Nhà thơ Thanh Tùng được xem như gương mặt xuất sắc của phong trào thơ công nhân ở Hải Phòng thập niên 60 thế kỷ trước. Ông không chỉ nhìn ra “trong tiếng búa vang lên bao định lý”, mà ông còn thực sự trải nghiệm đời thợ “Cái nghề khuân vác của tôi/ Trong mơ còn thấy giọt mồ hôi cười/ Tôi sợ nó và tôi yêu nó/ Như người mẹ sợ cơn đau đẻ nhưng vẫn thèm có con”.
Nhà thơ Thanh Tùng có bài thơ “Thời hoa đỏ” được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Gần nửa thế kỷ kể từ khi xuất hiện, bài thơ “Thời hoa đỏ” liên tục đồng hành nhiều thế hệ công chúng. Và bài thơ “Thời hoa đỏ” cũng trở thành minh chứng sinh động nhất cho một thời gian lao và lãng mạn của người Việt Nam vừa chiến đấu vừa lao động.
Thế nhưng, nhà thơ Thanh Tùng không chỉ có sự trữ tình với “Thời hoa đỏ”. Ông còn hướng sáng tác của mình vào những đề tài mang hơi thở ngổn ngang của xã hội. Thơ Thanh Tùng gân guốc và chân thành, nên mỗi vần điệu có sức lay động riêng biệt cho độc giả.
Trong di sản khoảng hơn 600 bài thơ mà Thanh Tùng gửi lại nhân gian, có không ít bài thơ nằm ngoài mảng thơ tình quen thuộc của ông. Như bài thơ “Quả táo Hồ Chí Minh”, “Đôi nạng”, “Lần đầu ra nước ngoài”… Ở những bài thơ thế sự, nhà thơ Thanh Tùng chứng tỏ ông có được trường lực nhạy cảm thiên bẩm, để các câu thơ tự do và phóng túng vẫn neo giữ đầy đủ thẩm mỹ trong lòng công chúng.
Nhà thơ Thanh Tùng có hơn 10 năm gắn bó với ấn phẩm Kiến Thức Gia Đình - tuần san của báo Nông Nghiệp Việt Nam. Ở cái bàn làm việc nằm khuất trong một căn phòng ở chi nhánh TPHCM của báo Nông Nghiệp Việt Nam, nhà thơ Thanh Tùng cặm cụi đọc thơ, bình thơ do bạn đọc và cộng tác viên khắp nơi gửi về, với một niềm say mê bất tận.
Kỷ niệm 3 năm nhà thơ Thanh Tùng vĩnh biệt cõi sống mà ông tha thiết mến yêu, xin mời thưởng thức 3 bài thơ không có chất trữ tình như “Thời hoa đỏ” của ông.
LÊ THIẾU NHƠN (chọn và giới thiệu)
QUẢ TÁO HỒ CHÍ MINH
Năm xưa, trong bữa tiệc chiêu đãi của Chính phủ Pháp
Hồ Chí Minh nhóm một quả táo cho vào túi của mình
Điều ấy như một trái bom bất ngờ nổ
Không ai hiểu nổi
Những nhà nhiếp ảnh chớp vội
Sau rồi quả táo đến với bàn tay cô gái nghèo chạy chân trần trên quảng trường Paris
Sau rồi quả táo đến với hang cùng ngõ hẻm của phần nhân loại khốn khổ
Sau rồi quả táo làm sống lại hai triệu người Việt Nam chết đói năm 1945
Hôm nay trên đất nước mình không thiếu những tiệc tùng ầm ĩ
Càng không thiếu những người đang đói
Sao quả táo năm xưa không sống lại
Quả táo Hồ Chí Minh?
TPHCM, 1996
ĐÔI NẠNG
Ngày khai trường
Cha mua cho con đủ thứ
Nào sách bút, nào áo quần
Lại cả đồ chơi nữa
Nhưng cha ơi, cha quên sắm cho con đôi nạng mới
Vì đã hai năm qua, từ khi con bị bom
Đôi nạng cũ chẳng chịu cùng con lớn lên, cha ạ!
Hải Phòng, 1974
LẦN ĐẦU RA NƯỚC NGOÀI
Trong tôi nôn nao đầy sóng biển
Bây giờ tôi đã ở ngoài vòng tay Tổ quốc
Bây giờ tôi phải là tất cả
Từ ngọn cỏ dại quê hương đến máu những anh hùng
Như người thủy thủ sắp ra khơi kiểm tra lại phần nước ngọt
Tôi hát thầm bài Tiến Quân Ca.
Băng Cốc, 1995