Nhà thơ Hoàng Cầm sinh ngày 22/2/1922 tại Việt Yên, Bắc Giang, mất ngày 6/5/2010 tại Hà Nội. Nhà thơ Hoàng Cầm được công chúng yêu mến với hai bài thơ nổi tiếng “Bên kia sông Đuống” và “Lá diêu bông”. Thế nhưng, sự nghiệp thi ca của nhà thơ Hoàng Cầm không chỉ dừng ở đó, mà còn có những tác phẩm làm thăng hoa giá trị văn hóa vùng Kinh Bắc.
Nhà thơ Hoàng Cầm bước vào con đường sáng tác với thể loại kịch thơ. Vở kịch thơ “Hận Nam Quan” được viết năm 1937, lúc ông 15 tuổi. Vở kịch thơ tiếp theo “Kiều Loan” viết năm 1942, lúc ông tròn 20 tuổi. Vở kịch thơ “Kiều Loan” được ban kịch Đông Phương dàn dựng và công diễn lần đầu vào tháng 11/1946.
Sự gắn bó của nhà thơ Hoàng Cầm với sân khấu sau này được thể hiện thêm trong vở kịch thơ “Trương Chi”. Ngoài ra, nhà thơ Hoàng Cầm còn có truyện thơ “Men đá vàng”.
Nhà thơ Hoàng Cầm tự giới thiệu bản thân: “Tôi người làng quan họ/ quê mẹ bên này sông/ cách quê cha một dòng/ nước trắng”. Hành trình sáng tạo của nhà thơ Hoàng Cầm đầy mộng mị và liêu trai như ông thổ lộ “Ta con phù du ao trời chật chội/ đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao”.
Cùng với bài thơ “Bên kia sông Đuống” viết năm 1948 “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”, bài thơ “Lá diêu bông” của nhà thơ Hoàng Cầm cũng được công chúng truyền tụng sâu rộng. Tuy nhiên, để cảm nhận hết vẻ đẹp của bài thơ “Lá diêu bông” thì căn cứ vào văn bản “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” vẫn chưa đủ.
Bài thơ “Lá diêu bông” là một trong mười bài thuộc “Nhịp năm – Còn em” của tập thơ “Về Kinh Bắc” được nhà thơ Hoàng Cầm viết năm 1960. Bài thơ “Lá diêu bông” phản ánh một chuyện tình hư ảo và ám ảnh, có tương tác trực tiếp với mấy bài thơ khác như “Cây tam cúc”, “Quả vườn ổi”, “Cỏ Bồng thi”, “Nước sông Thương”...
Nỗi hoài vọng “Diêu bông hời... Ới diêu bông” chưng cất từ một chuỗi mơ màng “Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm/ Em đừng lớn nữa, chị đừng đi/ Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa/ Ổ rơm thơm đọng tuổi xuân thì” để rồi “Em mười hai tuổi tìm theo chị/ Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa/ Đi... ngày tháng lụi tìm không thấy/ Dải yếm lòng trai mải phất cờ”.
Nỗi mê đắm “Diêu bông hời... Ới diêu bông” lắng lại hồi ức “Chị đưa em đến bến này/ Cheo leo mỏm đá/ Trước vực/ Sau khe/ Thòng lọng tơ gì quấn gót/ Tua khăn buông còn buộc búp hoa tàn/ Ù ù gió thổi/ Em vọng ai đâu mà hóa đá” và dằng dặc xót xa “Ngày chị bảo em quên/ Tranh Tố nữ long hổ gián nhấm/ mất chân đi/ má đội tổ tò vò/ Cuốn chiếu xa rồi/ thơ thẩn vách chiêm bao”.
Câu chuyện “Lá diêu bông” chắp nối bằng bài thơ “Chị em xanh” được nhà thơ Hoàng Cầm viết năm 1980: “Chị vỡ pha lê. Bùn vấy tay/ Hồn trong em chuốc chị chìm say/ Là em cưới chị xanh thiêm thiếp/ Sinh một đàn con mây trắng bay”.
Tâm hồn của nhà thơ Hoàng Cầm thuộc về Kinh Bắc. Những sinh hoạt dân dã của làng quê Kinh Bắc luôn nôn nao trong thơ ông: “Em về đồng chiêm đất rạn chân chim/ Em đi mưa ngâu nước ngập đồi chè” hoặc “Tiếng hát theo em đi vớt bèo/ em vớt được mấy chùm sao sáng/ vớt đôi con mắt nhìn theo”.
Đọc thơ Hoàng Cầm, công chúng như đi lạc vào một vùng kỷ niệm đầy khói sương Kinh Bắc, vừa gặp “Mồ tháng giêng mưa sũng/ đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu” đã thấy “Đàn quạ khoang mang vệt bóng trăng thừa/ Ném xuống cầu em cởi áo chiều xưa” và bâng khuâng “Én bay đi không hướng tìm xuân/ Lá ngọt hết rồi/ Lá đắng lại phân vân/ Muốn nuôi người còn sợ đau dạ người”.
Tập thơ “Hoàng Cầm 100 bài” do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành, được thực hiện tỉ mỉ và công phu, để người yêu thơ được dịp nhớ thương nhà thơ Hoàng Cầm “một người suốt đời lấy thơ làm cứu cánh, làm mục đích, làm lẽ sống, chứ không bao giờ lấy thơ làm phương tiện để mình đạt tới những gì gì đó mà hồn mình không thể chấp nhận, ví dụ như danh và lợi, sự bon chen, sự cầu cạnh, sự thù hận...”.