| Hotline: 0983.970.780

Người Việt đã biết trân trọng trang phục Việt chưa?

Thứ Hai 04/11/2019 , 09:57 (GMT+7)

Trong sự phát triển của xã hội, cái ăn và cái mặc luôn song hành để tạo ra cốt cách và hồn vía mỗi dân tộc. Ẩm thực Việt đã được khẳng định với nhiều đặc sản được thế giới thừa nhận, nhưng trang phục Việt vẫn là một ẩn số chưa được đánh giá đúng mức.

Giữa bối cảnh kinh tế đang càng ngày càng thịnh vượng, thì quần áo không còn giá trị đơn giản để che thân, mà còn có ý nghĩa văn hóa và văn minh. Báo NNVN đã có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Sĩ Hoàng, nhân dịp ông đứng ra thành lập Viện Nghiên cứu trang phục Việt!

14-37-14_si_hong
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng.

Tên tuổi Sĩ Hoàng đã là một thương hiệu của thời trang Việt. Chẳng ai nghi ngờ về tài năng của Sĩ Hoàng trong lĩnh vực thiết kế áo dài. Thế nhưng, điều khiến nhiều người ngạc nhiên và thán phục nhất là ông dùng kinh phí cá nhân để thúc đẩy việc gìn giữ và quảng bá vẻ đẹp Việt, sau Bảo tàng Áo Dài đã thành điểm hẹn văn hóa thì ông lại tiếp tục xây dựng Viện Nghiên cứu trang phục Việt. Theo tôi, đó là một nỗ lực vừa cô đơn vừa kiêu hãnh…

Thật sự tôi không muốn bước đi một mình. Tuy nhiên, tôi tham mưu rồi tôi kiến nghị mãi vẫn chẳng thấy động tĩnh gì, thì tôi đành phải làm theo sức của mình. Đôi khi tôi rùng mình vì ai cũng kêu gào về hội nhập mà không ai quan tâm đến văn hóa.

Ông nổi tiếng là một người thẳng tính. Không lẽ lời nói của ông không lọt được đến tai những người có trách nhiệm…

Đừng nghĩ tôi không biết câu “con có khóc thì mẹ mới cho bú” nhé. Nhiều năm qua “con” khóc liên tục, khóc lạc giọng, khóc đứt hơi nhưng “mẹ” vẫn thản nhiên như không nghe gì.

Ông đã từng làm Chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật công nghiệp ở Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM và cũng là người viết giáo trình giảng dạy bộ môn thời trang. Bây giờ, với Viện Nghiên cứu trang phục Việt, ông muốn đóng góp thêm cho cộng đồng ở góc độ nào?

Quá trình làm Bảo tàng Áo dài, tôi nhận ra một hiện vật chỉ trưng bày thì sức tác động cho công chúng khá hạn chế. Nếu sưu tập được một chiếc áo dài của năm 1935, thì câu chuyện đi kèm với nó là gì? Chất liệu và kiểu dáng chỉ là yếu tố phụ, mà quan trọng là ai đã may nó và ai đã mặc nó.

Hay nói cách khác, sự tồn tại của chiếc áo dài ấy có ý nghĩa như thế nào theo dòng thời gian. Thành lập Viện Nghiên cứu trang phục Việt, tôi muốn đánh thức những người xung quanh rằng, chúng ta hào hứng với văn hóa ăn mà lại bỏ quên văn hóa mặc.

Trước đây, chúng ta đã có Viện Thời trang Fadin để tập hợp các nhà tạo mẫu. Còn bây giờ Viện Nghiên cứu trang phục Việt phải tập hợp được những nhà khoa học, hoàn toàn không đơn giản.

Đúng, tôi mất hơn 2 năm để chuẩn bị cho Viện Nghiên cứu trang phục Việt. Tôi nghĩ đã đến lúc người Việt phải có cái nhìn toàn diện hơn và chuẩn xác hơn về văn hóa mặc. Người Việt chỉ có thể khẳng định trang phục nào đặc trưng của mình khi mỗi bộ quần áo được soi chiếu ở hai góc độ lịch sử học và dân tộc học!

Lẽ thường, người ta phải lo cái ăn xong thì mới lo đến cái mặc. Ngành thời trang Việt Nam bắt đầu có khái niệm chuyên nghiệp từ năm 1989. Theo ông, sau 30 năm thì chúng ta đã có thành tựu gì?

Có một bức tranh dang dở. Thời trang Việt lúc thì ảnh hưởng của Hồng Kong, lúc thì ảnh hưởng của Thái Lan, lúc thì ảnh hưởng của Hàn Quốc. Thậm chí còn bị xu hướng thời trang kiểu váy đụp từ Trung Quốc tràn sang gây ngộ nhận là áo dài. Đây là hậu quả của việc thiếu hụt tư liệu và kiến thức về trang phục Việt.

Viện Nghiên cứu trang phục Việt liệu có thể khắc phục những nhược điểm ấy?

Trang phục Việt từ thời Hùng Vương đến nay là một kho tàng vô giá. Lần theo dấu vết của cha ông, không chỉ có cơ sở cho lĩnh vực thời trang định vị mà còn hỗ trợ cho các ngành nghệ thuật khác như điện ảnh, sân khấu. Làm một phim đề tài lịch sử hoặc làm một vở kịch về đề tài lịch sử, mà sai lệch về trang phục thì hỏng hết!

Mở cửa giao lưu với thế giới, bản sắc Việt được chú ý qua những danh từ không cần phiên âm hoặc dịch nghĩa, ở văn hóa ăn là “phở” còn ở văn hóa mặc là “áo dài”. Hiện nay, áo dài đang được cách tân rất hào hứng.

Bản thân áo dài trong suốt lịch sử gần 100 năm qua đã không bảo thủ về vẻ đẹp thì trong thời đại hội nhập buộc nó cũng phải chấp nhận thử thách trước những nền văn hóa khác nhau. Chúng ta muốn giới thiệu văn hóa của mình với bè bạn quốc tế thì chúng ta phải dung hòa được cái của mình và cái của người theo đúng tỉ lệ 50 - 50. Nếu chúng ta bảo thủ thì trang phục Việt chỉ mang tính cục bộ địa phương. 

Theo tôi, áo dài cần một cuộc cách tân lớn hơn nữa. Những nhà thiết kế không đơn thuần chỉ là một người làm nghề, đem cái đẹp đến với mọi người, phục vụ mọi người mà còn phải mang theo một sứ mạng lớn hơn nữa là thông qua công việc truyền tải, giới thiệu một di sản văn hóa Việt Nam ra với thế giới.

Thế thì, cái tâm thế của mình khi làm thiết kế phải là một cái đầu mở và tạo được những ý tưởng sáng tạo không giới hạn, ví dụ đưa tới đối tượng nào thì phải hòa nhập với đối tượng đó. Đó cũng chính là bài toán khó mà các nhà thiết kế phải giải.

Hiện nay, áo dài Lemur đang xuất hiện trở lại, đó là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, sự xuất hiện mới mẻ luôn đi liền với sự thay đổi mẫu mã, thiết kế do cuộc sống ngày càng hiện đại. Chất liệu vải cũng được sản xuất bền chắc hơn nên áo dài đương nhiên được biến tấu, sáng tạo thêm và cách điệu sao cho phù hợp với cuộc sống năng động của giới trẻ.

Nhưng điều đặc biệt là phải gìn giữ và phát huy tài sản phi vật thể quý giá mà cha ông đã để lại, bởi áo dài làm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và góp phần thu hút khách du lịch.

14-37-14_hh_phm_huong_o_di_s_hong
Hoa hậu Phạm Hương trong trang phục áo dài của Sĩ Hoàng.

Tôi đã được đi tham dự chương trình giới thiệu ngày văn hóa Việt Nam tại nhiều quốc gia như Bỉ, Pháp, Đức, Áo, Thụy Điển, Mỹ, Nhật, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, và cả Nepal.

Từ đó, tôi nhận thấy tư thế của Việt Nam sau khi thoát ra khỏi chiến tranh vẫn còn nhiều bộn bề, khó khăn. Hầu như các cuộc tiếp xúc ngoại giao từ các nước đều nhằm tìm kiếm các nguồn quỹ về kinh tế.

Điều khiến thế giới trọng nể nước ta ngoài bề dày chiến thắng trong lịch sử còn về văn hóa, và áo dài là một trong những tín hiệu dễ nhận biết, thu được cảm tình ngay lập tức. Người ta không chỉ dừng lại ở sự chiêm ngưỡng, lưu giữ mà còn muốn mặc nó. Áo dài vừa trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc vừa là một món quà tặng cho khách du lịch.

Vừa qua có sự tranh cãi ồn ào khi ca sĩ Mỹ - Kacey Musgraves mặc áo dài nhưng lại không mặc quần dài tương thích như trang phục truyền thống của người Việt, mà lại mặc quần thun ngắn bó sát. Là một chuyên gia hàng đầu về áo dài, ông có cảm nghĩ gì?

Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận việc cô ca sĩ người Mỹ mặc áo dài theo hướng tích cực. Nghĩa là cô ấy có rất nhiều trang phục đắt tiền do những nhà tạo mẫu lừng danh thiết kế, nhưng cô ấy đã chọn áo dài. Điều đó chứng tỏ cô ấy bị thu hút và yêu thích áo dài.

Hãy lưu ý rằng, trên thế giới hầu hết các nhà thiết kế phải trả tiền để các nghệ sĩ mặc đồ của họ. Vì vậy, thay vì ném đá thịnh nộ hoặc lớn tiếng tẩy chay cô ấy, tại sao chúng ta không góp ý chân thành?

Tôi sẵn sàng tặng cô ấy một bộ áo dài đẹp để cô ấy hiểu hơn về trang phục của Việt Nam. Biết đâu, khi mình góp ý nhẹ nhàng, mang tính xây dựng, cô ấy càng có thiện cảm với áo dài và giúp giới thiệu hình ảnh quốc phục Việt ra thế giới?

Không ít người đã phản ứng gay gắt với người nước ngoài mặc áo dài chưa đúng thẩm mỹ, nhưng chính người Việt trong nước cũng có những kiểu trưng diện áo dài rất kém thẩm mỹ. Có quá cực đoan không, khi có vài ý kiến mạt sát ca sĩ Mỹ - Kacey Musgraves bằng ngôn ngữ quy chụp đao to búa lớn như “hạ nhục quốc phục Việt” hay “bôi nhọ văn hóa Việt”?

Đúng, trong nước cũng còn rất nhiều người hiểu sai, mặc sai khi sử dụng áo dài. Có người mặc áo dài với quần short, áo dài với quần leging da, xắn cao ống quần hoặc buộc tà áo, tạo dáng không phù hợp... Vì vậy, xin đừng phản ứng quá mạnh với người nước ngoài.

Trước khi dạy người khác, hãy hoàn thiện ý thức của mình trước. Chúng ta nên hiểu theo các hướng khác nhau, không nên đánh giá họ hạ thấp quốc phục Việt Nam. Với người nước ngoài, họ có sự tự do trong suy nghĩ nên có thể mặc bất cứ thứ gì mà cảm thấy đẹp. Nếu họ chưa hiểu, chúng ta giải thích cho họ hiểu. Lời góp ý nhẹ nhàng sẽ có tác dụng hơn lời chói tai.

Hiện nay, mẫu áo dài Lemur do họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912-1946) thiết kế, đã được thừa nhận là trang phục truyền thống của người Việt. Vây mà, kỳ lạ thay, vẫn chưa có sự tôn vinh cần thiết dành cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Ít nhất là có một con đường mang tên Nguyễn Cát Tường hoặc lấy ngày sinh của Nguyễn Cát Tường làm Ngày Áo dài Việt Nam…

Đó là điều nhiều người trăn trở những vẫn không thấy động thái tích cực nào từ những cơ quan quản lý văn hóa. Tôi và những người tâm huyết đã tốn bao nhiêu công sức mới vận động được Lễ hội Áo dài tổ chức thường niên tại TPHCM. Nhắc đến chuyện đề cao văn hóa trong hoàn cảnh nước mình bây giờ, tôi chỉ biết ngậm ngùi thở dài.

Ngoài áo dài dành cho phụ nữ, ông cũng cổ vũ áo dài dành cho đàn ông Việt. Trên thực tế, giáo sư Trần Văn Khê hoặc Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ mặc áo dài rất đẹp. Ngay cả những dịp lễ lớn như Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Việt Nam, các nguyên thủ quốc gia mặc áo dài cũng rất ấn tượng.

Nói một cách sòng phẳng, áo dài nam cũng không có gì đặc biệt. Quan trọng là ý thức của người mặc. Người đàn ông có hiểu biết về áo dài năm hay không, để mặc nó như một trách nhiệm, như một bản lĩnh, chứ không phải một sự gượng ép hoặc bắt chước thiên hạ. Từ ngày xưa, đàn ông Việt đã mặc áo dài nam rồi, nhưng bị gián đoạn, bị lãng quên.

Áo dài nam trở lại là một tín hiệu đáng phấn khởi. Liệu áo dài nam có thịnh vượng như áo dài nữ không?

Vấn đề là pháp chế. Trang phục có trở nên thân thuộc hay không, phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là tính thẩm mỹ, tính tiện dụng. Thứ hai là tính quy ước xã hội. Khi chúng ta phát động giáo viên nữ và học sinh nữ mặc áo dài thì chiếc áo dài thành vẻ đẹp học đường. Áo dài nam không thể phổ biến, nếu không có một trợ lực nào. Nếu không có luật đi theo, thì áo dài nam chỉ mang tính thời vụ thôi.

Ông có tin áo dài nam cũng là quốc phục không?

Sao cá nhân tôi lại phải tin? Lẽ ra các cơ quan quản lý Nhà nước phải tin nó là quốc phục chứ?

Vậy, ông có tin rồi đây những người có trách nhiệm với dân tộc thừa nhận áo dài nam là quốc phục không?

Tôi không dám chắc! Đó là việc của những nhà lãnh đạo. Đó là việc của ngành văn hóa và của Quốc hội. Những người quyết định quốc ca, quốc kỳ, quốc hoa thì cũng có nghĩa vụ quyết định quốc phục. Và khi đã là quốc phục thì có pháp chế để cổ súy và ràng buộc đàn ông mặc áo dài nam. Còn bây giờ, thấy vài người ông nào mặc áo dài nam đã là đáng mừng rồi.

Trang phục không chỉ tác động đến lĩnh vực thiết kế thời trang, mà còn tác động đến lĩnh vực sản xuất vải vóc. Nếu áo dài nữ và áo dài nam đều được công nhận là quốc phục thì sẽ góp phần không nhỏ hồi sinh những làng nghề dệt lụa như Vạn Phúc ở Hà Đông - Hà Nội hoặc Lãnh Mỹ A ở Tân Châu - An Giang…

Từ Bắc chí Nam từ lâu đã có những làng nghề dệt lụa để phục vụ cho trang phục áo dài của người Việt. Những làng nghề truyền thống ấy đang mai một và sẽ dần biến mất, nếu chúng ta không có những chính sách cụ thể cho trang phục truyền thống!

Theo tôi, các di sản văn hóa của người Việt bị hao hụt nghiêm trọng, trong đó bàn tay con người là tàn phá nhanh nhất, nhiều nhất. Tuy nhiên, đáng sợ hơn cả vẫn là sự vô cảm và thờ ơ của những người có trách nhiệm. Tôi chỉ có thể đóng góp cho trang phục Việt theo khả năng của mình thôi. Với áo dài Việt thì tôi “thương” chứ không phải “yêu”.

Nếu “yêu”, thì sẽ có lúc hết “yêu” nhưng “thương” thì lại khác, nó nặng tình nặng nghĩa, như cha mẹ với con cái trong gia đình vậy, không bao giờ chia lìa được. Dù cho chưa một văn bản nào xác nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam, song chỉ cần thấy một bóng áo dài ở đâu đó bên ngoài mảnh đất hình chữ S thì ai cũng có thể nhận ra ngay người mặc chắc chắn mang dòng máu Việt. Vì vậy, áo dài có tính biểu tượng rất cao, đồng thời nó cũng nâng lên lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người khi mặc áo dài.

14-37-14_mot_goc_trung_by_o_vien_nghien_cuu_trng_phuc_viet
Một góc trưng bày ở Viện Nghiên cứu trang phục Việt!

Gìn giữ trang phục Việt cũng là gìn giữ văn hóa Việt!

Một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Tôi thành lập Viện Nghiên cứu trang phục Việt với mong mỏi sẽ có thêm nhiều cá nhân và nhiều tổ chức cùng tham gia. Dù chúng ta có vàng kho bạc đống mà chúng ta bỏ rơi văn hóa thì chúng ta cũng lạc loài với năm châu.

Xin cảm ơn ông! Chúc ông có nhiều cảm hứng để tiếp tục “thương” áo dài Việt!

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.