| Hotline: 0983.970.780

Nhiều hộ gia đình nuôi cá lồng bè trắng tay sau bão

Thứ Tư 15/09/2021 , 19:02 (GMT+7)

Tôm cá trong ao, bè nuôi bị nước lũ cuốn trôi, số còn lại cũng chết do sốc nước. Nhiều hộ gia đình nuôi thủy sản thiệt hại hàng trăm triệu đồng sau bão.

Cá lồng bè của người dân sắp đến thời kỳ thu hoạch thì bất ngờ bị bão số 5 ảnh hưởng, chết la liệt. Ảnh: N.Đ.

Cá lồng bè của người dân sắp đến thời kỳ thu hoạch thì bất ngờ bị bão số 5 ảnh hưởng, chết la liệt. Ảnh: N.Đ.

Sau cơn bão số 5, vùng nuôi trồng thủy sản ở huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) bây giờ trở nên xơ xác, tiêu điều. Dọc một đoạn dài ven biển, những tấm ván gỗ, phuy nhựa dùng để nuôi cá lồng bè bị gió đánh tan tác, nằm ngổn ngang, những loại cá đủ các kích cỡ chết la liệt, phơi bụng trắng xóa cả một vùng.

Đứng thất thần nhìn về phía khu vực nuôi cá lồng bè của gia đình, ông Phạm Hoài Bảo (trú xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) vẫn không thể tin được rằng, chỉ sau 1 đêm, bao nhiêu công sức, tài sản mà ông bỏ ra đã bị gió bão cuốn đi tất cả. Toàn bộ lồng nuôi lồng nuôi 15.000 con cá chim, cá bớp và cá dẫu bị gió, sóng biển đánh phá hư hại.

Cá chết trắng cả một vùng nuôi thủy sản ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: N.Đ.

Cá chết trắng cả một vùng nuôi thủy sản ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: N.Đ.

“Lồng nuôi bị hỏng, cá số thì thoát ra ngoài, số thì chết. Những còn còn lại trong lồng cũng không sống được vì sốc nước. Vụ này tiền chi phí đầu tư tôi bỏ ra đến 500 triệu đồng. Chưa tính tiền thức ăn. Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa thôi là có thể thu hoạch nhưng bây giờ mất trắng, chẳng còn lại gì”, ông Bảo rầu rĩ nói.

Các hộ nuôi ở đây cho biết, họ không ngờ rằng năm nay bão lại đến sớm như vậy. Cứ tưởng như mọi năm vào tháng 9 âm lịch mới có bão nên mọi người quyết định bỏ vốn đầu tư nuôi thêm vụ cuối năm. Đa số, các lồng nuôi đã gần đến thời kỳ thu hoạch thì bất ngờ gặp bão, không ai kịp trở tay. Toàn bộ số cá chết một phần làm thức ăn gia súc, còn lại đem chôn.

Nước lũ cuốn trôi nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân, số còn lại trong hồ cũng bị sốc nước chết. Ảnh: N.Đ.

Nước lũ cuốn trôi nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân, số còn lại trong hồ cũng bị sốc nước chết. Ảnh: N.Đ.

“Bão số 5 đã làm gia đình tôi thiệt hại khoảng 800 triệu đồng chi phí đầu tư, đó là chưa tính đến giá trị của 2.500 con cá bớp, 15.000 con cá chim, 8.000 con cá hồng Mỹ, 5.000 con cá mè trắng… sắp xuất bán. Giờ đây, chúng tôi chỉ biết thu dọn lại những trang thiết bị làm lồng nuôi để vớt vát lại phần nào. Thế nhưng, vốn liếng mất hết rồi. Tới đây rất mong các cấp ngành hỗ trợ cho chúng tôi vay vốn để tái đầu tư”, ông Huỳnh Minh Vương (trú xã Bình Đông, Bình Sơn) tâm sự.

Không chỉ có những hộ nuôi cá lồng bè mà nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Bình Sơn cũng thiệt hại nặng do mưa bão. Ông Nguyễn Xuân Vinh (trú thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông) chỉ biết đứng nhìn thở dài, vừa nhặt những con tôm còn mắc trên lưới sau khi nước rút. Vụ này gia đình ông có 3 hồ tôm với 6.000m2. Mưa lớn nước lớn, nước ngập cao hơn mặt hồ 1m nên toàn bộ số tôm bị trôi hết theo dòng nước.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân thu dọn và chôn số cá trong lồng nuôi bị chết. Ảnh: N.Đ.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân thu dọn và chôn số cá trong lồng nuôi bị chết. Ảnh: N.Đ.

“Tôi thả trên 40 vạn tôm đã được 65 ngày, dự tính hơn 10 ngày thu hoạch nhưng giờ đã trôi sạch không còn gì. Ngoài ra, trong hồ còn có 2.000 con cá đối đã nuôi được 4 tháng cũng chết và trôi hết. Máy móc bị hư hỏng hoàn toàn do ngập nước. Thiệt hại khoảng 500 triệu đồng” ông Vinh nghẹn ngào nói.

Qua thống kê sơ bộ, toàn xã Bình Đông có khoảng 4ha nuôi tôm của người dân bị ảnh hưởng mức thiệt hại ước tính trên 16 tấn. Đối với cá lồng bè, có trên 30 tấn cá các loại của người dân bị trôi hoặc chết, chưa tính chi phí mà các hộ dân bỏ tiền để đầu tư làm lồng bè.

Người dân thu dọn các thiết bị làm lồng bè còn sót lại. Ảnh: N.Đ.

Người dân thu dọn các thiết bị làm lồng bè còn sót lại. Ảnh: N.Đ.

Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: “Ảnh hưởng bão số 5 đã gây thiệt hại lớn đối với người dân địa phương, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Ước thiệt hại mỗi hộ dân từ 300 - 600 triệu đồng, có hộ 800 triệu đồng. Địa phương cũng vận động người dân, các lực lượng đến hỗ trợ, giúp đỡ và thu mua. Đồng thời, động viên tinh thần bà con vượt qua khó khăn hiện nay”.

Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thống kê chính xác về số thiệt hại thực tế, từ đó báo cáo đề xuất UBND tỉnh, ngân hàng hỗ trợ các ngư dân theo chính sách để từng bước khắc phục hậu quả, ổn định đời sống”.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...