Bệnh khảm lá trên sắn lan rộng
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, toàn tỉnh có khoảng 23.000ha sắn, tập trung chủ yếu tại các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa và một số diện tích ở các huyện Tây Hòa, Tuy An.
Những niên vụ về trước, tổng diện tích bị bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn dao động từ 1.000 -2.000ha. Tuy nhiên, đến niên vụ 2020 - 2021 đã hơn 7.000ha bị nhiễm bệnh, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sắn.
Theo ông Nhĩ phân tích, hai nguyên nhân chính khiến bệnh khảm lá virus hại sắn ngày lan rộng trên địa bàn. Một là, sắn bị nhiễm bệnh do bọ phấn trắng - môi giới truyền bệnh, tuy nhiên tỷ lệ lây bệnh từ nguồn này không nhiều.
Hai là lây qua hom giống và đa số diện tích sắn bị bệnh theo hình thức này. Tức khi bà con tiếp tục trồng sắn hoặc chuyển từ diện tích trồng mía sang trồng sắn và tìm mua giống về trồng, nhưng mua giống không đảm bảo chất lượng và đã bị nhiễm bệnh khảm lá. Từ đó, bệnh lan nhanh, trong khi hiện chưa có giống sắn nào kháng bệnh.
“Hiện nay các giống sắn chủ lực trên địa bàn như KM 419, KM 140, HS11 và một số giống nữa cho năng suất và chất lượng bột sắn rất cao nhưng đều bị nhiễm bệnh khảm lá. Trong khi bà con mở rộng diện tích trồng sắn nhưng lại áp lực thiếu giống sạch bệnh”, ông Nhĩ nói.
Ghi nhận chúng tôi tại huyện Sông Hinh thời gian qua bệnh khảm lá virus hại sắn ngày càng lan rộng trên diện tích trồng sắn khiến nông dân bị thiệt hại.
Ông Hồ Kim Lân, phụ trách Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Sông Hinh cho biết, toàn huyện có khoảng trên dưới 10.000ha sắn. Bệnh khảm lá virus hại sắn xuất hiện trên địa bàn từ năm 2018, với diện tích ban đầu bị nhiễm vài ha.
Sau đó diện tích sắn bị nhiễm bệnh ngày càng tăng gần theo hàng năm và đến niên vụ 2020 - 2021, tổng diện tích sắn bị bệnh khảm lá lên đến gần 7.000ha. Nguyên nhân do nông dân trồng các giống sắn như HLS11, KM 140, KM 419 bản chất đã bị nhiễm bệnh khảm dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo không sử dụng để làm giống.
Ông Nguyễn Văn Tiến, một nông dân trồng sắn xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) cho biết, mấy năm trước do thiếu giống cho nên ông cũng như một số người dân trên địa bàn mua từ vùng khác về trồng. Ban đầu, cây sắn phát triển tốt, tuy nhiên khoảng 1 tháng tuổi, cây bắt đầu xuất hiện bệnh. Dù gia đình có mua thuốc về phun xịt nhưng bệnh trên cây không giảm mà tiếp tục lan rộng. Niên vụ 2020-2021 do bệnh khảm lá gây tỷ lệ cao nên năng suất bị giảm mạnh. Như gia đình có hơn 1ha nhưng thu hoạch chỉ khoảng 10 tấn, giảm gần nửa so với các niên vụ trước.
Tương tự, ông Trần Đức Bình, ở xã Suối Bạc (Sơn Hòa) cho hay, gia đình ông trồng 5 sào sắn. Niên vụ sắn vừa rồi gia đình ông trồng giống KM140 do bị bệnh khảm lá sắn nên thu hoạch chỉ được gần 4 tấn, trong khi mọi năm diện tích trên phải gần 10 tấn…
Không sử dụng giống sắn HLS11
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, bệnh khảm lá trên sắn là một loại bệnh virus rất nguy hiểm, hiện nay chưa có thuốc phòng trừ. Dự báo trong thời gian tới bệnh có nguy cơ lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và chế biến sắn trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn, ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên khuyến cáo bà con lựa chọn các giống sắn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, không sử dụng những giống sắn đã công bố bị nhiễm bệnh nặng, nhất là giống sắn HLS11.
“Nếu giống sắn HLS11 không bị nhiễm cũng không sử dụng. Vì giống này dễ bị nhiễm bệnh khảm lá từ bọ phấn trắng. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo bà con nên sử dụng giống sắn KM94 dù năng suất, chất lượng thấp hơn nhưng ít nhiễm bệnh khảm lá sắn hơn. Thời gian qua giống này chúng tôi đi khảo sát trên địa bàn tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ chiếm 10%”, ông Nhĩ nói giống sắn KM94 không phải kháng bệnh khảm lá nhưng ít nhiễm hơn so với các giống sắn khác.
Cũng theo ông Nhĩ, để có nguồn giống sắn KM94, hiện ngành nông nghiệp vận động các nhà máy sắn trên bàn huyện Sông Hinh và huyện Đồng Xuân đầu tư giống cho bà con, trong đó, tại huyện Đồng Xuân niên vụ này đã đầu từ trồng 100 ha giống sắn KM94.
Với diện tích này sau khi thu hoạch xong, trung bình mỗi ha chúng tôi sẽ nhân rộng từ 6-10ha sắn. Đó là giải pháp trước mắt chúng tôi chờ đợi các Viện nghiên cứu chọn ra giống sắn kháng bệnh khảm lá, chứ không khuyến cáo bà con sử dụng giống sắn năng suất cao bị nhiễm bệnh nặng.
Định hướng phát triển cây sắn
Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, định hướng phát triển cây sắn trên địa bàn tỉnh không chủ trương tăng diện tích, mà giảm diện tích xuống theo lộ trình. Cụ thể, theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025 sẽ giảm diện tích sắn dưới 23.000ha và đến năm 2030 còn 11.000ha.
Đối với cây sắn là trồng 3 năm liên tục sẽ làm đất bạc màu. Vì vậy, nông dân phải chuyển trồng cây khác rồi mới quay lại trồng sắn. Mấy năm trước do việc trồng mía không hiệu quả nên nông dân chuyển qua trồng sắn và ngược lại. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây sắn qua cây trồng khác không nhiều, vì toàn bộ diện tích trồng sắn trên địa bàn chủ yếu “ăn” nhờ nước trời và chỉ từ 5-10% diện tích sắn có nước tưới.
Do đó, việc chuyển diện tích sắn sang cây trồng khác hay cây ăn quả là hết sức khó khăn. Bởi cây gì cũng cần nước tưới, nhưng chỉ cây sắn là dễ tính nhất, không cần nước tưới. Do đó, trong thời gian tới để nâng cao chất lượng cây sắn, tỉnh sẽ tập trung nâng cao nghiên cứu các giống sắn mới, nhất là giống sắn kháng bệnh khảm lá.
“Vừa rồi Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cũng đa đăng ký đề tài khoa học bằng nguồn kinh phí của Trung ương và tỉnh (vốn tỉnh 10%) nghiên cứu các giống sắn kháng khảm lá. Nếu đề tài nghiên cứu chọn một số giống sắn kháng khảm tỉnh để nhân rộng ra.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu làm các hồ thủy lợi nhỏ (đắp hồ, chặn dòng) nhằm phục vụ tưới cho các loại cây trồng, trong đó có cây sắn. Khi có nước tưới sẽ chủ động bón phân, chăm sóc và nuôi dưỡng cây sắn đúng quy trình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây sắn.
Đặc biệt, để đầu ra cây sắn ổn định, tỉnh sẽ tuyên truyền, vận động bà con liên kết với 2 nhà máy sắn trên địa bàn. Cũng đề nghị các nhà máy trên địa bàn ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm của bà con với giá bảo hiểm”, ông Nhĩ chia sẻ.
Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Phú Yên, ngoài khuyến cáo nông dân không sử dụng giống đã bị nhiễm bệnh để trồng (sử dụng giống sạch bệnh) những nơi có điều kiện nên phun thuốc trừ bọ phấn trắng (là môi giới truyền bệnh), chăm sóc, bón phân để cây có khả năng chống chịu được bệnh. Bên cạnh đó, nông dân cần theo dõi bệnh khảm lá sắn, mức độ bệnh và giai đoạn sinh trưởng để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp.