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội chỉ mới mua được 778 căn nhà.
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong 2 năm 2022 và 2023, do vướng mắc về cơ chế ủy thác nguồn vốn địa phương, và ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc ủy thác nguồn vốn thực hiện chương trình nhà ở xã hội chưa ổn định và còn hạn chế. Điều này đã tác động đến việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng được thụ hưởng.