Nhà văn Trần Huy Quang sinh ngày 9/11/1943 tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nhà văn Trần Huy Quang tốt nghiệp khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và từng là bộ đội pháo binh.
Nhà văn Trần Huy Quang cũng có thời gian phụ trách thanh niên xung phong rồi dạy văn hóa trong quân đội.
Sau khi giải ngũ, nhà văn Trần Huy Quang làm phóng viên báo Độc Lập, sau đó chuyển sang làm biên tập viên báo Văn Nghệ cho đến ngày nghỉ hưu.
Bắt đầu cầm bút khi là một binh nhì, nhà văn Trần Huy Quang xuất hiện trên văn đàn với truyện ngắn khởi nghiệp “Anh Hộ” in tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1968. Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Trần Huy Quang có thể kể đến tập truyện ngắn “Sự trắc trở đã qua” (1984) tiểu thuyết “Ngày mai” (1985) tiểu thuyết “Ngọn khói” (1986) tập truyện ký “Người làm chứng” (1988), tiểu thuyết “Nước mắt đỏ” (1989) tiểu thuyết “Mối tình hoang dã” (1990) tiểu thuyết “Chị dâu” (1994) tiểu thuyết “Khúc hoàn lương” (1995) tiểu thuyết “Những cô gái Đồng Lộc” (1998)
Không chỉ nổi tiếng với sáng tác văn học, nhà văn Trần Huy Quang còn là một cây bút ký sự cự phách. Ông có bút ký “Câu chuyện về ông vua lốp” đoạt giải nhất cuộc thi báo Văn Nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1986, và bút ký “Lời khai của một bị can” được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987.
Bút ký “Câu chuyện về ông vua lốp” của nhà văn Trần Huy Quang từng gây xôn xao dư luận một thời. Nhà văn Trần Huy Quang đã dùng bút danh Nhật Linh khi công bố bút ký này, và được giải nhất đồng hạng cùng “Ký ức đồng chiêm” của Trần Hữu Thung và “Gặp lại Anh hùng Núp” của Thao Trường.
Nhà văn Trần Huy Quang nhập viện điều trị cách đây 2 tuần vì phát hiện khối u ở phổi. Căn bệnh diễn biến quá nhanh, ông đã lặng lẽ ra đi vào hoàng hôn hôm nay 15/12/2022.
Sinh thời, nhà văn Trần Huy Quang là một người khiêm cung và bộc trực, đúng cốt cách nhân sĩ xứ Nghệ. Ông không có nhu cầu khoa trương điều gì trước đám đông. Ông chỉ có nhu cầu nghĩ và viết.
Nhà văn Trần Huy Quang quan niệm về nghề văn: “Có mỏng manh một cách dũng cảm, nhỏ nhoi một cách lớn lao, quên mình như một đấng sáng tạo. Không có cô là một sự thiếu vắng, là một khoảng trống trong thế gian.
Những điều cô nói ra với tôi không nhiều, nhưng những gì cô tưởng tượng ra, những hình ảnh mà cô gợi ra trong tâm trí tôi là thiên nhiên và và sự sống, là sự tươi tốt và nhân bản, để nhằm an ủi một người thiệt thòi là tôi, nâng tôi lên trong cơn tuyệt vọng, đưa tôi vượt qua sự chán nản và đừng ngả lòng trước những hiểm họa và thất vọng”. Đây là hình ảnh cô gái trong truyện ngắn “Khoảng trống” (2008) của tôi. Những điều cô tưởng tượng ra là văn học. Và cô gái chính là hiện thân của nhà văn”.