| Hotline: 0983.970.780

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ một thời say đắm ba nàng thơ

Thứ Bảy 26/08/2023 , 06:51 (GMT+7)

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ không chỉ đóng góp cho sân khấu nhiều tác phẩm lừng danh, mà còn khiến công chúng xao xuyến với chuyện tình cùng ba nàng thơ.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ qua nét ký họa của Bùi Xuân Phái.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ qua nét ký họa của Bùi Xuân Phái.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948, mất ngày 29/8/1988. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Công chúng ngưỡng mộ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ không chỉ bởi những vở diễn “Tôi và chúng ta”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Tin ở hoa hồng”, “Lời thề thứ 9”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Lời nói dối cuối cùng”... có sức rung động mạnh mẽ, mà còn bởi trái tim đa cảm mà ông thổ lộ trong thơ “đã có lần tôi muốn nguôi yên/ khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng/ nhưng vô ích làm sao quên được/ những yêu thương khao khát của đời tôi”.

Tác phẩm sân khấu có thể kết tinh từ quan sát và chiêm nghiệm, còn tác phẩm thi ca chính là biên bản tâm hồn của tác giả. Tất cả những vui buồn riêng tư của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đều phơi bày qua thơ. Cho nên, từ thơ Lưu Quang Vũ có thể nhận diện ba nàng thơ từng khiến ông mơ màng và say đắm.  

Nàng thơ thứ nhất là diễn viên Tố Uyên. Cùng tuổi với Lưu Quang Vũ, nhưng Tố Uyên đã nổi tiếng từ thời niên thiếu với vai chính trong bộ phim “Con chim vành khuyên” của đạo diễn Nguyễn Văn Thông. Bài thơ “Hơi ấm bàn tay” được Lưu Quang Vũ viết năm 1967 để tặng Tố Uyên: “Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình/ Điều chưa nói thì bàn tay đã nói/ Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại/ Còn bồi hồi trong những ngón tay ta/ Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa/ Nhập luồng nước, hoà nhau màu sắc/ Trao cảm thương hay bàn tay nắm chặt/ Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình”.

Lưu Quang Vũ - Tố Uyên trong ngày cưới.

Lưu Quang Vũ - Tố Uyên trong ngày cưới.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và diễn viên Tố Uyên làm đám cưới năm 1969. Cuộc hôn nhân của họ kéo dài được 3 năm và có một con trai là Lưu Minh Vũ. Khoảnh khắc chia tay cũng được Lưu Quang Vũ ký thác ở bài thơ “Nói với con cuối năm” nghẹn ngào: “Con ơi, con hãy tha thứ cho cha/ Cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được/ Đời cha nắng gắt/ Mẹ con cần suốt mát của đồng vui/ Con khôn lớn trên đời/ Hãy yêu thương mẹ/ Và hãy hiểu cho cha”.

Nàng thơ thứ hai là nữ sĩ Xuân Quỳnh. Thuở nhỏ, Lưu Quang Vũ vẫn thường xưng hô “cô Quỳnh” với nữ sĩ Xuân Quỳnh lớn hơn 6 tuổi. Họ đến với nhau vào năm 1973, sau khi Lưu Quang Vũ ly dị diễn viên Tố Uyên và nữ sĩ Xuân Quỳnh ly dị người chồng đầu tiên.

Bài thơ “Và anh tồn tại” được Lưu Quang Vũ viết tặng Xuân Quỳnh: “Anh lạc bước, em đưa anh trở lại/ Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi/ Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh/ Khi những điều giả dối vây quanh/ Bàn tay ấy chở che và gìn giữ/ Biết ơn em, em từ miền cát gió/ Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng/ Anh thành người có ích cũng nhờ em/ Anh biết sống vững vàng không sợ hãi/ Như người làm vườn, như người dệt vải/ Ngày của đời thường thành ngày ở bên em”.

Nữ sĩ Xuân Quỳnh qua nét vẽ của Trần Thế Vĩnh.

Nữ sĩ Xuân Quỳnh qua nét vẽ của Trần Thế Vĩnh.

Tai nạn giao thông khủng khiếp ngày 29/8/1988 đã cướp đi sinh mạng vợ chồng Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và đứa con chung của họ là Lưu Quỳnh Thơ. Bài thơ cuối cùng Lưu Quang Vũ dành tặng Xuân Quỳnh có tên gọi “Thư viết cho Quỳnh trên máy bay” đề ngày 7/5/1988, với nhiều câu day dứt: “Có phải vì mười lăm năm yêu anh/ Trái tim em đã mệt/ Cô gái bướng bỉnh/ Cô gái hay cười ngày xưa/ Mẹ của các con anh/ Một tháng nay nằm viện/ Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng/ Một mình em với giấc ngủ chập chờn/ Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn/ Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt/ Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật/ Vẫn là gã trai nông nổi của em/ Người chồng đoảng của em/ 15 mùa hè chói lọi/ 15 mùa đông dài”.

Nàng thơ thứ ba là họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Lớn hơn nhà viết kịch Lưu Quang Vũ 2 tuổi, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền là con gái của nhà văn Kim Lân. Hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền từ nhỏ đã được ca ngợi như một thần đồng mỹ thuật. Giai đoạn yêu họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã có những vần điệu mà ông gọi là “Thơ tình về một người đàn bà không có tên”.

Tình yêu Lưu Quang Vũ và họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chỉ thăng hoa giữa khoảng trống hai cuộc hôn nhân của Lưu Quang Vũ với diễn viên Tố Uyên và nữ sĩ Xuân Quỳnh. Thế nhưng, mối tình với họa sĩ Nguyễn Thị Hiền để lại cho Lưu Quang Vũ nhiều câu thơ hay đến mức ám ảnh.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền giai đoạn 'những bức tranh nổi gió ở trên tường'

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền giai đoạn "những bức tranh nổi gió ở trên tường"

Bài thơ “Lá thu” mà Lưu Quang Vũ viết tặng hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền khi ông nhìn người yêu đang vẽ tranh, có thể xem là một trong những bài thơ tình hay nhất của ông: “Những lá thư không biết gửi về đâu/ Những hải cảng không có tàu cập bến/ Quen thất vọng, tôi hồ nghi mọi chuyện/ Tìm trong mắt em náo động những chân trời/ Ngõ phố dài hôm ấy mưa rơi/ Đã xa vắng trên mặt đường sắc lạnh/ Tóc em rối và áo em đỏ thắm/ Những bức tranh nổi gió ở trên tường/ Thế giới xanh xao những sự thật gầy gò/ Em đã đập vỡ ra từng mảnh/ Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh/ Em đi tìm thế giới của riêng em/ Tình yêu và nỗi khổ của riêng em/ Niềm tin lớn giữa cuộc đời vô lý/ Nghĩ về em bao buổi chiều lặng lẽ/ Tìm trong em bao khát vọng không ngờ”.

Kỷ niệm 35 năm nhà viết kịch Lưu Quang Vũ rời xa dương gian, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu câu chuyện “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ gửi lại ba mối tình thơ” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h ngày 26/8.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm