Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, từ ngày 19-27/12/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh tổ chức đợt tổng kiểm tra hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh.
Đây là những địa phương trọng điểm tiêu thụ lượng lớn thực phẩm thịt, từ ngày thường đến lễ, tết. Do đó, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP), hạn chế lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong quá trình giết mổ, vận chuyển cực kỳ quan trọng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh), cho biết, đoàn không chỉ kiểm tra tại lò mổ, hộ kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật mà còn “đột kích” tại một số hộ gia đình giết mổ động vật tại nhà, không đảm bảo an toàn VSTP, vệ sinh thú y.
“Qua kiểm tra, ý thức về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong kinh doanh giết mổ của các cơ sở đã được nâng lên. Đặc biệt, khâu kiểm tra gia súc trước khi giết mổ, có cán bộ chuyên môn trực kiểm tra trong quá trình giết mổ và đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường các lò mổ thực hiện khá bài bản”, ông Nam nói. Đồng thời, khen ngợi một số địa phương hoạt động ổn định, hiệu quả như: phường Hưng Trí (TX Kỳ Anh), xã Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh).
Theo ông, bên cạnh mặt tích cực, hạn chế lớn nhất trong kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm là phần lớn cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng từ năm 2014 nên đến nay hạ tầng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Hơn nữa, đặc thù công việc làm vào đêm khuya, sáng sớm, thu nhập thấp nên cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở không mấy mặn mà và khó tìm người thực hiện.
Đăc biệt, dịp tết, lượng tiêu thụ thịt nhiều, tại một số địa phương lò mổ hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng được yêu cầu nên nhiều hộ gia đình chung đụng bò, lợn giết mổ, bày bán công khai tại nhà dẫn đến mất vệ sinh ATTP, nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Xử phạt những trường hợp này khá nhạy cảm nên chúng tôi tập trung tuyên truyền. Tất nhiên, những trường hợp vi phạm nhiều lần, đoàn sẽ có chế tài xử lý nghiêm minh nhằm tăng tính răn đe”, ông Nam nói.
Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại các xã Cẩm Thạch, Cẩm Dương, Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên; xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà và xã Mỹ Long huyện Hương Sơn; dịch viêm da nổi cục trâu bò tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân và xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ chưa qua 21 ngày. Do đó, Sở NN-PTNT yêu cầu các địa phương trên triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch để xử lý dứt điểm ổ dịch.
Tuyên truyền, quán triệt, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thịt động vật được giết mổ có kiểm soát của cơ quan chuyên môn.
Giao UBND cấp xã rà soát, yêu cầu người hành nghề giết mổ ký cam kết và nghiêm chỉnh chấp hành việc giết mổ động vật đảm bảo điều kiện theo quy định; thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp giết mổ trái quy định trong khu dân cư.
Chỉ đạo Ban quản lý các chợ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm từ gia súc trước khi đưa vào chợ, kiên quyết xử lý các sản phẩm không được kiểm soát giết mổ theo quy định.
Đặc biệt, tại các cơ sở giết mổ tập trung, yêu cầu cán bộ chuyên môn thực hiện kiểm soát giết mổ theo đúng quy trình, lập sổ sách, ghi chép, lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật theo quy định.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 35 cơ sở giết mổ tập trung. Bình quân số lượng gia súc được kiểm soát tại cơ sở giết mổ 91 con trâu, bò/ngày đêm; 578 con lợn/ngày đêm. Dịp tết, số lượng gia súc giết mổ tại cơ sở tập trung tăng cao đột biến, đạt khoảng 300 con trâu, bò/ngày đêm và khoảng 1.000 con lợn/ngày đêm.