| Hotline: 0983.970.780

Nhiều công trình nước sạch ở Bắc Kạn không hiệu quả

Thứ Tư 14/09/2022 , 13:58 (GMT+7)

Do yếu kém trong khâu quản lý, vận hành nhiều công trình cấp nước sạch ở tỉnh Bắc Kạn không phát huy hiệu quả, gây lãng phí...

Hàng loạt công trình nước sạch hiệu quả thấp

Năm 2017, công trình cấp nước sạch ở xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được đầu tư với số vốn gần 7 tỷ đồng, dự kiến sẽ cung cấp nước sạch cho người dân 5 thôn của xã. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn công trình hư hỏng không hoạt động cho đến nay. Số tiền nhà nước đầu tư vì thế cũng không phát huy tác dụng, hàng trăm hộ dân lại phải tự xoay sở tìm nguồn nước khác để sinh hoạt.

Bà Âu Thị Hoạt, thôn Pác Châm, xã Bành Trạch cho biết: Người dân ở đây rất mong mỏi có nước sạch, nhưng vừa khánh thành được vài tháng thì hư hỏng. Mấy năm nay, người dân tự khoan giếng hoặc dẫn nước từ khe về sinh hoạt, mùa khô ít nước không đủ dùng.

Chủ tịch UBND xã Bành Trạch, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) - Hoàng Văn Hoan thông tin: Công trình có vốn đầu tư lớn nhưng vận hành lúc được, lúc không, một thời gian sau thì bỏ hoang. Gần đây, chủ đầu tư có bàn phương án sửa chữa nhưng vì hầu hết người dân đã tự khoan giếng nên họ cũng không có nhu cầu sử dụng nước từ công trình nước sạch nữa.

1 (3)

Công trình nước sạch tại xã Bành Trạch, huyện Ba Bể chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn. Ảnh: Ngọc Tú.

Tương tự như vậy là công trình nước sạch tập trung ở xã Xuân Dương, huyện Na Rì. Với số vốn hàng tỷ đồng, công trình xây dựng với mục tiêu cung cấp nước sinh hoạt cho gần 100 hộ tại hai thôn Khu Chợ và Cốc Càng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành vào cuối năm 2009, người dân hai thôn này chỉ được hưởng thụ nước sạch từ công trình khoảng 10 ngày, sau đó công trình hầu như không còn phát huy tác dụng. Do người dân không có nước sạch, năm 2020, cách công trình hư hỏng không xa, nhà nước lại tiếp tục xây dựng một công trình khác.

Theo thống kê, tại tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 660 công trình nước sạch đã được đầu tư, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn. Nhưng chỉ có khoảng một nửa là hoạt động ổn định, còn lại là những công trình hoạt động không bền vững và không hoạt động. Đáng chú ý có những xã như xã Hiệp Lực ở huyện Ngân Sơn có tới 7 công trình nước sạch không hiệu quả và hiệu quả thấp.

Bất cập trong quản lý, vận hành sau đầu tư

Tại Bắc Kạn, công trình sau khi đầu tư sẽ bàn giao cho tổ quản lý ở địa phương quản lý, vận hành. Để duy trì các tổ này lấy kinh phí từ nguồn thu tiền nước của các hộ sử dụng. Nhưng do đặc thù ở miền núi, số hộ sử dụng ít, có những thôn chỉ có vài chục hộ nên thu không đủ chi. Kinh phí thu được không đủ chi trả thù lao cho thành viên tổ quản lý, nên hoạt động của các tổ này rất hạn chế, hầu hết không mặn mà với công việc, chủ yếu kiêm nhiệm hoặc làm thêm.

Hầu hết các công trình nước sạch tại Bắc Kạn có quy mô vừa và nhỏ, xây dựng ở khu vực địa hình dốc cao, sử dụng nguồn nước tự chảy. Với đặc thù miền núi thường xuyên mưa lũ, nên công trình nước sạch rất dễ hư hỏng. Khi hư hỏng cần kinh phí sửa chữa lớn, nhưng với thực trạng thu không đủ chi, các tổ quản lý và chính quyền địa phương không đủ kinh phí thực hiện, tất cả trông chờ vào nguồn vốn ngân sách.

2 (3)

Nhiều gia đình dù sống gần công trình nước sạch nhưng vẫn phải dùng nước trong khe núi để sinh hoạt. Ảnh: Ngọc Tú.

Ông Hà Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết: Nguồn lực duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình nước sạch của tỉnh rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu. Hàng năm có nhiều công trình cần vốn sửa chữa, nhưng ngân sách chỉ đáp ứng được cho những công trình cấp thiết. Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh Bắc Kạn xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả hơn, tăng cường nguồn lực để khắc phục những tồn tại trong thời gian qua.

Ngoài bất cập trong khâu quản lý, tại nhiều địa phương, khi khảo sát ban đầu để xây dựng công trình chưa sát thực tế. Nhiều công trình khi khảo sát là lúc mùa mưa, nước nhiều, nhưng khi mùa khô nước cạn không đủ cung cấp cho người dân. Công trình trong nhiều tháng liền không hoạt động dẫn đến hỏng hóc, lâu dần hoang phế, bỏ hoang.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.