Nhạc sĩ Phong Nhã (1924- 2020) vốn là một cán bộ phong trào thiếu nhi lâu năm và từng đảm trách những nhiệm vụ quan trọng. Thế nhưng, nổi bật hơn cả, vẫn là một nhạc sĩ Phong Nhã chuyên tâm luôn hướng về trẻ thơ và viết những giai điệu trong trẻo nhất cho trẻ thơ.
Cuốn hồi ký “Đời tôi sóng nhạc bay lên” của nhạc sĩ Phong Nhã, được biên soạn tổng hợp lại từ các bản di cảo đánh máy, viết tay, bản photo, tư liệu gia đình và cả văn bản do người thân chép lại theo lời kể của tác giả khi còn sống.
Trong suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Phong Nhã đã viết gần hai trăm ca khúc (trong đó đa số là viết cho trẻ thơ) và là một trong số rất ít những nhạc sĩ có nhiều bài hát viết cho thiếu nhi thành công nhất của Việt Nam. Nhắc đến nhạc sĩ Phong Nhã, người ta nhớ ngay đến những “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Kim Đồng”, “Cùng nhau ta đi lên” (Đội ca), “Công tác Trần Quốc Toản”, “Đội ta lớn lên cùng đất nước”, “Chi đội em làm kế hoạch nhỏ”, “Thiếu niên hành quân”…
Nói về sự nghiệp của nhạc sĩ Phong Nhã, một đồng nghiệp là nhạc sĩ Văn Chung đánh giá: “Những bài hát sâu đậm tình cảm với những nét nhạc mở đầu cũng như kết cấu rất nhuần nhuyễn và sáng tạo của Phong Nhã đã làm tăng thêm sức mạnh thúc đẩy sự hăng say hoạt động Đội của thiếu niên. Với riêng Phong Nhã, những bài hát của anh còn là chiếc cầu nối các nhạc sĩ, các cán bộ, chiến sĩ, các giáo viên, các phụ trách với các em nhỏ thân yêu”
Nhạc sĩ Phong Nhã cũng là Tổng biên tập đầu tiên của báo Thiếu Niên Tiền Phong. Chính vậy mà những người muốn tìm hiểu về ông luôn tự hỏi: “Điều gì đã giúp ông – một người chủ yếu là tự học – lại đạt được thành tựu ấn tượng và tố chất nào là nền tảng cơ bản cho sự sáng tạo của ông?” Thật không dễ lí giải nếu như không được chính nhạc sĩ mở lòng chia sẻ…
Trong hồi ký “Đời tôi sóng nhạc bay lên” là câu chuyện về cậu bé sớm mồ côi mẹ có người chị tật nguyền thương yêu em, rồi buổi đi thuyền rước dâu ngày cưới của bố và dì hai. Những năm tháng đói nghèo, cả nhà dắt díu lên Hà Nội kiếm sống, trú trọ hết khu phố nọ tới khu phố kia… Tuổi thiếu niên nhọc nhằn, cậu bé sớm phải phụ giúp gia đình mưu sinh, nhưng niềm say mê học tập, năng khiếu nghệ thuật và sự tự lập đã giúp người thiếu niên chăm chỉ vượt qua tất cả.
Không chỉ là hồi kí với ăm ắp kỉ niệm ân tình, bằng lời kể giản dị “Đời tôi sóng nhạc bay lên” còn là những trang chân thật có thể bổ sung cho cuốn biên niên sử của Đội Thiếu niên Tiền phong, của một người viết sử Đội bằng những khúc ca yêu quê hương và lớn lên cùng đất nước.
Khi quyết định xuất bản hồi ký “Đời tôi sóng nhạc bay lên”, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng quyết định in tuyển tập ca khúc “Cùng nhau ta đi lên” của nhạc sĩ Phong Nhã.