Nhà thơ Hoài Vũ năm nay đã bước sang tuổi 86. Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935 tại Mộ Đức - Quảng Ngãi và bước vào Trường Thiếu sinh quân khu 5 từ lúc 12 tuổi. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được đi học khoa Văn ở Trường Đại học Bắc Kinh. Năm 1963, ông vào Nam và trở thành một gương mặt văn nghệ của Căn cứ trung ương Cục miền Nam.
Thuở khởi nghiệp, thơ Hoài Vũ cũng có ảnh hưởng không khí thơ Đường khi viết về cuộc sống quân dân vùng sông nước miền Tây: “Anh ở đầu sông, em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Xa nhau đã chín bao mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông”.
Khi đất nước thống nhất, nhà thơ Hoài Vũ có một thời gian làm thư ký cho Bí thư Thành ủy TPHCM - Võ Trần Chí rồi chuyển sang làm Tổng Biên tập bản tiếng Hoa của báo Sài Gòn Giải Phóng.
Nhà thơ Hoài Vũ là một con người khiêm nhường và lặng lẽ. Vì vậy, ông cũng gặp không ít thiệt thòi trên đường danh vọng. Thơ Hoài Vũ giàu nhạc điệu nên thường xuyên nhận được sự đồng cảm của các nhạc sĩ. Ví dụ, ca khúc “Đi trong hương tràm” bắt nguồn từ thơ Hoài Vũ: “Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu/ Có nỗi thương đau có niềm hy vọng/ Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng/ Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?” hoặc ca khúc “Người ấy bây giờ đang ở đâu” cũng bắt nguồn từ thơ Hoài Vũ: “Người ấy bây giờ đang ở đâu/ Để vườn hoang vắng trắng bông cau/ Ngàn lau phủ trắng đường ra bến/ Bờ sông lay lắt mấy chân cầu”.
Trong gần chục ca khúc nổi tiếng được phổ từ thơ Hoài Vũ, có lẽ công chúng rất quen thuộc đối với “Vàm Cỏ Đông” và “Chia tay hoàng hôn”. Bài thơ “Vàm Cỏ Đông” do nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc thành ca khúc cùng tên, còn bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” do nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành ca khúc “Chia tay hoàng hôn”.
So với ca khúc qua thêm bớt xúc cảm của nhạc sĩ, thì bản gốc bài thơ của Hoài Vũ có những khác biệt nhất định. Đọc nguyên tác "Vàm Cỏ Đông" và "Chia tay hoàng hôn" của nhà thơ Hoài Vũ, sẽ càng thêm yêu ca khúc phổ thơ và càng hiểu hơn những ngày ông đã sống trọn vẹn và chân tình với quê hương, với đồng đội, với người thương.
LÊ THIẾU NHƠN (chọn và giới thiệu)
VÀM CỎ ĐÔNG
Ở tận sông Hồng, em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!
Đây con sông xuôi dòng nước chảy
Bốn mùa soi từng mảnh mây trời
Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy
Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi
Đây con sông như dòng sữa mẹ
Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây
Và ăm ắp như lòng người mẹ
Chở tình thương trang trải đêm ngày
Đây con sông như dòng lịch sử
Sáng ngời tên từ thuở Cha Ông
Đã bao phen đoàn quân cảm tử
Vùi đáy sông xác giặc tanh nồng
Ơi Vàm Cỏ Đông! Ơi con sông
Nước xanh biêng biếc chẳng thay dòng
Đuổi Pháp đi rồi, nay đuổi Mỹ
Giặc đi đời giặc, sông càng trong
Có thể nào quên những đêm thâu
Thức với sao đêm, anh đánh tàu
Má đem cơm nóng ra công sự
Nghe tàu Mỹ rú, giục "ăn mau"
Có thể nào quên cô gái thơ
Bơi xuồng thoăn thoắt dưới trăng mờ
Đưa đoàn "Giải phóng" qua sông sớm
Bên sông, bót giặc đứng sờ sờ
Có thể nào quên những con người
Tóc còn xanh lắm, tuổi đôi mươi
Dám đổi thân mình lấy tàu giặc
Nụ cười khi chết hãy còn tươi
Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ
Từng chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm
Từng con người làm nên lịch sử
Và dòng sông trong mát quanh năm
Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ
Từng mái nhà nép dưới rặng dừa
Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ
Từng mối tình hò hẹn sớm trưa...
Ở tận sông Hồng, em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!
HOÀNG HÔN LẶNG LẼ
Anh phải về thôi, xa em thôi!
Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi
Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc
Mà lời từ biệt chẳng lên môi
Anh phải về thôi, xa em thôi!
Xa vườn xưa, đôi chiền chiện tha mồi
Hoa khế rụng tím ngầm hầm bí mật
Ðể mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi....
Anh như cơn gió bay khắp chốn
Ðể lại mình em với ruộng, với vườn
Mồ hôi đổ giữa ngày mùa bận rộn
Nước mắt trào lạnh buốt những đêm sương!
Xa em, anh như tia nắng đi trên cát
Thèm một dòng sông, những cánh đồng...
Xa em, anh như người hát sau đêm hát
Chỉ thấy gió vật vờ qua những tấm phông
Anh đi em nhé! Lòng nhủ khẽ
Hoàng hôn cũng về, dịu êm và lặng lẽ
Một tiếng còi tầu vọng lại phía sông xa
Như muốn nhắc thầm anh: Cơn bão sắp đi qua...