Đòn thù hèn hạ
Sáng 25/10/2007, tại địa bàn thôn Liêm Công Đông (thôn Đông), xã Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị), xuất hiện rất nhiều tờ rơi rải dọc đường liên thôn. Những tờ rơi nặc danh với nội dung bêu xấu, vu khống nhiều cá nhân trong thôn cùng với thân nhân của họ.
PV Báo NNVN và 4 nông dân chống tiêu cực ở Vĩnh Linh (ảnh chụp tháng 10/2007). |
Những người bị nội dung tờ đơn bôi nhọ đều là các hộ dân đã có đơn thư phản ánh, tố cáo cán bộ xã Vĩnh Thành có nhiều sai phạm trong công tác giải phóng mặt bằng tỉnh lộ 70 đoạn qua địa bàn xã Vĩnh Thành.
Người viết tờ đơn dùng nhiều từ ngữ thiếu văn hóa như: “Bà con thôn miềng tẩy chay đuổi cổ bọn mần bậy ra khỏi làng… Vinh, Trưởng, Lương, Phiện, đồ ba đứa bất hiếu học hành chỉ uổng tiền nhà nước…”.
Những người đứng tên trong đơn thư phản ánh như các anh Ngô Minh Phiện, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Thuận Trưởng, Lê Văn Lương không chỉ bị thóa mạ bằng tờ rơi mà còn nhiều lần bị người khác đe dọa, hành hung, phá hoại tài sản làm thiệt hại đến kinh tế.
Nhà anh Ngô Minh Phiện đang đêm bị kẻ giấu mặt dùng đá ném. Nhiều lần bị ném đá vỡ cả kính cửa. Trắng trợn hơn, lợi dụng “chuyện bé xé ra to”, kẻ xấu đã gây sự, đấm thẳng vào mặt anh Phiện. Hoặc có kẻ đã chỉ mặt, hăm dọa: “Mắc mớ chi mi mà mi đi kiện, hãy giữ lấy thân”. Anh Nguyễn Quang Vinh cũng luôn trong tình trạng bị kẻ khác đe dọa. Anh bức xúc: “Tôi cũng nhiều lần bị người ta giả say rượu dọa đánh tại nhà anh Phiện”.
Đứng tên trong đơn thư phản ánh, anh Nguyễn Thuận Trưởng, tuy chưa bị ai đe dọa nhưng cũng gặp rất nhiều rắc rối và cũng bị kẻ xấu hại làm thiệt hại khá nặng về kinh tế gia đình. Vào đêm 26/10/2007, hồ cá rộng hơn 1ha của anh đã bị kẻ xấu tháo cống xả hết nước. Sáng ra, hồ trơ chỉ còn ít nước, gần như toàn bộ cá chuẩn bị thu hoạch đã bị thoát mất ra ruộng, ra sông. Lần đó, thiệt hại cũng lên đến hàng chục triệu đồng.
Trường hợp anh Lê Văn Lương có phần bi kịch hơn. Trong một lần gặp mặt, qua tranh cãi, anh Lương đã bị công an viên kiêm phó thôn Đông (xã Vĩnh Thành) hành hung. Vị phó thôn này đã hùng hổ vác dao chém vào người anh gây thương tích, phải đưa đi bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu.
Tác giả Tâm Phùng trong lần điều tra về phá rừng. |
Chưa hết, con em những nông dân này còn bị o ép khi đi học, kể cả khi thi đỗ vào đại học cũng bị gây khó dễ khi cắt chuyển các loại giấy tờ... Thậm chí, vào chiều 30 tết, cán bộ thôn vác câu liêm cắt hết điện thắp sáng của 4 hộ này với lý do trục trặc về điện. Cả tết không có điện để dùng. Sau tết hơn chục ngày điện mới được nối lại. Chị Thắm (vợ anh Ngô Minh Phiện), lúc đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cũng đã bị lãnh đạo o ép, trước kỳ đại hội buộc phải từ chức và sau đó phải thôi việc.
Đó là những hành vi trả thù nhằm vào các nông dân sau khi các anh Ngô Minh Phiện, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Thuận Trưởng và Lê Văn Lương đã dũng cảm đứng đơn tố cáo một số lãnh đạo địa phương (trong đó có Chủ tịch UBND xã) đã có hành vi lạm dụng chức quyền để ăn chặn tiền đền bù trong công tác giải phóng mặt bằng thi công đường tỉnh lộ 70.
"Mày viết tào lao coi chừng bọn tao chứm rụng tay đó”
Lúc đó, các nhà báo gồm Lâm Chí Công (báo Lao Động), Nguyễn Hoàn (báo Quảng Trị) và tôi đã thực hiện loạt bài trên các tờ báo để bảo vệ những nông dân này và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc. Các nhà báo cũng đã bị nhóm cán bộ xã đưa vào danh sách “viết bậy bạ”.
Tại cuộc gặp trao đổi giữa lãnh đạo xã, nhóm các nhà báo và các nông dân tố cáo tiêu cực tổ chức tại trụ sở xã Vĩnh Thành. Khi các nhà báo phát biểu, ngay lập tức, khá đông người tham dự đã được bố trí trước đứng dậy hô hét, phản ứng ầm ĩ. Khi chúng tôi thực hiện ghi hình, chụp ảnh thì bị một số người lạ xô đẩy, giật máy ảnh. Thậm chí, việc đi lại, lấy tư liệu của các nhà báo cũng đã “được” một số người bám riết, theo dõi.
Có lần, đang đi trên đường, tôi bị hai thanh niên phóng xe máy đuổi theo và chặn lại. Một niên dáng bặm trợn xách mé, đe dọa: “Nhà báo nhà chồn chi. Mày viết tào lao coi chừng bọn tao chứm rụng tay đó…”.
Năm 2007, tác giả được phân công phụ trách thường trú địa bàn 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. |
Sau loạt báo đăng bài, vụ việc đã được Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương quan tâm. Sau khi thanh tra vụ việc, Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương đã yêu cầu UBND huyện Vĩnh Linh xử lý nghiêm minh và tặng giấy khen cho các nông dân tố cáo tham nhũng. Nhưng tại thời điểm đó, việc chỉ đạo này lại không được thực hiện. Gia đình 4 nông dân tiếp tục sống trong lo lắng vì những hành vi trả thù... Các nhà báo lần nữa lại lên tiếng.
Chúng tôi phải quay trở lại Vĩnh Linh nhiều lần, nhiều lần lại bị chặn xe đe dọa… Hơn một năm sau đó, các nông dân đã được huyện Vĩnh Linh biểu dương vì thành tích chống tiêu cực.
Muời hai năm sau, gặp lại tôi, ông Ngô Minh Phiện cho hay: “Sau đó, các cán bộ xã có dính líu vào việc tham nhũng đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí có người phải ra tòa, lĩnh án. Trong số 4 anh em chúng tôi, anh Nguyễn Quang Vinh đã mất sau đó ít năm. Còn lại 3 anh em chúng tôi lâu lâu gặp nhau ôn lại chuyện chống tiêu cực hồi đó và rất nhớ đến mấy anh. Ai cũng nói, nếu không có báo chí đồng hành chắc chắn vụ việc sẽ không được đưa ra công lý và chúng tôi còn bị vùi dập. Cảm ơn các anh, cảm ơn Báo NNVN đã sát cánh cùng nông dân chúng tôi trong giai đoạn khó khăn nhất”.