
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu tiếp đà giảm trong ngày 19/2, về mức 394 USD/tấn so với mức 399 USD/tấn đầu tháng 2 năm 2025.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện vẫn duy trì ở mức 394 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo tại các quốc gia khác đã đồng loạt giảm so với tuần trước. Cụ thể, gạo Thái Lan giảm 4 USD xuống còn 414 USD/tấn - mức cao nhất tại châu Á, gạo Ấn Độ giảm 5 USD còn 408 USD/tấn, và gạo Pakistan giảm 7 USD xuống còn 395 USD/tấn.
Tương tự, gạo xuất khẩu Pakistan 5% tấm có giá 402 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 370 USD/tấn, còn gạo 100% tấm được giao dịch ở mức 337 USD/tấn. Tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 413 USD/tấn, trong khi gạo 25% tấm đạt 394 USD/tấn.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm giá này là do Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu sau 2 năm áp lệnh hạn chế, làm tăng nguồn cung trên thị trường quốc tế và tạo áp lực cạnh tranh đối với các nước xuất khẩu khác, bao gồm Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 532,66 triệu tấn, tăng gần 10 triệu tấn so với niên vụ trước.
Đáng chú ý, sản lượng gạo của bốn quốc gia xuất khẩu chính gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đều ghi nhận mức tăng. Riêng Ấn Độ đạt 145 triệu tấn, tăng 7,2 triệu tấn so với năm trước, dẫn đến nguồn cung dư thừa trên thị trường thế giới. Điều này góp phần khiến giá gạo liên tục giảm.
Không chỉ nguồn cung tăng vọt, nhu cầu nhập khẩu cũng suy yếu rõ rệt. Khi tình trạng khan hiếm gạo do lệnh cấm của Ấn Độ kết thúc, nhiều khách hàng truyền thống của Việt Nam trì hoãn mua hàng do kỳ vọng giá sẽ còn giảm thêm.
Theo báo cáo cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025 của Bộ NN-PTNT gửi Bộ Công thương, ước sản xuất cả năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 3,778 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,965 triệu tấn.
Trong số trên, tiêu thụ nội địa và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi... với khoảng 8,9 triệu tấn. Lúa hàng hóa ước khoảng 15,085 triệu tấn, tương đương 7,542 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT đề xuất Bộ Công thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn là tháng 2, 3, 4, 7, 8 và tháng 9 trong năm 2025 để ứng phó với diễn biến thị trường. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo xuất khẩu hết lượng gạo hàng hóa, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT cũng đề xuất cơ chế quản lý hệ thống thương lái thu mua lúa theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, thương lái ký hợp đồng với nông dân sản xuất trên cơ sở hợp đồng ký với doanh nghiệp xuất khẩu về chủng loại giống, chất lượng lúa và các thương lái được hưởng các chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp.
Năm 2024, Việt Nam đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, khoảng 9 triệu tấn với 5,7 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn. Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba năm vừa qua đã có hành trình tăng ấn tượng, tăng tới trên 28%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng hai con số.
Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ (17 triệu tấn), Thái Lan (10 triệu tấn), nhờ sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường. Về sản xuất, nông dân Việt Nam đang tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, được thị trường quốc tế ưa chuộng như Đài Thơm 8, OM 18, các giống ST,… bán được giá, hiệu quả kinh tế cao.