Đảm bảo không gian thoát lũ để giảm thiệt hại. Xuất khẩu cau tăng rất mạnh. Nông dân trồng cà phê đang sử dụng thuốc BVTV quá mức. Doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ năm nhờ trồng cây ăn quả.
Sáng nay Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đã tổ chức hội thảo thực tiễn và thách thức trong vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng qua cơn bão số 3.
Thực tiễn trong việc vận hành hồ chứa với bão số 3, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần thủy điện Thác Bà cho biết, trước diễn biến bất thường về mưa lũ, tại hồ thủy điện Thác Bà lũ về với cao trình là 59,84m vào lúc 5h đến 9h ngày 11/9 đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo đảm an toàn hồ đập, cũng như vùng hạ du, do vậy thực tiễn thách thức đặt ra trong việc vận hành liên hồ chứa là cần thiết sau bão số 3. Trước những thách thức đặt ra đối với an toàn hồ chứa, một số giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra như cần rà soát, đánh giá lại quy trình vận hành hồ chứa trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp. Các đại biểu cho rằng, cần dành không gian cho nước và thực hiện nghiêm các quy định về hành lang thoát lũ, an toàn đê điều để không làm tăng mực nước lũ.
XUẤT KHẨU CAU TĂNG RẤT MẠNH
Quỳnh Anh
Theo báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 8 năm nay, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,28 triệu USD, tăng 1.240% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng của năm 2024 đạt 21,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 51,3%. Cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 13 của Việt Nam trong 8 tháng qua, đứng trên cả hạt hạnh nhân, quả vải, macca và chôm chôm. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: Cau chưa phải là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, sản phẩm này vẫn tiềm ẩn rủi ro. Giá cau tươi bình thường phổ biến chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Lần sốt giá cau tươi gần nhất là vào tháng 9/2021, lên tới 70.000 đồng/kg. Ở thời điểm đó các chuyên gia, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên chạy theo cơn sốt giá nhất thời vì sản phẩm chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
NÔNG DÂN TRỒNG CÀ PHÊ SỬ DỤNG THUỐC BVTV QUÁ MỨC
Quỳnh Anh
Theo số liệu thống kê của Cục BVTV, Bộ NN-PTNT, lượng thuốc BVTV được sử dụng đối với cây cà phê trung bình là 5 lít/ha, tuy nhiên có 60% nông dân đang sử dụng quá mức thuốc BVTV. Ước lượng vỏ bao bì thuốc BVTV phát sinh trong sản xuất cà phê năm 2023 là 2,15 nghìn tấn. Thời gian qua, công tác thu gom bao bì thuốc BVTV được đặc biệt quan tâm. Đã có 48/63 tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; 42/63 tỉnh, thành phố có 57.910 bể thu gom. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách vẫn còn phổ biến trong sản xuất cà phê. Việc trồng xen cà phê với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, mắc ca... ngày càng phổ biến ở 5 tỉnh Tây Nguyên dẫn đến việc nhiễm chéo các loại thuốc BVTV sử dụng, làm cho việc quản lý dư lượng thuốc BVTV trên hạt cà phê rất khó khăn và phức tạp.
DOANH THU HƠN 1 TỶ ĐỒNG/NĂM NHỜ TRỒNG CÂY ĂN QUẢ
Quốc Toản
Anh Phạm Văn Phước (sinh năm 1993) là chủ vườn cây ăn quả rộng gần 10ha tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sản phẩm chính tại vườn cây ăn quả của anh Phước là cây ổi giống Đài Loan chất lượng cao, vừa ngon, ngọt, giòn, thơm, ít hạt, đậm đà hơn các vùng khác. Theo anh Phước, ổi là cây dễ trồng hơn so với các loại cây khác, ít sâu bệnh, lại có thu nhập quanh năm. Đặc biệt, vườn ổi của anh Phước thu hoạch đến đâu được thương lái bao tiêu trọn gói đến đó. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Nam. Ngoài ổi, anh Phước còn trồng thêm hàng trăm gốc táo, bưởi để đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện thu nhập. Mỗi năm vườn cây ăn quả của anh Phước mang lại thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Phước thu lãi từ 400-500 triệu đồng. Vườn cây ăn quả của anh Phước hiện tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 4 lao động địa phương.