| Hotline: 0983.970.780

Nhà nghiên cứu theo dấu thời gian để hiểu khát vọng của người xưa

Thứ Năm 07/04/2022 , 15:29 (GMT+7)

Nhà nghiên cứu Trần Bảo Định vừa xuất bản cuốn sách ‘Dấu thời gian’ với mong muốn giúp công chúng hôm nay hiểu thêm và kế thừa khát vọng của người xưa.

Tác giả Trần Bảo Định được mệnh danh 'ông già Nam bộ nhiều chuyện'.

Tác giả Trần Bảo Định được mệnh danh "ông già Nam bộ nhiều chuyện".

Nhà nghiên cứu Trần Bảo Định sinh năm 1944. Nhà nghiên cứu Trần Bảo Định được đồng nghiệp và độc giả gọi thân mật là “ông già Nam bộ nhiều chuyện”. Nhà nghiên cứu Trần Bảo Định cầm bút khi không còn trẻ, và liên tục ra mắt nhiều tác phẩm như “Kiếp ba khía”, “Đời bọ hung”, “Phận lìm kìm”, “Chim phương Nam”, “Bóng chiều quê”, “Mưa bình nguyên”, “Mùa hoa trắng”...

Cuốn sách “Dấu thời gian” là một góc nhìn lịch sử bằng ngôn ngữ văn chương. Nửa cuối thế kỷ 19, giới sĩ phu Bắc Hà khởi xướng tư tưởng canh tân; ở miền Nam, tư tưởng canh tân phát triển đất nước gắn liền với những tôn giáo nội sinh; tựu trung đều hướng đến mục đích đưa đất nước khỏi vòng nô lệ, thuộc địa Pháp. Thế nhưng phải đến đầu thế kỷ 20, nước Việt mới chứng kiến cuộc trở mình đổi mới trên nhiều phương diện. Duy Tân tới Minh Tân, từng bước thời gian minh chứng cho nỗ lực và khát vọng của người xưa nhằm giải thoát quê hương khỏi đời lầm than, kiếp dân thuộc địa, nhằm đưa quốc gia dân tộc tiến vào đường văn minh hiện đại.

Được xem như người đặt nền móng cho doanh thương Việt Nam, Lương Văn Can ghi dấu ấn bởi tư duy đổi mới, xác lập vị trí doanh thương, vai trò doanh nhân trong xã hội. Ông góp phần xóa bỏ thành kiến “con buôn”, xây dựng hình tượng doanh nhân hiện đại. Xa hơn, Trần Chánh Chiếu đưa doanh thương nước nhà tới trình độ phát triển không thua kém Hoa kiều và tư sản Pháp. Nhiều bài xã luận của ông trên Lục tỉnh tân văn cho thấy cách làm doanh thương không bó hẹp ở việc “mua đi bán lại” mà hướng tới phát triển con người và công thương kỹ nghệ; phát triển nền sản xuất hàng hóa mang lại ích lợi cho dân tộc, thúc đẩy phong trào yêu nước, bồi tụ nhân lực, vật lực cho việc canh tân. Trần Chánh Chiếu kết hợp giáo dục, khoa học kỹ nghệ và doanh thương để thúc đẩy canh tân phát triển xã hội một cách toàn diện.

Theo “dấu thời gian”, nhà nghiên cứu Trần Bảo Định nhận ra mối tương liên thế hệ sĩ phu - trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20 và sự tiếp nối giữa Duy Tân và Minh Tân; giữa các thế hệ chí sĩ yêu nước từ Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Háo Văn đến Nguyễn Háo Vĩnh - người đại diện cho thành tựu của phong trào Minh Tân, kết quả của việc gắn kết giáo dục - doanh thương - minh tân đất nước.

Nhà nghiên cứu Trần Bảo Định làm rõ quá trình chuyển hướng từ “Đông du” sang “Tây du” trong quan niệm yêu nước và hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp. Giới trí thức Tây học như: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường,… mở rộng phạm vi, hình thái, cách thức đấu tranh chống Pháp từ “quốc gia” đến “quốc tế”. Nhưng trên hết, hậu thế nên nhìn thấy căn bản tâm hồn và hoạt động của tiền nhân nhất quán bởi tinh thần yêu nước thương nòi, bởi lòng mong mỏi thoát khỏi thân phận dân mất nước.

Cuốn sách 'Dấu thời gian' vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Cuốn sách "Dấu thời gian" vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Nhà nghiên cứu Trần Bảo Định bố cục tập sách “Dấu thời gian” từ Lương Văn Can, Trần Chánh Chiếu tới Nguyễn Háo Vĩnh, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu và sau cùng là Nguyễn An Ninh. Việc này giúp cho bạn đọc thuận tiện tiếp nhận sự dịch chuyển quan niệm yêu nước và tư tưởng canh tân đầu thế kỷ XX. Mở đầu với Lương Văn Can (đại diện tầng lớp sĩ phu) để rồi kết thúc với Nguyễn An Ninh (đại diện tầng lớp trí thức Tây học).

Có lẽ tác giả mong độc giả nhận ra Nguyễn An Ninh cũng như nhiều trí thức Nam Kỳ, đã góp phần làm dịch chuyển hệ hình tư duy yêu nước, bước tiến cần thiết cho sự hình thành và phát triển phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường… cần được ghi nhận như những nhà trí thức tiên phong của nước Việt - biểu tượng tinh thần chống ngoại xâm, nỗ lực giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.

Qua cuốn sách “Dấu thời gian”, nhà nghiên cứu Trần Bảo Định chứng minh thế hệ hôm nay không chỉ thừa kế tài sản, mà cần cần ngẫm nghĩ để kế thừa di sản khát vọng của người xưa gắng sức gìn giữ hồn thiêng sông núi.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.