Nở rộ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, nếu trước năm 2001, tỉnh này có 288 HTX, trong đó chỉ có 8 HTX hoạt động hiệu quả. Đến cuối năm 2021, tất cả các HTX trên địa bàn tỉnh này đều chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Lúc này, số lượng HTX ở Bình Định giảm còn 250, trong đó có 188 HTX Nông nghiệp, trong số này đã có đến 95 HTX hoạt động hiệu quả.
Đến năm 2022, số HTX Nông nghiệp ở Bình Định vẫn duy trì tương đương số lượng cũ với con số 187; trong đó, có 72 HTX hoạt động lĩnh vực trồng trọt, 8 HTX chăn nuôi, 4 HTX thủy sản, 1 HTX lâm nghiệp, số còn lại là các HTX hoạt động dịch vụ thương mại tổng hợp. Đặc biệt, đến lúc này Bình Định đã có 19 HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 15 HTX nông nghiệp có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên và 57 HTX Nông nghiệp thực hiện liên kết và tiêu thụ nông sản cho thành viên.
Đến lúc này, ngành nông nghiệp Bình Định khẳng định vai trò chủ đạo của các HTX nông nghiệp trong phát triển kinh tế tập thể ở khu vực nông thôn, là mắt xích quan trọng thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Không dừng lại ở đó, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, ngành nông nghiệp tỉnh này phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy thành lập các HTX mới, hỗ trợ các HTX đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ để hoạt động. Hiện nay, các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bình Định hầu hết là các HTX chuyên lĩnh vực trồng trọt.
HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra đời đầu tiên ở Bình Định là HTX nông nghiệp công nghệ cao La’sfarm Ân Phong (huyện Hoài Ân) được thành lập từ giữa tháng 8/2020. Buổi đầu, HTX này chỉ có 1.000m2 nhà màng trồng dưa lưới quanh năm, đến cuối năm thì trồng hoa lay ơn bán Tết đạt hiệu quả rất cao. Mới đây, HTX nông nghiệp công nghệ cao La’sfarm Ân Phong tiếp tục dựng thêm 3 nhà màng, mỗi nhà màng có diện tích 1.000m2 để sản xuất dưa lưới đủ lượng hàng cung ứng cho thị trường. Sản phẩm của HTX nông nghiệp công nghệ cao La’sfarm Ân Phong được người tiêu dùng rất tin dùng, có nhiều đối tác khách hàng ở TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, nhờ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, các HTX nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt đã tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng vượt trội, giá bán cao hơn 10-25% so với sản phẩm cùng loại sản xuất theo phương thức truyền thống, lợi nhuận tăng 1,5 lần. Ví như HTX nông nghiệp Nhơn Thọ 2 (thị xã An Nhơn).
Theo ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX, để đạt được thành công đáng khích lệ như hôm nay là nhờ HTX chú trọng nâng cao trình độ và trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Nếu như trước đây hầu hết thành viên trong hội đồng quản trị HTX đều có độ tuổi trên 60 thì nay chỉ từ 25-30 tuổi. Từ khi “chiêu mộ” được 1 kỹ sư Đại học Nông Lâm Huế về làm việc thì HTX mạnh dạn xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Thọ Lộc 2, đến nay đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
“Triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới bằng giá thể hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm rau dưa của HTX đã được người tiêu dùng đón nhận; rau dưa hợp chuẩn VietGAP của HTX được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Đến nay, HTX mở rộng quy mô sản xuất rau màu, tăng lợi nhuận cho các thành viên của HTX”, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhơn Thọ 2, chia sẻ.
Bao tiêu nông sản cho nông dân
Song song với phát triển nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn Bình Định còn xuất hiện những HTX Nông nghiệp chuyên bao tiêu nông sản cho nông dân. Ví như HTX Thanh Niên Hoài Ân ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) ra đời vào giữa tháng 10/2020 với 10 thành viên có vốn điều lệ 300 triệu đồng. Điểm đặc biệt là tất cả các thành viên HTX đều là những thanh niên có mô hình sản xuất, những người rất tâm huyết với nông nghiệp ở địa phương. Từ khi thành lập, năm nào HTX Thanh Niên Hoài Ân cũng bao tiêu hàng chục tấn nông sản của nông dân trên địa bàn, chủ yếu là bưởi da xanh, rồi đưa đi tiêu thụ khắp các chợ trái cây trên địa bàn tỉnh và các đối tác tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo anh Thái Thành Việt, thành viên của HTX Thanh Niên Hoài Ân, nhiệm vụ chính của HTX là bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân, trong đó có 4 sản phẩm chủ lực là: Bưởi da xanh, dừa xiêm, gà thả đồi, trà Gò Loi. Ngoài ra, HTX còn xây dựng một số vườn bưởi da xanh tại địa phương theo tiêu chuẩn VietGap, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để nông dân canh tác cùng 1 phương thức nhằm cho ra sản phẩm cùng chất lượng, đồng thời xây dựng chuỗi cửa hàng bày bán sản phẩm nông sản của Hoài Ân tại 1 số địa phương trên địa bàn Bình Định. Ngoài ra HTX còn phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân xây dựng các chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản.
“Sản phẩm chăn nuôi, cây ăn quả của huyện Hoài Ân rất dồi dào, được người tiêu dùng đánh giá cao là lợi thế lớn để HTX mở rộng thị trường tiêu thụ. Mới thành lập được hơn 2 năm, do còn non trẻ nên HTX chưa có mối quan hệ lớn với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản nên chưa có đầu ra rộng hơn. Khi trên địa bàn có nhiều diện tích bưởi da xanh và nhiều loại trái cây khác cho thu hoạch, chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đề ra, đó cũng là cách khẳng định vai trò của thanh niên”, anh Thái Thành Việt chia sẻ.
Ở vùng đất trung du Thượng Giang (huyện Tây Sơn) cũng xuất hiện HTX nông nghiệp Thượng Giang đang làm tốt việc bao tiêu sản phẩm đậu phụng cho bà con để làm nguyên liệu sản xuất dầu phụng. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ vào sản xuất thâm canh cây đậu phụng để tăng năng suất, giúp thành viên HTX nâng cao thu nhập, xây dựng và duy trì vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn cho HTX.
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), cho biết: “Năm 2022, sản phẩm dầu phụng của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Đây là nền tảng để HTX mở rộng quy mô, tăng diện tích sản xuất và tiếp thị sản phẩm ở nhiều kênh, nhằm đem lại lợi nhuận cho cả HTX và thành viên. Với việc đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, áp dụng quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP, sử dụng các giống đậu phụng mới, chất lượng cao giúp cho thành viên của HTX chuyển đổi thành công các diện tích cây trồng cạn kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, mang lại thu nhập cao”.
“Ứng dụng công nghệ vào sản xuất là hướng đi tất yếu để đổi mới và phát triển theo đúng chủ trương của tỉnh. Những kết quả mà các HTX Nông nghiệp trên địa bàn đã đạt được cho thấy, việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đã tạo ra nhiều lợi ích lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX, góp phần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cung ứng sản phẩm ở khu vực nông thôn”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.