Nhà văn Lê Minh tên thật Nguyễn Thị Tài Hồng, sinh năm 1928. Nhà văn Lê Minh là con gái út trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977). Nếu như người anh cả Nguyễn Tài Khoái hy sinh năm 1947 và người anh thứ là Nguyễn Tài Đông từng làm thứ trưởng Bộ Công an, thì nhà văn Lê Minh chọn con đường nối nghiệp cha mình.
Nhà văn Lê Minh vào nghề viết với tập truyện “Cu Dũng” in năm 1959 và trở thành một gương mặt nữ tiêu biểu nhất của văn học cách mạng. Nhà văn Lê Minh đặc biệt thành công với thể loại ký sự nhân vật, mà hai cuốn sách tiêu biểu nhất là “Người chị - Nguyễn Thị Minh Khai” và “Người thợ máy Tôn Đức Thắng”.
Nhà văn Lê Minh từng đạt Giải nhất Cuộc thi ký của Hội Nhà văn Việt Nam 1962 với tác phẩm ”Kỷ niệm về Khu Đông”, Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam 1969 với tác phẩm “Nắng”, Giải A Văn học đề tài công nhân (1980-1984) với tiểu thuyết ”Hòn đảo một mình”, Giải A Văn học đề tài công nhân (1991-1995) với tiểu thuyết “Hồi”.
Năm 2017, nhà văn Lê Minh được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Ngoài sáng tác, nhà văn Lê Minh còn là một nhà báo. Bà từng phụ trách tờ báo “Mê Linh kháng chiến” và có nhiều năm làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ của báo Nhân Dân. Trong cuốn tự truyện “Cánh buồm nhỏ” phát hành năm 2007, nhà văn Lê Minh tâm sự: “Trong đời sống tâm linh, không có dấu ấn của thời gian, không có sự cách biệt âm dương. Và tình yêu gắn kết gia đình có những bí ẩn thiêng liêng đầy sức mạnh, không thể tìm cách lý giải. Chỉ biết nó ngọt ngào, nó chở che, an ủi, luôn đánh thức trong ta sự sáng suốt tinh tường. Còn ta, dù bao nhiêu tuổi, vẫn chỉ là cái Bống…”.
Từ khi nghỉ hưu, nhà văn Lê Minh dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm và biên soạn về sự nghiệp sáng tác của cha mình, đáng kể nhất là công trình “Nguyễn Công Hoan, nhà văn hiện thực lớn”.
Vì tuổi cao sức yếu, nhà văn Lê Minh đã vĩnh biệt cõi trần lúc 17h15 chiều 11/6 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 94 tuổi. Tang lễ của nhà văn được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 17/6 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông sau đó an táng tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, Hà Nội.