Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2020 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo đạt mức dưới 3,5%, thấp hơn con số mục tiêu Quốc hội giao (dưới 4%), mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
Nếu quay lại đầu năm 2020, không ai nghĩ năm 2020 Việt Nam giữ được chỉ số CPI ấn tượng đến như vậy, đặc biệt khi những ngày đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi khiến giá lợn hơi trên thị trường tăng phi mã, có nhiều thời điểm chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg hơi, trong khi đó thịt lợn chiếm hơn 60% trong rổ chỉ số nhóm thực phẩm.
Tuy nhiên, với sự chủ động và những giải pháp căn cơ, quyết liệt, đồng bộ, từ tái đàn, hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chăn nuôi gia cầm và gia súc ăn cỏ và đặc biệt là nhập khẩu thịt lợn và lợn sống từ Thái Lan đã giúp giá lợn hơi trong nước nhanh chóng hạ nhiệt vào cuối quý 3, đầu quý 4 năm 2020 xuống xung quanh 65.000 - 75.000 đồng/kg.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đến thời điểm này có thể khẳng định không có gì quá lo lắng về cung cầu lương thực, thực phẩm cho dịp tết Nguyên đán sắp tới, bởi sản lượng đang rất dồi dào.
Trong đó, thủy sản đạt mốc trên 8,4 triệu tấn, vượt so với năm 2019 trên dưới 2% cả khai thác và nuôi trồng. Về chăn nuôi, chúng ta đạt 5,4 triệu tấn thịt, trong đó thịt lợn đạt 3,48 triệu tấn. Thịt gia cầm đạt 1,47 triệu tấn, vượt mục tiêu 1,2 triệu tấn đề ra. Bên cạnh đó, trứng gia cầm đã đạt 14,7 tỷ quả, sữa trên 1 triệu tấn.
“Vừa qua đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tiến hành khảo sát ở Hà Nội và một số tỉnh, thành, chúng tôi nhận thấy nhiều địa phương chủ động dự trữ cho tết từ cách đây vài tháng, điển hình như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội nguồn cung đều tăng 10 - 20% so với ngày thường nên có thể nói tết này chúng ta tương đối yên tâm về lương thực, thực phẩm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Trước diễn biến giá lợn hơi tăng trong những ngày gần đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chưa có gì phải quá lo lắng, bởi theo quy luật thị trường, bao giờ gần tới dịp tết, không chỉ thịt lợn mà hầu hết các mặt hàng thực phẩm khác đều có xu hướng tăng do nhu cầu chế biến tăng đột biến.
Làm rõ thêm về câu chuyện cung cầu giá thịt lợn dịp cận tết, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện tổng đàn lợn toàn quốc đạt 27,3 triệu con, phục hồi trên 88% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi và tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Ông Trọng cho biết, Cục Chăn nuôi vừa kiểm tra, rà soát tại nhiều vùng chăn nuôi lớn, trọng điểm thì đúng là có nơi giá lợn hơi lên 83.000 - 85.000 đồng/kg nhưng đó là do mua đi bán lại qua nhiều cấp đại lí trung gian, còn giá xuất chuồng chung ở cả 3 miền đang dao động 78.000 - 82.000 đồng/kg.
Do đó, ông Trọng tin tưởng giá lợn hơi sẽ không tăng đột biến như tết năm 2020 bởi với tổng đàn lợn trên 27,3 triệu con về cơ bản là chủ động được thực phẩm dịp tết.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sở dĩ tổng đàn lợn nái và lợn thịt cả nước chưa đạt 100% là bởi khu vực nông hộ phục hồi chậm, chỉ có khối doanh nghiệp và trang trại, gia trại lớn đảm bảo an toàn sinh học là tái đàn, tăng đàn vượt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân ai cũng biết là bởi virus dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn ngoài môi trường nên nguy cơ rủi ro với chăn nuôi nông hộ còn rất lớn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, hiện Công ty Navetco đang có những bước tiến cuối cùng rất khả quan trong việc cho ra sản phẩm vacxin dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian tới khi việc tiếp nhận và thử nghiệm công trình do phía Mỹ chuyển giao đang rất khả quan và thuận lợi.
Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục có những thử nghiệm và đánh giá độc lập, khách quan hơn nữa về hiệu quả, hiệu lực của vacxin dịch tả lợn Châu Phi do Navetco nghiên cứu trước khi cấp phép lưu hành vào sản xuất.
Việc sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi thành công sẽ là nền tảng quan trọng hàng đầu để bà con nông dân yên tâm tái đàn bền vững.
Theo Cục Thú y và Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hiện vẫn có hiện tượng thẩm thấu lợn sống sang Trung Quốc, có cả trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu lợn từ Thái Lan vào Việt Nam rồi chuyển sang Trung Quốc cả lợn hơi và lợn mảnh qua các đường tiểu ngạch.
Do đó, các bộ, ngành và đặc biệt là các tỉnh biên giới cần phải tăng cường kiểm soát tốt vấn đề này bởi hiện giá và nhu cầu thịt lợn tại Trung Quốc đang rất cao, gấp đôi giá tại Việt Nam nếu các cơ quan ban ngành không vào cuộc kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mặt bằng cung cầu giá thịt lợn trong nước.