Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là một gương mặt nhạc sĩ trẻ tiêu biểu nhất trong những năm gần đây. Từ bài hát đầu tiên công bố khi vừa rời trường trung học, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã có 20 năm sáng tác chuyên nghiệp và gặt hái không ít thành công.
Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là công chúng nhớ ngay đến những bản tình ca nổi tiếng như “Đêm trăng tình yêu”, “Mộng thủy tinh”, “Vầng trăng khóc”, Chiếc khan gió ấm”, “Con đường mưa”… Tuy nhiên một tác phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là “Nhật ký của mẹ” qua tiếng hát Hiền Thục.
Ca khúc “Nhật ký của mẹ” không chỉ được giải thưởng Zing Music và giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 2013-2018, mà còn là tác phẩm thu được số tiền bản quyền âm nhạc kỷ lục trong thập niên qua.
Trong 20 năm sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung có được 300 ca khúc dành cho giới trẻ và 300 ca khúc dành cho thiếu nhi. Đặc biệt, ở mảng ca khúc dành cho thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được công nhận là nhạc sĩ có nhiều bài hát thiếu nhi nhất đã đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ. Năm 2020, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng được trao giải thưởng Dế Mèn với những ca khúc thiếu nhi được mến mộ như “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”, “Mẹ ơi, có biết”, “Vui đến trường”, “Món quà tặng cô”…
Cuốn sách kỷ niệm 20 năm sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã có những bộc bạch về cảm hứng sáng tác cũng như vui buồn phía sau mỗi ca khúc tạo nên tên tuổi mình. Nhac sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Nhìn lại chặng đường 20 năm với nhiều may mắn và khó khăn, tôi cảm thấy mình vẫn còn rất yêu công việc sáng tác này! Tôi ước mơ có thể viết nhạc đến tận hơi thở cuối cùng”
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kết hôn với cô giáo Trần Kim Thanh vào năm 2012 và có một con gái. Mới đây, duyên nợ phu thê của họ đã chấm dứt, sau nhiều mâu thuẫn.
Phát hành cuốn sách kỷ niệm 20 năm sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định đây là một cuộc tổng kết nho nhỏ để hướng đến hành trình tương lai. Dự định gần nhất của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là quay lại với những bản tình ca, mà thời gian gần đây anh thử nghiệm nhiều mới mẻ như “Ước có người bên tôi mỗi khi buồn”, “Cô đơn trong nhà mình” hoặc “Em đã say rồi”.