Nhà văn Phan Quang sinh năm 1928 tại Quảng Trị. Nhà văn Phan Quang rất thành công trong lĩnh vực báo chí, và từng đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Thông tin. Nhà văn Phan Quang cũng là dịch giả nổi tiếng, với hai tác phẩm chuyển ngữ “Nghìn lẻ một đêm” và “Nghìn lẻ một ngày”
Cùng kể những câu chuyện trên đường như đặc trưng vốn dĩ của thể loại du ký, “Tiếc nuối hoa hồng” của nhà văn Phan Quang lại mang màu sắc khác biệt. Điểm khác biệt ấy đến từ vốn sống, vốn kiến thức, và cả vị trí xã hội của người viết, khiến cho những bút ký trong cuốn sách này vừa là chuyện kể về những trải nghiệm, chuyến đi, vừa là những câu chuyện văn hóa, lịch sử, đôi khi cả chuyện chính trị, với những cuộc gặp gỡ, tiếp tân mà không phải ai cũng có cơ hội tham gia.
Tập du ký “Tiếc nuối hoa hồng” gồm 50 bài viết kèm hình ảnh minh họa, ghi chép những chuyến đi qua khoảng 20 nước thuộc năm châu lục Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi của nhà văn, nhà báo, nhà đối ngoại Phan Quang.
Trong tập sách “Tiếc nuối hoa hồng”, lượng bài viết tuy không lớn, và chỉ kể về khoảng 20 nước trong số rất nhiều nước mà Phan Quang đã đi qua, tập trung nhất vào Pháp và Trung Quốc, nhưng vẫn thể hiện dấu ấn rõ nét của tác giả.
Đọc “Tiếc nuối hoa hồng”, độc giả không những được cùng tác giả khám phá những điều mới mẻ trên hành trình, mà còn được nghe kể biết bao câu chuyện thú vị về văn hóa, lịch sử, chính trị, ngôn ngữ… ở mỗi nơi đi qua, bằng một lối kể chuyện duyên dáng của người học thức và đã từng đi khắp đó đây.
Ví dụ, “Dạo bước trong Điện Luxembourg”, nhà văn Phan Quang kể, cùng là những đại văn hào đã được tạc tượng đặt trong Điện ấy, nhưng sinh thời Victor Hugo là một Thượng Nghị sĩ nên đã đi qua cửa lớn, được hai hàng lính gác bồng súng đón chào như thế nào, còn Anatole France thì lại là một viên chức làm việc trong thư viện, nên đã vào Điện qua lối cửa nhỏ dành cho viên chức ra sao.
Tất cả những câu chuyện tương tự như vậy, được nhà văn Phan Quang kể bằng một giọng nghiêm ngắn, nhưng không kém phần duyên dáng, ý nhị. 50 bài viết, 50 câu chuyện cứ thế nhỏ nhẹ nối tiếp nhau, đầy cuốn hút.
“Tiếc nuối hoa hồng” có dung lượng khá lớn, gần 700 trang in màu với hình ảnh minh hoạ chụp tại từng địa danh. Được biên tập chỉn chu, cuốn sách cũng được thiết kế bìa mềm gọn ghẽ, thuận tiện cho người đọc và góp phần giảm giá thành sách để ai cũng có thể tiếp cận với những trang viết thú vị này.
“Tiếc nuối hoa hồng” một lần nữa chứng minh phong cách du ký của Phan Quang. Phong cách ấy, từng được nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014) nhận xét: “Tôi thấy một Phan Quang – nhà văn tâm hồn và văn phong chan hòa ruột thịt với phong cách nhà báo. Phải uyên thâm, lão luyện nghề báo nghề văn đến mức thế nào mới sáng tạo được những nét riêng từ cái nghĩ, cái chữ như thế được. Nghề báo bổ sung, điều hòa và chỉnh đốn cái mơ màng vô biên của anh nhà văn”.