| Hotline: 0983.970.780

Ứng tác suốt Thời hoa đỏ

Thứ Năm 31/05/2012 , 09:55 (GMT+7)

Những người quen biết nhà thơ Thanh Tùng khi kể về ông đều nói lên một điều độc đáo, đó là cái thú làm thơ ứng tác!

Nhà thơ Thanh Tùng
Giữa nắng hè gay gắt, câu hát “mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi” bỗng mang lại một sự lãng mạn, vừa dào dạt vừa tiếc nuối. Bài hát “Thời hoa đỏ” do nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ thơ Thanh Tùng đã trở nên rất quen thuộc với công chúng, nhưng cuộc đời lận đận và bôn ba của Thanh Tùng lại mang một cung bậc khác.

Nhắc đến nhà thơ Thanh Tùng có lẽ công chúng sẽ nhớ ngay đến bài thơ “Thời hoa đỏ”. Ngoài tác phẩm nổi tiếng ấy, những người quen biết nhà thơ Thanh Tùng còn có một điểm độc đáo nữa để kể về ông, đó là cái thú làm thơ ứng tác! Bất cứ cuộc gặp gỡ nào, dù là hội nghị long trọng hay tiệc tùng vui vẻ, chỉ cần đề nghị là Thanh Tùng ngay lập tức xuất khẩu thành… thi.

Ở tuổi 77, Thanh Tùng hồi tưởng: “Tính ra tôi đã làm thơ ứng tác khoảng nửa thế kỷ. Thời ấy, đời sống những năm chiến tranh rất kham khổ mà báo chí cũng ít ỏi lắm. Nếu viết bài thơ ra giấy để chờ in báo thì… mỏi cổ. Thế là tôi nảy sinh ý định gửi thơ cho gió, để giải tỏa những xúc cảm của mình và để giúp vui cho mọi người!”.

Từ đó, Thanh Tùng bước vào hành trình ứng tác thơ liên tu bất tận. Ông ứng tác thơ lúc đi thanh niên xung phong, ông ứng tác thơ lúc quai búa ở cảng Hải Phòng, ông ứng tác thơ lúc áp tải những chuyến xe hàng Bắc - Nam và ông tiếp tục ứng tác thơ khi vào Sài Gòn sinh sống. Phải gọi đúng nghĩa, Thanh Tùng là khổ chủ của những bài thơ ứng tác, vì đọc xong ông quên luôn, nhưng những người được nghe thỉnh thoảng vẫn nhớ!

Có độc giả hâm mộ từng đề nghị mua tặng Thanh Tùng một cái máy ghi âm để khi nào ông ứng tác thì thu lại, kẻo phí phạm. Tri ân tấm lòng tốt đẹp đó, song Thanh Tùng từ chối do ông vốn sợ khoa học kỹ thuật và phần nữa không muốn những ý tứ thăng hoa của mình bị rình rập bởi một sản phẩm công nghệ! Vậy nhà thơ Thanh Tùng đã ứng tác như thế nào? Đầu tiên Thanh Tùng yêu cầu người xung quanh ra đề tài, rồi ông lim dim đôi mắt và vung tay tung câu dài, câu ngắn lên… trời. Ai nghe được câu nào thì hay câu nấy, còn không thì đành… thưởng thức không khí trình diễn thơ. May mắn thay, những người từng chứng kiến Thanh Tùng ứng tác thơ đã kịp ghi lại vài câu để giai thoại đời ông thêm phẩm vị.

Ví dụ, một doanh nhân ngành bột giặt đã mời Thanh Tùng đến dự lễ kỷ niệm thành lập Cty, và có nhã ý muốn ông phát biểu. Giữa bao nhiêu quan khách com lê cà vạt nghiêm trang, Thanh Tùng phong phanh áo vải bước lên diễn đàn ứng tác luôn mấy câu: “Ngày xưa tổ tiên giặt bằng bồ hòn, mà sạch đến tận tâm hồn. Bây giờ nhân loại đã sang trang khác, mong các bạn tìm ra thứ xà phòng, có thể giặt sạch nỗi buồn chúng ta!”. Cử tọa quá bất ngờ, vỗ tay rần rần!

Do cả đời mê mải với thơ, đời sống vật chất của nhà thơ Thanh Tùng không khá giả gì. Một lần được bạn bè mời vào quán uống bia, nhìn thấy đứa bé bị tật khập khễnh qua từng bàn bán vé số, ông và mọi người đều ái ngại dõi theo. Đứa bé vừa đi khuất, có người hỏi Thanh Tùng nửa đùa nửa thật: “Ông có thể ứng tác bài thơ về hoàn cảnh vừa rồi không?”. Hai dòng nước mắt bỗng lăn dài trên khuôn mặt Thanh Tùng, ông đọc: “Tôi cay đắng cái nghèo. Không đủ tiền mua cho em một chiếc vé số. Mua cho tôi một niềm hy vọng. Và mua cho cuộc đời một chiếc vé vào tương lai!”

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.