| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: 'ĐBSCL không bị thiệt hại do hạn mặn năm 2025'

Thứ Sáu 21/02/2025 , 17:39 (GMT+7)

Trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam sau chuyến kiểm tra tình hình tại ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: ‘Chắc chắn là không có thiệt hại do hạn mặn’.

Sắp có đợt hạn mặn gay gắt nhất năm 2025

Thưa Thứ trưởng, sau khi trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn tại một số địa phương vùng ĐBSCL vừa qua, ông đánh giá như thế nào về mức độ cũng như sự tác động của xâm nhập mặn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân?

Theo dự báo, hạn mặn năm nay ở mức trung bình, và một số đợt ở dưới mức trung bình nhiều năm. Cho nên hạn mặn năm nay không quá gay gắt. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu, đặc biệt là triều cường hiện nay, thì có một số đợt xâm nhập mặn sẽ lớn hơn trung bình trung. Đây là những cảnh báo chúng tôi đã đưa ra từ rất sớm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thời gian tới, ĐBSCL sẽ có 3 đợt hạn mặn. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thời gian tới, ĐBSCL sẽ có 3 đợt hạn mặn. Ảnh: Minh Phúc.

Để xử lý vấn đề này, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo ngày 17/2 yêu cầu tất cả các địa phương chủ động triển khai các giải pháp ứng phó. Thực hiện công điện của Thủ tướng, Bộ NN-PTNT đã tổ chức các đoàn công tác đi rà soát lại tất cả các nội dung đã chỉ đạo, xem địa phương thực hiện đến đâu.

Chúng tôi đánh giá sẽ có một đợt hạn mặn cao nhất trong năm nay, khoảng từ 24/2 đến 4/3. Xâm nhập sâu tối đa khoảng 65-70km ở một số vùng cửa sông. Các địa phương đã chủ động từ rất sớm để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó những giải pháp đã chỉ đạo theo kịch bản, các địa phương thực hiện rất nghiêm. Ví dụ như nạo vét sông ngòi để tích trữ nước hay dịch chuyển mùa vụ một cách hợp lý và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho 100% diện tích cây ăn quả, cấp nước sinh hoạt và các ngành kinh tế khác. Đến thời điểm hiện tại, tôi khẳng định là chúng ta đã chủ động và chắc chắn là không có thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Công trình cống âu Rạch Mọp dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong tháng 4/2025 giúp tỉnh Sóc Trăng ứng phó hạn mặn. Ảnh: Kim Anh.

Công trình cống âu Rạch Mọp dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong tháng 4/2025 giúp tỉnh Sóc Trăng ứng phó hạn mặn. Ảnh: Kim Anh.

Thưa Thứ trưởng, đâu là những nội dung trọng tâm trong chỉ đạo của Bộ NN-PTNT để các địa phương ĐBSCL thích ứng với hạn mặn?

Trong 3 năm vừa qua, Bộ NN-PTNT đã xây dựng quy trình thực hiện và xử lý hạn mặn ở ĐBSCL, và các địa phương đã thành thạo triển khai rồi. Do đó, với hạn mặn, chúng ta phải xử lý theo cách thức bình thường chứ không phải bất thường. Tức là tính chủ động rất cao.

Trong đó, có một số giải pháp các địa phương cần phải làm. Đầu tiên, với giải pháp phi công trình, phải tiếp tục tính toán, chỉnh lịch mùa vụ phù hợp với dự báo về hạn mặn.

Thứ hai là quy hoạch sản xuất phù hợp, vấn đề này cần thời gian, các địa phương đã và đang làm rất rốt ráo. Và quan điểm trong quy hoạch sản xuất là tất cả các nguồn tài nguyên về nước đều phải sử dụng, trong đó có nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên. Như vậy, không chỉ có cây lúa mà phải tính cả tôm - lúa, cây ăn quả và thủy sản cho phù hợp.

Vấn đề thứ ba, là tiếp tục đào tạo, tập huấn cán bộ để có một lực lượng tiếp cận với khoa học kỹ thuật và hướng dẫn được người dân, từ đó chúng ta sống chung một cách chủ động và hòa bình với hạn mặn vùng ĐBSCL.

Đối với giải pháp về công trình, các địa phương đang rất tích cực thực hiện theo đúng quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai đã được phê duyệt, cũng như quy hoạch vùng ĐBSCL. Hiện nay các công trình lớn, Bộ NN-PTNT đang triển khai, trong đó có một loạt các cống âu ngăn cửa sông lớn điều tiết mặn ngọt, và trung hạn 2026 - 2030 này, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ tiếp tục đầu tư một số cống âu lớn cho ĐBSCL. Còn các địa phương tiếp tục xây dựng các hồ chứa nước không tập trung ở các huyện, xã và căn cứ vào nhu cầu thực tế. Hiện các địa phương cũng đang làm khá tốt vấn đề này.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác vận hành tạm thời cống âu Rạch Mọp (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác vận hành tạm thời cống âu Rạch Mọp (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, cần nạo vét sông ngòi, kênh dẫn nước, chủ động tích trữ nước trong các vùng sản xuất. Và vấn đề cuối cùng, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân là rất quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và chúng tôi đang triển khai dự án về đảm bảo nước sinh hoạt và mục tiêu là đến năm 2030, 80% người dân nông thôn ĐBSCL có nước sinh hoạt đúng quy chuẩn như thành phố. Những vùng nào không thể cấp được nước sinh hoạt thì có giải pháp để trữ nước trong 2 tháng, từ đó bà con có thể đảm bảo nước sinh hoạt.

Phương án để giải quyết dứt điểm vấn đề hạn mặn vùng ĐBSCL

Vậy trước 3 đợt hạn mặn sắp tới, Thứ trưởng có khuyến cáo gì để bà con và các địa phương không chủ quan trước tình hình, mặc dù được dự báo hạn mặn thấp hơn so với trung bình nhiều năm?

Năm nay còn 3 đợt hạn mặn nữa, và đợt cuối cùng có thể vào tháng 4, trễ hơn so với mọi năm một chút. Đợt mặn cao điểm nhất diễn ra từ 24/2 - 4/3. Tôi đề nghị các vùng đã cảnh báo, chính quyền các địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, vận động, truyền thông đến người dân, đồng thời xử lý đúng các kịch bản đã đề ra.

Trong kịch bản, chúng tôi đã đề cập đến các vấn đề cần giải quyết rồi và đặc biệt trong đợt xâm nhập mặn lớn nhất sắp tới này, đề nghị các địa phương không chủ quan. Chúng tôi lo lắng nhất là triều cường kết hợp với gió có thể tiếp tục đẩy sâu vào trong đất liền. Nên ranh mặn có thể cao hơn so với dự báo.

Thưa Thứ trưởng, vấn đề hạn mặn chắc chắn sẽ lặp đi lặp lại trong nhiều năm, vậy trong dài hạn, Bộ NN-PTNT đã có những chiến lược như thế nào để chúng ta thích ứng?

Để giải quyết bài toán lâu dài và ở góc độ nào đó, phải giải quyết dứt điểm câu chuyện này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và chúng tôi đã xây dựng Đề án Phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, ngập lụt và nước sinh hoạt để giải quyết tổng thể cả 5 vấn đề của vùng ĐBSCL.

Hiện nay, Đề án này đang được xin ý kiến và tất cả các bộ ngành đã đồng ý. Sắp tới, Chính phủ sẽ ký ban hành Đề án này. Và cùng với Quy hoạch vùng ĐBSCL, Quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai quốc gia, Quy hoạch các địa phương và Đề án này, thì chúng ta mới thực hiện được rốt ráo.

Quan điểm của Đề án cơ bản không có gì mới so với Nghị quyết 120 đang thực hiện, hay những vấn đề Trung ương đang chỉ đạo, nhưng có đầu tư trọng tâm trọng điểm và tính toán đầu tư theo quy trình, quá trình để đến năm 2030 chúng ta cơ bản giải quyết dứt điểm vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn cũng như sụt lún… ở vùng ĐBSCL.

Trong trung hạn tới, chúng tôi đang nghiên cứu để làm một số cống điều tiết mặn ngọt ở những vùng cửa sông lớn. Ví dụ, có thể là sông Vàm Cỏ hay Cổ Chiên, và chúng tôi tính toán thêm một số sông khác như Hàm Luông. Đây là những cửa sông lớn, chúng ta có thể làm từ từ, vừa làm vừa tính.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra vùng Dự án 'Chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị' của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra vùng Dự án “Chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị" của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Vấn đề nữa là tiếp tục làm đê bao bên trong để chống ngập lụt cho các đô thị lớn. Ví dụ chúng tôi đã cùng với Cần Thơ để đảm bảo giải quyết cho một nửa thành phố này không bị triều cường như bây giờ nữa. Cùng với triều cường và giải quyết sụt lún, thì phải hạn chế khoan nước ngầm.

Hiện toàn bộ các địa phương đã quy hoạch các hồ trữ nước không tập trung để cung cấp nước sạch, mà các công trình này chúng tôi chỉ đạo là phải làm đến cấp xã để hạn chế khai thác nước ngầm, nhất là các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Xin cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian trao đổi!

Xem thêm
Ông Nguyễn Mạnh Sơn giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

Bí thư Thành ủy Việt Trì Nguyễn Mạnh Sơn được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ. Ông Sơn có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.

Quy hoạch hơn 450ha quỹ đất phát triển du lịch ven hồ Dầu Tiếng

Hồ Dầu Tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, tiềm năng du lịch rất lớn, UBND tỉnh Bình Dương đang xem xét thông qua phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Bình Dương đặt mục tiêu thông xe đường Hồ Chí Minh trước 30/4

Bình Dương Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đoạn qua tỉnh Bình Dương quyết tâm thông xe kỹ thuật trước 30/4/2025, và hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 8/2025.

Bình luận mới nhất