Thành ủy Hải Phòng, lãnh đạo UBND và lãnh đạo các sở ngành vừa có cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp FDI năm 2024 với chủ đề “Doanh nghiệp FDI phát triển cùng Thành phố Hải Phòng; đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế bền vững, kinh tế chia sẻ; kết nối doanh nghiệp với chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Hơn 900 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Phòng với đầy đủ các lĩnh vực đã chia sẻ, đề xuất những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết thỏa đáng với Thường trực Thành ủy cùng lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương.
Ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết những chia sẻ của các doanh nghiệp là chính đáng, trong đó có nhiều vấn đề khó, có vấn đề mới mà pháp luật Việt Nam hiện đang hoàn thiện.
Đối với các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp, yêu cầu các sở, ngành phải xử lý triệt để ngay và thông tin tới doanh nghiệp. Với những kiến nghị liên quan đến vướng mắc của luật pháp, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương có kiến nghị cụ thể đối với Trung ương, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các vướng mắc.
“Cá nhân tôi, cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy sẽ chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để những cam kết ngày hôm nay với doanh nghiệp sớm có kết quả; giải quyết tối đa những nguyện vọng của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại thành phố”, ông Lê Tiến Châu khẳng định.
Trong những năm gần đây, Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng ở mức 2 con số trong 9 năm liên tiếp, là một điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước.
Thành phố cũng đã đạt con số tăng trưởng ấn tượng về thu hút FDI, luôn trong top đầu cả nước về số vốn đăng ký đầu tư và có xu hướng ngày càng hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của thành phố Hải Phòng, không chỉ về lĩnh vực kinh tế, mà còn cả về xã hội. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một phần quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội và doanh nghiệp FDI là động lực quan trọng, trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong bối cảnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đạt được những bước tiến lớn và trở thành xu thế toàn cầu, Lãnh đạo thành phố càng nhận thức được vai trò của doanh nghiệp FDI trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Các doanh nghiệp FDI là một phần quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp của Hải Phòng và các nhà đầu tư nước ngoài vừa là bạn, là đối tác nhưng cũng chính là những công dân danh dự của thành phố Hải Phòng.
“Doanh nghiệp FDI thành công và phát triển mạnh mẽ thì Hải Phòng mới có thể sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Chúng ta có chung mục tiêu, lý tưởng và trách nhiệm chung tay phát triển doanh nghiệp FDI, đóng góp chung vào sự phát triển của thành phố Hải Phòng và đất nước”, ông Lê Tiến Châu cho hay.
Tại diễn đàn này, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng đã cam kết, sẽ luôn đồng hành và giành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI.
Để thực hiện cam kết hiệu quả và phát huy vai trò của các doanh nghiệp, sớm hiện thực hóa mục tiêu, Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ông Lê Tiến Châu cũng đưa ra 7 giải pháp để tập trung chỉ đạo, đồng thời đưa ra 4 vấn đề và đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI thực hiện.
“Tôi hy vọng rằng các doanh nghiệp FDI dự Hội nghị ngày hôm nay sẽ trở thành người bạn, người kết nối kinh tế thành phố Hải Phòng với kinh tế thế giới. Hải Phòng sẵn sàng đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển, các doanh nghiệp đều nhận được sự quan tâm bình đẳng như nhau, sự thành công của các doanh nghiệp chính là sự phát triển của thành phố, là sự thành công của chính quyền”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 985 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31 tỷ USD, trong đó, các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tỷ lệ trên 83% về số vốn đầu tư; các dự án đầu tư lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm 14% về số vốn đầu tư; số còn lại là các dự án đầu tư lĩnh vực thương mại dịch vụ, vận tải, khai khoáng.