Nhạc sĩ Phan Bá Chức quê quán ở Quảng Bình, tuổi nhỏ sinh sống và học tập ở Phú Yên. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn, ông làm giáo viên ở Đà Lạt hơn một thập niên, rồi chuyển về TP.HCM làm báo từ năm 1987 đến khi nghỉ hưu.
Bản tính hiền lành và nhẫn nhịn, nhạc sĩ Phan Bá Chức luôn đứng ngoài những sự tranh giành, thậm chí luôn nhún nhường và sẵn sàng chấp nhận thua thiệt. Nhạc sĩ Phan Bá Chức chỉ thực sự là một con người linh hoạt và duyên dáng khi ôm đàn ca hát giữa bạn bè.
Ca khúc đầu tay “Câu hát biên thùy” được nhạc sĩ Phan Bá Chức viết lúc 16 tuổi. Thời dạy học, ông phổ nhạc bài thơ “Nói với em” của Vũ Quần Phương thành một ca khúc quen thuộc trong thế giới học đường: “Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió, sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay. Tiếng lích rích chim sâu trong lá. Con chìa vôi vừa hót vừa bay. Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện. Sẽ được nhìn thấy các bà tiên. Thấy chú bé đi hài bảy dặm. Quả thị thơm cô Tấm rất hiền…”.
Thời làm báo, ông sáng tác gần trăm ca khúc, nhưng gần như hiếm khi công bố. Sự ái ngại bon chen đã khiến phần lớn sự nghiệp của nhạc sĩ Phan Bá Chức vẫn chìm trong bóng tối. Thế nhưng, trong số ít ỏi những ca khúc Phan Bá Chức đưa ra cộng đồng, đã hình thành một dòng âm thanh rất say đắm về làng quê và tình quê.
Album “Hát cho yêu thương” với 10 ca khúc Phan Bá Chức qua tiếng hát của ca sĩ Ánh Tuyết thực sự phô diễn được phẩm chất một nhạc sĩ tài hoa. Ca khúc “Bầy chim xưa đã trở về” có thể xem như một tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Phan Bá Chức: “Trên cánh đồng sáng nay, bầy chim xưa đã trở về, nay đã trở về. Ngày hôm nay những con yêu của lúa, rộn ràng vui bước thong dong trở về/ Anh vừa lên con đê, nghe giọng hò giun dế/ Lúa đón những đứa con từ bốn phương nay trở về đây/ Ơ, nhìn lúa đang reo mừng như lời ca, người con gái chợt hồng lên đôi má/ Ơ, khỏi bõ công mong chờ người là đây, bên bếp hồng chiều nay ấm mọi nhà”.
Ngoài những bài “Tình quê” hoặc “Bên trời quê cũ” có nhịp điệu chậm buồn, sức sống nông thôn trong âm nhạc Phan Bá Chức thường rộn ràng và đắm đuối. Đó là “Con suối ngây thơ, để hai bên bờ chim hót vu vơ/ Mới biết yêu thương là xót xa/ Mới hay yêu thương là khúc ca”. Đó là “Nụ cười trong bao la, là nước nguồn tuôn xuống, là gió ngàn chan hòa, gội trên đồng xa xa/ Bạn bè trao cho ta, suối trong mát ngọt ngào, tưng bừng reo đầu ghềnh, khi vầng trăng vừa lên/ Bạn bè anh em ơi, tìm nhau dù tăm tối, tìm nhau dù nắng vội, tìm nhau dù chia phôi”.
Sau một thời gian bạo bệnh, dù được sự chăm sóc tận tình của hiền thê là bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng, nhạc sĩ Phan Bá Chức cũng không thoát khỏi quy luật sinh tử định mệnh. Trước khi giã biệt dương gian, nhạc sĩ Phan Bá Chức vào lúc 6h30 sáng 5/7 tại nhà riêng ở TP.HCM, nhạc sĩ Phan Bá Chức dặn dò thân nhân dùng toàn bộ số tiền phúng điếu để tặng cho quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.
Cuộc đời 75 năm của nhạc sĩ Phan Bá Chức đã khép lại “một ngày ta ngây thơ, hát câu hát vật vờ, vui niềm vui dại khờ, đau niềm đau lững lờ/ Là ngày ta nghe say, vì yêu đời biết mấy, dù cho người chối từ, còn yêu người không nguôi”.
Thế nhưng, ca khúc Phan Bá Chức sẽ thay mặt ông ở lại với công chúng, tiếp tục ca ngợi vẻ đẹp quê hương “Có em thơ đang nhìn đàn chim tung tăng trong nắng sớm/ Thả áo bay cho cả tuổi thơ em vui đón gió mới/ Chim vui mừng líu lo nắng hồng nhuộm đôi chân non/ Em hát lên, em cười lên, kia nắng hồng rộn rã trên nương” và tiếp tục trao gửi mến thương “Này người em yêu ơi, sáng nay có mặt trời, em tìm dấu tuyệt vời, trong niềm đau ngàn đời/ Này người em yêu ơi, cài thêm cành hoa thắm, vào tháng ngày rất vội, để hương tràn nơi nơi”.