Nội dung tin nhắn cụ thể như sau: “Chào bạn XXX, hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại Bắc Ninh. Từ ngày hôm nay, SEV sử dụng toàn bộ thịt lợn nhập khẩu từ Canada, Đức, Italia cho tất cả các thực đơn tại canteen SEV. Trân trọng thông báo!”
Hình ảnh nội dung tin nhắn được cho là của SEV gửi nhân viên |
Sau khi những hình ảnh này lan truyền, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội đã có hàng nghìn chia sẻ, bình luận. Đa số các bình luận đều cho rằng, SEV đã làm một việc là “quay lưng” với người chăn nuôi trong nước. Trên diễn đàn có tên “Hội chăn nuôi lợn” với hơn 75 nghìn thành viên, nickname Tran Thu bình luận “Đúng là dân ta hại dân ta”.
Giải thích với Nông nghiệp Việt Nam, đại diện của SEV cho biết: "Do các bạn nhân viên lo lắng về thịt lợn không an toàn trong thời điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, nên chúng tôi đã đưa ra quyết định có tính tạm thời này. Samsung Việt Nam luôn ủng hộ và sử dụng thịt lợn tươi sống của Việt Nam, đặc biệt, vào năm 2017 khi giá thịt giảm kỷ lục, chúng tôi đã nỗ lực đẩy mạnh tăng tiêu thụ thịt lợn trong các bữa ăn cho nhân viên nhằm chung tay hỗ trợ người chăn nuôi khắc phục khó khăn".
Thực tế, SEV là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Hiện, theo số liệu khảo sát, SEV sử dụng đến gần 70 nghìn lao động tại Việt Nam, đa số là lao động phổ thông, xuất thân từ nông dân.
Tháng 11/2018, SEV là doanh nghiệp FDI được Việt Nam vinh là là doanh nghiệp vì người lao động.
Trong mấy ngày qua, Bộ NN-PTNT, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đã nhiều lần khuyến cáo người dân, nhất là các doanh nghiệp, trường học…, không quay lưng với thịt lợn. Lý do đơn giản, thịt lợn không hề gây hại với người sử dụng như suy nghĩ của nhiều người. Ngoài ra, giới khoa học, đặc biệt là các chuyên gia dịch tễ, thú y, y tế… đều khuyến cáo rằng, dù thế nào thì dịch bệnh cũng không hề gây hại cho người sử dụng nếu biết dùng đúng cách.
Việc SEV nói riêng, nhiều trường học, bệnh viện và các cơ sở công cộng khác nói chung, nói ‘không’ với thịt lợn chứng tỏ một điều, họ chưa hiểu, hoặc cố tình không hiểu nguyên lý sâu xa của bệnh lý về lợn, hoặc chỉ đơn giản là họ đang hướng theo ‘trend’ (xu hướng) của dư luận về thịt lợn. Điều này vô hình trung đẩy người chăn nuôi, mà đa số là nông dân, vào thế khó.
Nên nhớ, gần 70 nghìn lao động của Samsung xuất thân từ nông dân, bố mẹ của những người công nhân đang trực tiếp là ra những chiếc điện thoại thông minh, những chiếc máy tính bảng thời thượng… là nông dân. Đây là những người hiện đang khốn đốn vì giá lợn xuống thấp, vì giá thành phẩm đang thấp hơn giá sản xuất.
Hơn ai hết, lãnh đạo Samsung và các đơn vị khác cần hiểu, nếu quay lưng lại với người chăn nuôi một cách vô lý, nghĩa là họ đang bắt buộc công nhân của mình quay lưng với quê hương, gia đình.
Công ty Samsung điện tử Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng nói rằng: hiện 70% tiêu dùng thực phẩm trong nước là dùng thịt lợn, chúng ta không thể một sớm một chiều chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác như gia cầm, thuỷ sản,... Việc của ngành chăn nuôi là vẫn phải đảm bảo cung cấp thịt cho người tiêu dùng.
Đã có hơn 34.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ, nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khoẻ mạnh thì cũng bị tiêu huỷ. Con số này rất nhỏ. Còn lại, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn, ông Dương phân tích.
“Hàng ngày gia đình tôi vẫn ăn thịt lợn, thậm chí còn sử dụng nhiều hơn bình thường, ngay cả Bộ trưởng NN-PTNT cũng khẳng định như vậy”, ông chia sẻ và dẫn chứng ở Tây Ban Nha, 35 năm nay nước họ vẫn có dịch bệnh này, vậy tại sao đùi lợn muối, đùi lợn xông khói của họ vẫn tiêu thụ rất tốt? Câu trả lời là vì họ kiểm soát dịch bệnh rất tốt, mọi sản phẩm lưu hành trên thị trường đều đảm bảo an toàn.
Như vậy, lợn đang lưu hành trên thị trường là lợn không có bệnh, không có lý do gì để chúng ta không sử dụng. Ông Cục trưởng Cục Chăn nuôi kêu gọi người tiêu dùng không nên quay lưng lại với chăn nuôi, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch bệnh này.