Đây là cơ hội cho các đối tác, doanh nghiệp hoạt động trong ngành lâm nghiệp trao đổi thông tin và đưa ra các ý tưởng, giải pháp về CNTT phục vụ cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp và bà Annika Kaipola, Tham tán ĐSQ Phần Lan chủ trì hội thảo.
Hội thảo là cơ hội để học hỏi những thực tiễn tốt nhất về quản lý và chia sẻ dữ liệu tài nguyên rừng. Đại biểu tham dự có thể xác định cơ hội đầu tư về chế biến và sản xuất gỗ cùng các giải pháp công nghệ thông tin, truyền thông. Hội thảo này do chính phủ Việt Nam và chính phủ Phần Lan tài trợ thông qua dự án Formis II. Đây cũng là một trong những chương trình kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Phần Lan.
Các nội dung thảo luận trong hội thảo xoay quanh công tác quản lý và chia sẻ nguồn dữ liệu tài nguyên rừng, chia sẻ những thực tiễn và quản lý, chia sẻ tài nguyên rừng từ phía Phần Lan; cơ hội kết nối xúc tiến đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Phần Lan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ngài Ilkka-Pekka Simila, Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam đánh giá đây là mốc đánh dấu sự hợp tác giữa 2 nước, chuyển sang giai đoạn khác là hợp tác 2 bên đều có lợi.
“Chúng tôi sẽ chuyển từ việc viện trợ không hoàn lại sang giai đoạn hợp tác giữa các cơ sở, tổ chức và các Cty của 2 nước. Đây cũng là sự kiện chúng tôi đánh dấu lại sự hợp tác của ngành lâm nghiệp 2 nước và cũng là chủ đề quan trọng chúng tôi cần phải thúc đẩy trong tương lai đối với Việt Nam.
Dự án Formis là 1 trong những dự án quan trọng trong viện trợ không hoàn lại của chúng tôi từ chính phủ Phần Lan. Tôi có thể nói rằng dự án đã có sự đóng góp kỹ thuật hiệu quả cho ngành lâm nghiệp Việt Nam trong nhiều năm nay” - ngài Ilkka-Pekka Simila khẳng định.
Đối thoại toàn thể tại Hội thảo.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Dự án phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (Dự án Formis) do Tổng cục triển khai tại Việt Nam đã được 6 năm, đến thời điểm này chúng tôi thực hiện ở giai đoạn cuối (giai đoạn 2) và đã tạo ra được một hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp để cho mọi người có cơ hội truy cập các cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, cũng như các tài nguyên khác phục vụ công tác quản lý cũng như đầu tư vào ngành lâm nghiệp.
Hệ thống này nó đảm bảo ở mức đơn giản nhất, có nghĩa là trình độ của mọi người ở mức độ nào đó có thể truy cập được vào hệ thống này một cách dễ dàng nhất. Để làm được việc này, chúng tôi đã tạo ra được một đội ngũ cán bộ kiểm lâm khoảng 2.000 người ở trên 500 huyện, họ cập nhật hàng ngày các diễn biến rừng vào thời điểm đó và cuối năm Chính phủ có thể công bố dữ liệu này.
Từ trước đến nay chúng ta thường quan niệm rằng dữ liệu này chỉ để phục vụ cho quản lý, tức là cho các nhà lãnh đạo từ trung ương đến tỉnh, huyện, các cơ quan quản lý chuyên ngành nhưng hiện nay chúng ta đang hướng đến nhiều đối tượng nữa, đó là các nhà đầu tư ví như nhà đầu tư về phát triển rừng, chế biến lâm sản… có thể tiếp cận các thông tin dữ liệu về rừng để có thể đưa ra quyết định có đầu tư hay không đầu tư vào ngành này. Bởi khi họ truy cập vào hệ thống dữ liệu sẽ biết được tài nguyên rừng có bao nhiêu, đất ở đâu nên trồng, những ai đang có đất…
Ngoài ra, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận hệ thống để họ đưa các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ vào phát triển ngành lâm nghiệp.
Hệ thống dữ liệu đã tích hợp các hệ thống như tổng kiểm kê điều tra rừng trên phạm vi toàn quốc, 40 tỉnh đã có trong hệ thống và sắp tới, trong tháng 6 sẽ có dữ liệu của 60 tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo
Ngoài ra còn có hệ thống cập nhật theo dõi diễn biến rừng hàng năm được thay đổi như thế nào. Hệ thống dữ liệu về giống. Hệ thống dữ liệu về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hệ thống dữ liệu về lâm nghiệp và đói nghèo. Hệ thống dữ liệu về Cty lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh… Và sắp tới sẽ kết hợp với nhiều chương trình dự án khác để đưa vào hệ thống dữ liệu, ví như hệ thống dữ liệu về giảm phát thải khí nhà kính, đất đai, xóa đói giảm nghèo…
Như vậy, đến nay chỉ cần nhấn chuột máy tính là xem được dữ liệu của 8,5 triệu lô rừng, mỗi một lô rừng có 51 trường dữ liệu có thể truy cập vào, ví như dữ liệu về vị trí rừng, trồng năm nào, trữ lượng bao nhiêu…
Hoặc có thể truy cập xem một chủ rừng nào đó, trong số trên 1,1 triệu chủ rừng đều có thể truy cập được, họ cũng có thể tự truy cập được, đặc biệt là các cơ quan quản lý có thể truy cập hệ thống để biết về dữ liệu về rừng của một tỉnh, một huyện nào đó như thế nào, thậm chí các nhà đầu tư muốn chế biến ra một sản phẩm nào đó cần bao nhiêu ha rừng, họ có thể vào mạng là biết được khu vực rừng nào, ở địa phương nào có thể đáp ứng được nhu cầu đó. Hay khi bất cứ một diện tích rừng nào đã được khai thác, cơ sở báo cáo lên cơ quan kiểm lâm địa bàn, đơn vị này sẽ báo cáo lên kiểm lâm huyện để điều chỉnh ngay dữ liệu trên hệ thống.
“Mục tiêu của dự án Formis II là xây dựng một hệ thống quản lý thông tin tích hợp hoàn thiện phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên lâm nghiệp cũng như góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nhèo trong sự nghiệp phát triển KT-XH chung của Việt Nam”, ông Tapio Leppanen - cố vấn trưởng dự án Formis II. |