Nhà tạo mẫu Minh Hạnh và nhà văn Lê Văn Nghĩa là một cặp vợ chồng nổi tiếng trong giới sáng tạo. Nhà tạo mẫu Minh Hạnh và nhà văn Lê Văn Nghĩa gặp gỡ và nên duyên khi cùng công tác tại báo Tuổi Trẻ vào thập niên 80 của thế kỷ trước.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã qua đời ngày 25/7 tại TP.HCM, trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Bạn bè và đồng nghiệp không thể đến chia buồn và tiễn đưa nhà văn Lê Văn Nghĩa, nên nhà tạo mẫu Minh Hạnh dự định tổ chức một buổi gặp gỡ kỷ niệm 100 ngày mất của chồng mình. Đáng tiếc, bây giờ Covid-19 vẫn dai dẳng, nên kế hoạch kia khó lòng thực hiện.
Nhà tạo mẫu Minh Hạnh quyết định thay mặt người chồng quá cố để “cảm ơn cuộc đời” bằng một cách khác. Một món quà độc đáo đã được thiết kế bằng chính sở trường của nhà tạo mẫu Minh Hạnh. Đó là một chiếc túi lụa in hình ảnh các tác phẩm tâm đắc cùng thủ bút của nhà văn Lê Văn Nghĩa, cùng một cuốn sách bọc nhung rất khéo léo và tinh xảo.
Với món quà được gửi đến những người thân quen của chồng mình, nhà tạo mẫu Minh Hạnh lý giải: “Chồng tôi rất quý bạn bè và rất thích rong chơi với bạn bè. Tôi hy vọng anh chị đi đâu thì dùng cái túi lụa này, như dắt chồng tôi đi cùng”.
Nhà tạo mẫu Minh Hạnh đã thực hiện đúng những tâm tư của nhà văn Lê Văn Nghĩa trong những ngày cuối đời chống chọi bạo bệnh. Nhà văn Lê Văn Nghĩa ước nguyện dịp kỷ niệm 100 ngày mất của mình thì bạn bè được tao ngộ, nên gửi lại lời chào đôn hậu “100 ngày đã trôi qua, 100 ngày tui đã đi xa”.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021) không chỉ là một cây bút trào phúng trứ danh với gần 40 năm giữ vai trò linh hồn của tờ Tuổi Trẻ Cười, mà ông còn là một nhà biên khảo uy tín về đất và người Sài Gòn xưa. Những tác phẩm của nhà văn Lê Văn Nghĩa được công chúng yêu mến như “Sài Gòn dòng sông tuổi thơ”, “Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ”, “Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian”…
Ngoài sự nghiệp viết lách, nhà văn Lê Văn Nghĩa còn có niềm tự hào và hạnh phúc là có người vợ xinh đẹp tài hoa Minh Hạnh. Nhỏ hơn chồng 8 tuổi, nhà tạo mẫu Minh Hạnh từng làm họa sĩ trình bày báo trước khi nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang.
Nhà tạo mẫu Minh Hạnh đã có công tôn tạo và lan tỏa giá trị của áo dài Việt Nam ra khỏi biên giới quốc gia. Nhà tạo mẫu Minh Hạnh đã được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ của Ý và giải thưởng Fukuoka của Nhật Bản vì đã góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng văn hóa châu Á trong kỷ nguyên kết nối toàn cầu.