| Hotline: 0983.970.780

Nhiều chính sách được doanh nghiệp bình ổn thị trường kiến nghị

Thứ Sáu 21/10/2022 , 16:29 (GMT+7)

TPHCM Nhiều doanh nghiệp cung ứng lương thực thực phẩm lớn đã kiến nghị nhiều chính sách, giúp họ tham gia tốt hơn nữa chương trình bình ổn thị trường, có lợi cho người tiêu dùng.

Mặt hàng trứng gia cầm của các thương hiệu lớn như Ba Huân, San Hà, Vĩnh Thành Đạt... tham gia chương trình bình ổn thị trường luôn được cung ứng đủ sản lượng cho người tiêu dùng tại các hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mặt hàng trứng gia cầm của các thương hiệu lớn như Ba Huân, San Hà, Vĩnh Thành Đạt... tham gia chương trình bình ổn thị trường luôn được cung ứng đủ sản lượng cho người tiêu dùng tại các hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bình ổn thị trường - thương hiệu riêng của TP.HCM

Tại Hội thảo “Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM” do Sở Công thương TP.HCM tổ chức sáng 21/10, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, chương trình bình ổn thị trường (BOTT) đã trở thành thương hiệu riêng của TP.HCM, quy tụ nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm chủ lực đã tham gia ngay từ đầu và xuyên suốt, tạo sức lan tỏa lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng không chỉ tại TP.HCM mà hiện nay đã được nhân rộng và triển khai đều ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

Các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường đều cam kết thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt một cách trách nhiệm, luôn dự trữ, cung ứng đủ hoặc vượt số lượng hàng hóa Thành phố giao. Chương trình đã giúp các DN xác lập được sự tín nhiệm của đối tác, người tiêu dùng, ngày càng phát triển lớn mạnh, có sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô, doanh số và khẳng định được thương hiệu như Satra, Sagri, Cholimex, Vissan, Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân, San Hà, Vinamilk… 

"Người dân TP.HCM luôn được tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn, chất lượng bảo đảm. Kể cả khi chi phí sản xuất tăng cao như thời gian qua, nhất là những lúc giá cả biến động đột xuất hoặc leo thang, các doanh nghiệp tham gia chương trình BOTT luôn chủ động san sẻ lợi ích cho người tiêu dùng, rất hạn chế tăng giá ở nhiều nhóm hàng để đạt lợi ích chung là kích cầu tiêu dùng lên tốt nhất, giữ ổn định giá bán theo khung giá của chương trình, góp phần "hạ nhiệt" mặt bằng giá chung, tạo niềm tin và tác động tích cực trong bối cảnh xã hội và Thành phố khó khăn", Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nhận định.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Với vai trò là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác bình ổn thị trường, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, sau 16 năm gắn bó với chương trình bình ổn thị trường, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op bình quân đạt 10.000 tấn/năm, trong đó, các mặt hàng bình ổn thiết yếu chiếm 70 – 80% tỷ trọng.

So với năm đầu tiên tham gia chương trình (2006), đến năm 2021, sản lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op đã tăng gấp 8 lần; tỷ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo 100% là hàng Việt. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, tăng từ 17 điểm bán (2006) lên hơn 600 điểm bán trên cả nước (riêng tại TP.HCM là 422 điểm bán).

"Hàng năm, Saigon Co.op đều chủ động lên kế hoạch tham gia chương trình bình ổn suốt cả năm với 9 nhóm hàng chính (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản) và các mặt hàng phục vụ cho mùa tựu trường, kinh doanh các mặt hàng của những nhà cung cấp tham gia chương trình bình ổn thị trường", ông Đức cho hay.

Ngoài ra, Saigon Co.op thường xuyên thực hiện các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển nguồn hàng, đặc biệt là bao tiêu, tiêu thụ nông sản đặc trưng tại các vùng miền, hàng OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng đầu ra…, qua đó kích thích phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố cũng như cả nước, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, hàng năm có trên 1.000 chuyến bán hàng lưu động mang hàng hóa bình ổn đến với người tiêu dùng tại các vùng sâu vùng xa, khu chế xuất, khu công nghiệp, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh,…

Kết nối tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, sau 19 năm tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM, doanh nghiệp nhận được nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh, bên cạnh đó cũng gặp một số khó khăn.

Nêu khó khăn, ông Phú cho hay, theo quy định của chương trình bình ổn thị trường, khi giá nguyên liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm từ 5%-10% so với thời điểm đăng ký giá liền kề trước, các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh giá bán. Khi điều chỉnh giá, doanh nghiệp thực hiện đăng ký lại giá bán với sở Tài chính và phải được sở Tài chính chấp thuận bằng văn bản qui định cụ thể về giá và thời điểm áp dụng.

Tuy nhiên, trong một vài thời điểm, giá nguyên liệu heo hơi có xu hướng tăng cao, công ty gửi văn bản đề nghị điều chỉnh tăng giá bán nhưng cơ quan chức năng chậm trễ cho áp dụng giá điều chỉnh, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của công ty.

"Vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ của người dân xuống thấp như hiện nay, sản lượng bán ra giảm khiến chi phí giết mổ tính theo bình quân mỗi con heo tăng cao do dây chuyền Vissan là dây chuyền giết mổ công nghiệp, công suất lớn. Song song đó, doanh nghiệp chịu gánh nặng từ nhiều chi phí phát sinh trong quá trình duy trì hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng hàng hóa, bộ máy tổ chức, nhân sự. Tất cả đã làm tăng chi phí, giảm hiệu quả hoạt động của công ty", ông Phú nói. 

Theo ông Phú, trong những lúc lãi suất ngoài thị trường tăng cao, Thành phố cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi hợp lý để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng kho bãi …

Xây dựng cơ chế ưu tiên, hỗ trợ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tham gia BOTT phát sinh trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa … đặc biệt là các khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý về xác lập quyền sở hữu đất đai, mặt bằng, nhà xưởng khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa hoặc thay đổi mô hình hoạt động.

"Thực tế chứng minh, thực hiện BOTT đối với sản phẩm đầu ra trong khi nguyên liệu đầu vào không được bình ổn giá đã tạo ra nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả tối ưu. Do đó, Thành phố cần xem xét mở rộng BOTT cả chuỗi cung ứng từ nguyên liệu – sản xuất – tiêu thụ hàng hóa", Phó Tổng Giám đốc Vissan đề xuất.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thay mặt các doanh nghiệp trong Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, bà Lý Kim Chi kỳ vọng các sở, ban, ngành phân luồng lại cho các kênh chợ truyền thống để chọn lọc, mở rộng thêm nhiều chợ đạt chuẩn tham gia vào kênh bán hàng bình ổn thị trường trong giai đoạn 2023-2032; cũng như hỗ trợ các DN bán lẻ thông qua hệ thống phân phối của họ tiếp cận và tăng cường đưa sản phẩm BOTT đến các nhóm khách hàng chuyên nghiệp là nhà hàng, khách sạn, công ty… để người tiêu dùng nhiều nơi có thể sử dụng hàng hóa bình ổn dễ dàng với giá tốt.

Song song đó, các sở ngành cần hỗ trợ kết nối để tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến chế biến, vận chuyển, phân phối,… đều cùng tham gia và thống nhất cắt giảm một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với toàn chuỗi và người tiêu dùng thì hiệu quả của chương trình bình ổn sẽ được nâng cao, tạo sự đột phá và được nhân rộng. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ truyền thông nhận diện thương hiệu của chương trình để giúp người dân dễ dàng nhận diện hình ảnh thương hiệu và tin tưởng sử dụng.

Còn nhiều hạn chế

Giám đốc sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, chương trình bình ổn thị trường không phải là chương trình giảm giá, mà là chương trình được cung cấp sản phẩm ra thị trường với giá thấp hơn giá bình quân từ 5-10%.

Để có giá này, sở Công thương phải làm việc với các nhà cung ứng, nhà phân phối để thống nhất một đơn hàng lớn cung cấp ra thị trường. Từ chương trình này tác động ra hành vi, tâm lý sản xuất của nhà sản xuất chứ không chỉ người tiêu dùng.

Giám đốc sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giám đốc sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Chương trình BOTT của TP.HCM và các đơn vị cùng tham gia trong 20 năm qua đã có những thành công rất đáng trân trọng, không chỉ chuyển từ việc bình ổn giá trong dịp tết, mà trở thành chương trình bình ổn thị trường hướng đến an sinh xã hội, phát triển bền vững. BOTT là đồng hành cùng với người tiêu dùng thành phố. Chương trình đã hoàn thiện hệ thống từ nhà sản xuất đến nhà phân phối và bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Hiện quy mô đã tăng nhiều lần so với giai đoạn trước, tuy nhiên hiện nay cần có những điều chỉnh trong tương lai. Chương trình cũng đã cung ứng kịp thời và ổn định cho người tiêu dùng những mặt hàng có giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng gia tăng. Chương trình cũng mang lại nhiều lợi ích cho nhiều bên cùng tham gia”, ông Vũ nhận định.

Tuy nhiên, Giám đốc sở Công thương TP.HCM cũng nhìn nhận, chương trình cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Như tính liên kết của các bên chưa thực sự chặt chẽ, quy mô, phạm vi của chương trình vẫn còn chừng mực, chưa tác động lên diện rộng, đặc biệt các khu vực ở chợ truyền thống, các loại hình thương mại điện tử hay các đối tượng tiêu dùng khác. Chương trình cũng cần phải có những điều chỉnh liên quan đến chủ động nguồn hàng, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo tính liên kết vùng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chương trình cũng phải đánh giá lại thương hiệu để làm tốt hơn những cái đã thành công trong giai đoạn hiện nay.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.