| Hotline: 0983.970.780

Nhạc sĩ Phạm Tuyên về quê với khúc đồng dao của bé

Chủ Nhật 03/11/2024 , 16:17 (GMT+7)

Nhạc sĩ Phạm Tuyên ở tuổi 94 vẫn dạt dào cảm xúc với cuộc đời, khi thực hiện tập sách ‘Về quê’ gồm những khúc đồng dao dành cho thiếu nhi.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên gắn liền với những ca khúc nổi tiếng “Đảng đã cho ta mùa xuân”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Chiến đấu vì độc lập tự do”, “Gửi nắng cho em”, “Con kênh ta đào”, “Bài ca người thợ rừng”…

Với đối tượng thiếu nhi, nhạc sĩ Phạm Tuyên có nhiều ca khúc quen thuộc như “Tiến lên Đoàn viên”, “Chiếc đèn ông sao”, “Cô và mẹ”, “Cánh én tuổi thơ”… Vì vậy, viết cho thiếu nhi cũng là một đam mê thường trực ở nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Đồng dao là một sản phẩm văn hoá tinh thần quan trọng ở làng quê Việt Nam, là loại hình dân ca sinh hoạt đặc thù, được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, hầu như chỉ dùng cho trẻ em hát. Có khi người lớn cùng hát và bao giờ cũng do người lớn đặt ra rồi dạy cho trẻ em. Các bài đồng dao thường có tính chất nhẹ nhàng, dễ nghe, dễ thuộc để dễ in vào tâm trí trẻ nhỏ thông qua các hình ảnh, sự vật sống động, gần gũi. Thông qua các bài đồng dao, trẻ em hiểu hơn về thế giới bên ngoài, các em sẽ được gặp chị ngô, cô đậu nành, hay anh dưa chuột…

Thế giới ngày càng phát triển, những bài đồng dao lại dần mất đi vị trí trong tâm trí trẻ thơ. Cảnh tượng trẻ em quây quần dưới trăng sáng, chơi trò chơi, hát đồng dao cũng không còn nhiều. Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng cùng vợ mình – Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết (1936-2009) sưu tầm nhiều bài đồng dao để hỗ trợ cho Khoa Giáo dục Mầm non của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bây giờ, ông lại phối hợp với con gái út Phạm Hồng Tuyến để thực hiện tập sách “Về quê” với những bài đồng dao phổ nhạc.

Những bài đồng dao quen thuộc như “Mau mau tỉnh dậy”, “Thương con ba ba”, “Rềnh rềnh ràng ràng”, “Con cò đi đón cơn mưa”, “Bà còng đi chợ”, “Gánh gánh gồng gồng”, “Bầu và bí” được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc với giai điệu trong sáng. Tập sách “Về quê” xâu chuỗi những bài đồng dao thành một câu chuyện giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng, nuôi dưỡng điều hay lẽ phải và thêm yêu vẻ đẹp môi trường thiên nhiên.

Tập sách “Về quê” xoay quanh chuyến thăm quê nội của cô bé Na vào dịp nghỉ lễ. Na là một cô bé hồn nhiên, lí lắc, hay tò mò, ham tìm hiểu các sự vật xung quanh. Đến với làng quê thanh bình với thiên nhiên tươi đẹp và những con người hồn hậu của bà nội, Na đã được gặp Chim Ri, Sáo Sậu, Cồ Cộ, Tu Hú. Na đã cùng các bạn tập thể dục và hát vang bài Mau mau tỉnh dậy.

Na còn được gặp một người bạn họ hàng với cụ Rùa, sống ở dưới ao nhà bà, có cái đầu có thể thò ra, thụt vào, lúc la lúc lắc. Bà nội đã dạy Na bài Thương con ba ba để Na có những kỉ niệm đẹp về người bạn mới này.

Tập sách 'Về quê' với những khúc đồng dao của bé.

Tập sách "Về quê" với những khúc đồng dao của bé.

Ở quê nội, Na còn được cùng Tí, Tèo, Thóc, Gạo trải nghiệm công việc ở xưởng dệt lụa truyền thống. Ai nấy đều vui vẻ, cười khúc khích và hát vang bài đồng dao “Rềnh rềnh ràng ràng”. Sau cả ngày bận rộn những với trải nghiệm mới mẻ, đến tối, Na còn được bà nội hát ra bài “Cái cò đi đón cơn mưa” là bài hát ru mà ngày xưa bà nội vẫn thường hát ru cho bố Na nghe.       

Trên đường đi chợ mua đồ ăn sáng cho Na, bà nội đã đánh rơi tiền khi rút khăn từ trong túi ra để lau mồ hôi. May sao có hai bạn Tôm và bạn Tép nhặt được, liền chạy đến trả lại cho bà, đã thế còn đưa bà nội của Na về tận nhà. Vậy là Na lại có thêm hai người bạn mới và biết thêm một bài hát mới “Bà còng đi chợ”.

Quen nhiều bạn mới, trải nghiệm nhiều chuyện lạ, trong những ngày ở quê nội, Na còn được chú Tâm hàng xóm tặng cho một em búp bê được tết bằng rơm. Na reo lên trong những giai điệu êm ái, ngọt ngào của Cái bống là cái bống bình.

Na còn được cùng các bạn tham gia lễ hội đình làng với các sản vật thơm ngon, đặc trưng và những tiết mục thú vị. Lần đầu tiên Na được cô Trúc cho gánh thử quang gánh. Bài hát Gánh gánh gồng gồng vang lên trong những tiếng cười rộn rã của sân đình. Trong không khí tưng bừng, rộn rã ấy vậy mà Tôm và Tép lại đến muộn. Hoá ra trên đường ra đình làng, Tôm, Tép đã ghé vào nhà hai bạn Thóc, Gạo vì mẹ hai bạn bị ốm, bố lại đi làm xa. Thấy vậy, mọi người đang vui chơi ở lễ hội đồng loạt nhất trí cùng nhau để thăm hỏi mẹ con Thóc, Gạo.

Tình làng nghĩa xóm thân thương, mặn nồng cùng những câu từ ngọt dịu của bài hát “Bầu và Bí” vang lên da diết, khép lại chuyến về thăm quê nội của Na với biết bao điều thú vị và những con người thân thương – điều mà Na thường mơ thấy trong những giấc mơ êm đềm của mình.

Điểm đặc biệt của tập sách “Về quê” là có sự kết hợp giữa sách giấy và sách nói. Ở đầu mỗi câu chuyện và trong các bài nhạc đều có mã QR. Độc giả nhí sẽ có những trải nghiệm nghe đọc truyện với giọng đọc vô cùng diễn cảm và lắc lư theo các điệu nhạc khi quét các mã QR đó.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên hé lộ, “Về quê” là cuốn đầu tiên trong bộ sách “Khúc đồng dao của bé” dự kiến gồm 5 tập, giới thiệu khoảng 100 bài đồng dao đến thiếu nhi.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.