Tôi được làm quen và trở nên thân thiết với gia đình nhà văn Sơn Tùng cũng như một cơ duyên. Quê ông ở làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, một xã ven biển của huyện Diễn Châu, Nghệ An, cách làng Cung Trài xã Diễn Hồng quê tôi chừng 3 cây số.
Vùng đất xung quanh làng tôi là nơi nhà văn Sơn Tùng thời trẻ từng công tác và tìm hiểu ngọn nguồn lịch sử từ làng Tây Hồ (Diễn Phong) đến Cung Trài, chùa Bốn (Diễn Hồng), Mỹ Quan (Diễn Yên) quê hương nhà cách mạng Phùng Chí Kiên...
Một vùng quê có truyền thống văn hóa lịch sử dường như thấm đẫm vào con người nhà văn Sơn Tùng. Nghe tiếng ông từ hồi còn bé, vậy mà phải 18 tuổi ra Hà Nội học đại học tôi mới có cơ hội được gần gũi nhà văn lớn của đất nước mình.
Ông niềm nở, thân tình tiếp tôi trọng thị như từng trọng thị, thân tình với tất cả những người khách đến nhà ông. Ông ở và làm việc trong một căn phòng ở tầng 2 cũ kỹ của khu tập thể Văn Chương, Hà Nội lẽ ra phải được thành phố phá dỡ xây lại từ lâu vì tuổi thọ đã “hết đát” của một công trình xây dựng từ thời bao cấp trước những năm Bảy mươi của thế kỷ trước.
Vậy mà bây giờ nó vẫn tồn tại, và căn phòng nhà văn thương binh với thương tật cao nhất trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước chỉ rộng chừng 28 mét vuông, không có công trình phụ, không kê nổi bộ bàn ghế tiếp khách nên thật vất vả, nan giải trong cuộc sống thường nhật. Các quan khách, lãnh đạo, các nhà văn, nhà báo, các “tao nhân mặc khách” trong nước và quốc tế đến nhà ông luôn ngồi trệt dưới sàn nhà mà tâm sự. Và cũng chưa thấy ai tỏ ý than phiền về sự bất tiện đó.
Tôi được chứng kiến, tháng 7 năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới thăm chúc mừng nhà văn Sơn Tùng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, ông cũng ngồi trệt dưới sàn nhà mà câu chuyện cứ rôm rả không dứt...
Nhà văn Sơn Tùng sinh ngày 8/8/1928 tại xã Diễn Kim, Diễn Châu tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống nho học, cách mạng. Ông nội từng theo nghĩa quân quan Nghè Nguyễn Xuân Ôn chống thực dân Pháp, em ông nội là cụ Tú Bùi Xuân Phong, bạn cùng khoa thi cử nhân ở Vinh với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Bác Hồ, khi cuộc kháng chiến Cần Vương thất bại thì bí mật cùng ông Hoàng Xuân Hành (em ruột ông Hoàng Xuân Đường, ông ngoại Bác Hồ) ra Yên Thế dâng kế sách theo Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân tiếp tục chống Pháp. Bố nhà văn là người sáng lập chi bộ Đảng tại làng Kim năm 1930, mẹ bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động năm 1930-1931. Bảy anh chị em của nhà văn Sơn Tùng đều là đảng viên, trong đó có một người em là liệt sỹ.
Được sinh ra trong một gia đình nho học, lên 5 tuổi, Sơn Tùng đã được cha mẹ khai tâm chữ Nho. Không may lên 9,10 tuổi, cha mất sớm gia đình lâm vào cảnh khó khăn, Sơn Tùng phải đi ở cho một nhà giàu ở làng Nhơn Trạch, huyện Yên Thành.
Tại đây, Sơn Tùng gặp được thầy giáo Tụ, làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu đang dạy học cho con chủ nhà. Mỗi lần thầy giáo Tụ giảng bài cho con chủ nhà ở gian trên, thì ngồi dưới bếp Sơn Tùng lắng tai nghe, lấy mẫu than tập viết theo.
Thấy đứa trẻ ở thuê mà ham học, thầy giáo Tụ thương tình mua giấy bút rồi viết sẵn vào vở để cậu bé mang theo bên mình lúc đi chăn trâu. Bằng cách học như vậy Sơn Tùng đã đọc thông viết thạo và thuộc nhiều sách in chữ Quốc ngữ, như Truyện Kiều, Chinh Phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc...
Thầy Tụ còn khuyên nhắc chủ nhà cần cư xử phải đạo với những đứa trẻ như Sơn Tùng, là người có giáo dục nhưng do hoàn cảnh sa cơ mà đi ở tạm.
Câu chuyện này nhà văn Sơn Tùng có kể lại với tôi, bởi với ông kỷ niệm xa xưa đó theo suốt cuộc đời, góp hình thành nên tình yêu thương con người, vì con người theo ông, đó là đạo lớn nhất của một người cầm bút. Chẳng thế mà suốt đời mình, Sơn Tùng luôn tâm niệm: “Đạo là gốc của văn” là vì thế.
Có ý khí tự lập, có vồn văn hóa bước đầu, Sơn Tùng sớm tham gia họat động cách mạng cũng là điều hiển nhiên. Ông tích cực tham gia công tác ở Đoàn thanh niên cứu quốc từ xã nhà, lên huyện và thoát li lên tỉnh.
Năm 1948, tròn 20 tuổi Sơn Tùng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Hơn mười năm công tác ở Nghệ An ông thường có mặt ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất.
Thời gian này ông được làm quen với nhiều văn nhân nổi tiếng của xứ Nghệ, đặc biệt là được gặp cụ Nguyễn Thị Thanh, cụ Nguyễn Sinh Khiêm, chị gái và anh trai Bác Hồ. Đây chính là cơ duyên bắt đầu hình thành trong tư tưởng nhà văn con đường sáng tạo về Bác Hồ và gia đình của Người...
Năm 1954, Sơn Tùng chuyển ra Hà Nội học và làm giảng viên tại trường Đại học Nhân dân. Ông còn tham gia Chính trị viên đoàn văn công tham gia Liên hoan học sinh sinh viên thế giới lần thứ V tại Vacsava, Ba Lan.
Sau thời gian dạy học ở trường Đại học nhân dân và dạy báo chí ở trường Tuyên huấn Trung ương, ông được điều về làm Báo Nông nghiệp từ năm 1962 (này là Báo Nông nghiệp Việt Nam). Sau đó ông về báo Tiền Phong làm phóng viên, được cử đi tuyến lửa khu IV làm phóng viên thường trú khi để quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.
Cuối năm 1967, Sơn Tùng được Báo Tiền phong và Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ làm Phó Trưởng đoàn cùng một số anh em Báo Tiền phong vượt Trường Sơn vào chiến trường B2, miền Đông Nam bộ thành lập Báo Thanh niên giải phóng thuộc Hội Liên hiệp thanh niên giải phóng miền Nam.
Tại đây, ông làm Bí thư chi bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đoàn Thanh niên giải phóng miền Nam, phụ trách tờ báo. Ngày 15 tháng 4 năm 1971, trong một trận càn của Mỹ vào căn cứ, ông bị thương nặng liệt tay phải, vỡ tay trái, ba mảnh đạn găm vào sọ não đến nay không mổ lấy ra được, mắt phải chỉ còn 1/10.
Khi bị thương, người cứu ông và cõng ông đi cứu chữa là đồng chí Sáu Phong, thủ trưởng cơ quan- sau này là Chủ tịch nước. Sơn Tùng được bộ đội cáng ngược Trường Sơn ra Bắc điều trị. Do vết thương quá năng, ông được đưa sang Trung Quốc điều trị 3 tháng, không khỏi, ông xin về nước tự điều trị.
Vậy là từ năm 1979, từ Báo Tiền phong, nhà văn Sơn Tùng về nghỉ hưu, là thương binh với thương tật cao nhất. Lần trọng thương năm 1971 vẫn dai dẳng với 14 vết thương trên người, vỡ tai trái, tay phải liệt, 3 mảnh đạn găm sọ não, mất 81% sức.
Từ đây ông bước vào cuộc chiến đấu không cân sức với bệnh tật, giành giật mạng sống với thương tật để hối hả viết văn. Ông sợ sẽ không kịp sáng tạo những dự cảm lớn lao, những ước mơ văn chương đang đầy ắp trong tâm khảm mình.
Dẫu rằng thương tích đầy mình, cuộc sống khó khăn nhưng nhà văn Sơn Tùng vẫn tự đặt ra cho mình nhiệm vụ, phấn đấu trước hết phải viết cho được một cuốn sách về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh - một gia đình mà cả cha mẹ, anh chị em đều chiến đấu hy sinh vì dân tộc.
Để làm được điều đó, Nhà văn phải chắt chiu sức khỏe, rèn luyện khí công, tập thiền. Ông dùng dùng dây cao su cột ngón tay cái và ngón tay giữa để viết. Và hơn 10 năm trời, tay phải của ông mới cầm được bút. Rèn luyện có thêm tý sức khỏe, sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông được người vợ hiền trợ giúp “khăn gói quả mướp” gấp gáp đi nhiều tỉnh miền Nam để sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ mà ngày còn công tác ở Nghệ An cụ Nguyễn Thị Thanh và cụ Nguyễn Sinh Khiêm kể cho nghe.
Vì sao phải gấp gáp? Ông bảo sau giải phóng, các nhân chứng còn chưa đi xa, hồ sơ tài liệu chưa bị xáo trộn, mất mát, nên phải tranh thủ thời gian đi cho nhanh. Lại một cuộc chạy đua mới đối với ông. Hai vợ chồng bán hết mọi của cải, suốt ba tháng trời ròng rã đi hết các tỉnh miền Nam để làm công việc thiêng liêng, tìm hiểu tư liệu gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Phan Hồng Mai, phu nhân nhà văn từng tâm sự với tôi rằng, ngày ấy vết thương của Sơn Tùng hay tái phát, vì thế lúc thì bà dìu ông đi bộ, lúc thì bà ngồi đỡ ông sau xe lai, lúc ngồi xe lam chở chung với cả lợn gà trên khắp các nẻo đường miền Nam.
Hai vợ chồng lúc về Đồng Tháp sưu tầm tư liệu về cụ Nguyễn Sinh Sắc, lúc về Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, Vũng Tàu tìm hiểu về bà Lê Thị Huệ, người bạn gái thủy chung của Nguyễn Tất Thành thưở nào; lúc lại trở về Phan Thiết tìm trường Dục Thanh, nơi Nguyễn Tất Thành dạy học trước khi vào Sài Gòn vượt biển tìm đường cứu nước.
Trên khắp các nẻo đường ấy, nhiều bà con đồng bào miền Nam đã giúp đỡ vợ chồng nhà văn rất nhiệt thành. Trên đường đi, chỉ cần nghe vợ chồng nhà văn đi tìm hiểu về cụ Hồ liền được gặp ngay ánh mắt thân thiện, những cử chỉ dịch ra nhường ghế cho người thương binh, rót một cốc nước mời nhà văn uống tạm...
Thì ra một dòng văn trong tiểu thuyêt “Búp Sen xanh” của Sơn Tùng đã trải bấy nhọc nhằn, vất vả. Ông từng tâm sự, sáng tạo về hình tượng Bác Hồ, về các đồng chí lãnh đạo Đảng không thể đơn giản, sưu tầm được tư liệu phải so sánh đánh giá để chính xác thì mới gọi là tư liệu gốc. Từ tư liệu đến sáng tạo hình tượng phụ thuộc vào tài năng của nhà văn.
Tính đến nay, nhà văn đã viết và xuất bản gần 30 đầu sách, trong đó hơn một nửa là sáng tạo về Bác Hồ và các danh nhân cách mạng. Một số lượng tác phẩm thật là đồ sộ. Nổi bật nhất là cuốn "Búp Sen Xanh" đã 30 lần tái bản và các tác phẩm tiêu biểu như Kỷ niệm tháng Năm, tiểu thuyết Trái tim quả đất, Bông Sen vàng, Hoa râm bụt, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác ở nơi đây, kịch bản phim truyện Hẹn gặp lại Sài Gòn, Con đường và con người, Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ cờ Tổ quốc...
Ngoài việc sáng tác, nhà văn còn là một nhà diễn thuyết về đề tài Bác Hồ, về tư tưởng Hồ Chí Minh với hơn 500 buổi nói chuyện, thuyết trình trước các cơ quan, đơn vị và công chúng cả nước. Ông đã dốc hết mình, vắt kiệt sức để sáng tạo thành công về Bác Hồ, để tuyên truyền về Bác, về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Có những ngày ông làm việc quá say mê, quá sức theo dòng văn đang tuôn chảy, máu từ vết thương ứa ra chảy thấm vào cổ áo mà không biết. Qua cơn đau, ông lại cầm bút viết, viết hối hả. Ông tin những điều ông nói, những trang văn ông viết sẽ chạm đến trái tim, tình cảm của mọi người, sẽ lan tỏa điều tử tế, việc làm tốt cho cuộc sống mà chính ông và các thế hệ nhà văn Việt Nam buộc phải cấm súng và cầm bút.
Chính vì cuộc chạy đua không cân sức với thương tật, tuổi tác, vắt kiệt sức cho sáng tạo, lao động quên mình cho những trang văn, Sơn Tùng bị tái phát vết thương, tai biến nặng buộc phải dừng bút từ năm 2010.
Suốt 11 năm nằm chữa bệnh tại gia, ông buộc phải lắng tai nghe âm thanh cuộc sống từ vợ con, từ chiếc radio nhỏ xíu do Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ tặng để nghe làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, từ những cuộc thăm hỏi của người thân, bạn hữu...
Ông ra đi vào 23h05 phút ngày 22/7/2021, đúng ngày cách đây 10 năm ông đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động từ tay trao của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.
Với một nhà văn thương binh thương tật cao nhất, trong điều kiện ngặt nghèo về cuộc sống, suốt đời với cây bút và trang giấy, nhà văn Sơn Tùng vừa chiến đầu với vết thương, vừa chiến đấu với thiếu thốn, vừa đấu tranh với những quan niệm cổ hủ về về sáng tạo văn học để sáng tác và bảo vệ tác phẩm của mình.
Sau mỗi trang văn để đời là tâm huyết, là máu và mồ hôi, nước mắt được Sơn Tùng chắt chiu chưng cất bằng lửa nóng của một nhân cách lớn. Ông đến với văn chương để chở đạo cuộc đời. Để góp cho cuộc đời ánh sáng văn hóa, ánh sáng của lòng yêu thương con người.
Vì thế, đối với Sơn Tùng, cao hơn mọi giải thưởng và danh hiệu là những tác phẩm của ông được bạn đọc tìm đến, để từ trang sách sẽ nhân lên những chuyện tử tế, những con người tử tế trên quê hương ông, trên đất nước chúng ta.
Sơn Tùng từ giã cõi trần nhưng cuộc đời ông đã hóa vào tác phẩm, sẽ còn mãi với tất cả chúng ta!