Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh có tên khai sinh là Lê Thành Yến, quê quán ở xã Bình An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Sau một thời gian tham gia phong trào tranh đấu tại đô thị Sài Gòn, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh vào chiến khu năm 1972, rồi được cử ra Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du khóa 1974-1975.
Đất nước thống nhất, Lê Duy Hạnh xuất hiện trên văn đàn với tập truyện ký “Chim bay đường phố”, và rẽ hướng sang lĩnh vực sân khấu. Năm 1984, Lê Duy Hạnh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bằng tư cách một nhà viết kịch.
Từ kịch bản đầu tay “Tâm sự Ngọc Hân”, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh đã chứng minh sở trường khai thác các yếu tố lịch sử. Nhiều tác phẩm tiếp theo của Lê Duy Hạnh như “Hoa độc trong vườn”, “Vua thánh triều Lê”, “Lý Chiêu Hoàng”, “Hoàng hậu của hai vua”, “Hồn thơ ngọc”, “Dời đô”, “Nỏ thần”, “Chiếc áo thiên nga”... đã chứng tỏ ông là một trong những tác giả tiêu biểu nhất ở thể loại kịch lịch sử.
Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh quan niệm: “Tôi ít khi sáng tác đề tài lịch sử theo hướng xung đột ta thắng, địch thua. Viết kịch lịch sử dân tộc không chỉ diễn đạt lại những sự kiện có sẵn, mà phải khai thác, tạo ra những nhân vật “đắt”. Những chi tiết “đắt” ở những nhân vật "đắt" đôi khi chỉ xuất hiện rất ngắn nhưng lại chuyển tải được suy nghĩ của con người hôm nay.
Tôi không đặt ra tỉ lệ hư cấu bao nhiêu phần trăm trong một kịch bản lịch sử. Quan trọng là giữa yếu tố có thật và yếu tố hư cấu phải quyện vào nhau, thành một giá trị thẩm mỹ”.
Dù luôn ứng xử mềm mỏng và lễ độ, nhưng nhà viết kịch Lê Duy Hạnh vẫn hiển lộ một con người sắc sảo và bản lĩnh. Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh luôn tìm tòi những hình thức thể hiện mới mẻ cho kịch bản sân khấu. Ngoài cấu trúc linh hoạt, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh rất chăm chút lời thoại các nhân vật "nói câu nào ăn tiền câu ấy".
Khi viết kịch bản lịch sử, Lê Duy Hạnh thường căn cứ vào sử liệu của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên. Còn khi viết kịch bản về cuộc sống hiện đại, Lê Duy Hạnh cũng phô bày được tầm quan sát bao quát và khả năng lý giải đáo để của ông. Một số kịch bản của Lê Duy Hạnh khi công diễn lên sân khấu, đã khiến công chúng phải suy ngẫm, phải day dứt như “Hồn tuồng”, “Diễn kịch một mình”, “Trở về miền nhớ”, Thần tượng thực”, “Sáng mãi niềm tin”...
Đặc biệt, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh là một trong số ít tác giả sân khấu không ngần ngại đưa những biểu hiện tiêu cực gây nhức nhối cộng đồng vào thế giới kịch nghệ. Chẳng hạn, kịch bản “Dốc sương mù” phê phán thẳng thừng sự tệ hại mà chủ nghĩa lý lịch đè nén sức cống hiến của những trí thức cầu tiến, hoặc kịch bản “Dòng sông đầm lầy” phản ánh sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ tha hóa.
Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh bày tỏ về nghề nghiệp mà ông dành cả đời theo đuổi: “Những gì viết ra là của mình, nhưng đánh giá thế nào là của người khác. Khi viết một kịch bản, tôi phải trả lời ba câu hỏi. Thứ nhất, mình cần nói gì? Thứ hai, công chúng có chia sẻ với mình không? Thứ ba, bạn bè và đồng nghiệp thấy mình có nên viết ra không?”.
Ngoài việc sáng tác, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy các hoạt động sân khấu. Ông có nhiều năm làm Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM và Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hăng hái cổ vũ mô hình xã hội hóa sân khấu và kiên trì nâng đỡ những vở diễn thể nghiệm.
Đã từng ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi tuyển chọn tài năng sân khấu, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh ưu tư cho tương lai cải lương Nam bộ: “Nếu chỉ phát hiện và đào tạo những giọng ca mới thì chưa đủ, mà đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật phải đầu tư một cách đồng bộ hơn nữa. Ví dụ, sau khi tuyển chọn được những giọng ca xuất sắc, các đoàn hát phải nhất thiết trưng dụng những thầy tuồng nhanh chóng sáng tác những bản vọng cổ hoặc vai diễn, vở tuồng theo kiểu “đo ni, đóng giày” cho từng giọng ca. Đồng thời, các đoàn hát cũng phải chú trọng đến đội ngũ thầy đờn”.
Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh tuổi Đinh Hợi 1947, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, cho các kịch bản “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, “Mặt trời đêm thế kỷ” và “Trời Nam”.
Bây giờ, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh đã theo “hồn tuồng” để “trở về miền nhớ”. Quy luật sinh tử thì làm sao tránh được. Thế nhưng, những ai tha thiết với sàn diễn bỗng ái ngại nhận ra, phía sau nhà viết kịch Lê Duy Hạnh đang có một khoảng trống tác giả sân khấu có trình độ và tâm huyết như ông.