Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, số liệu dự báo triều thời kỳ nửa cuối tháng 10 năm 2024 của Viện Kỹ thuật Biển cho thấy, trên khu vực biển Đông, triều có xu thế tăng và đạt đỉnh vào ngày 18-20/10/2024, với đỉnh triều cao hơn khá nhiều trung bình nhiều năm (TBNN); cao hơn mức báo động 3 (BĐ 3); cao hơn cùng kỳ năm 2023 trên khu vực ven biển từ Vàm Kênh đến Bến Trại; thấp hơn năm 2023 trên khu vực ven biển Trần Đề đến Gành Hào.
Trên khu vực biển Tây, triều có xu thế tăng và đạt đỉnh vào ngày 21/10/2024, với đỉnh triều cao hơn khá nhiều TBNN; xấp xỉ và cao hơn mức BĐ 3;cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tiếp tục giảm trong 2 đến 3 ngày tới, sau đó tăng trở lại theo triều và đạt đỉnh vào kỳ triều cường ngày 18-20/10/2024 (kỳ triều giữa tháng 9 âm lịch). Cụ thể, tại Tân Châu đạt 3,1-3,2 m (thấp hơn đỉnh lũ chính vụ đầu tháng 10 khoảng 0,18- 0,28m), tại Châu Đốc đạt 3,0-3,1 m (thấp hơn đỉnh chính vụ đầu tháng 10 khoảng 0,04-0,14 m), mực nước sau đó có xu thế giảm xuống theo triều.
Về lũ nội đồng vùng ĐBSCL, trong kỳ triều cường nửa cuối tháng 10 năm 2024, mực nước nội đồng các trạm vùng thượng phổ biến trên mức BĐ 1, một số trạm từ BĐ 2 - BĐ 3. Riêng trạm Long Xuyên (An Giang), mực nước dự báo trên mức BĐ 3. Đỉnh lũ rơi vào các ngày 18-20/10/2024.
Mực nước các trạm vùng giữa phổ biến trên mực BĐ 3, một số trạm từ BĐ 2 đến BĐ 3. Đỉnh lũ rơi vào 18-20/10/2024.
Đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,1-2,2 m (cao hơn BĐ 3 từ 0,1-0,2m). Đỉnh lũ tại trạm Mỹ Thuận dự báo đạt mức từ 2-2,1 m (cao hơn BĐ 3 từ 0,2-0,3 m). Trong trường hợp cực đoan vào thời điểm triều cường dâng cao xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi, mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể dềnh lên cao hơn so với nhận định ở trên từ 5-10 cm.
Với kết quả nhận định như trên, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam dự báo, vào các ngày từ 17 đến 22/10/2024, nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng ĐBSCL.
Đặc biệt, nguy cơ ngập úng trên địa bàn vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL gồm TP Cần Thơ; tỉnh Vĩnh Long; các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp; khu vực ven sông lớn và khu vực cồn (cù lao) giữa sông thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng; khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau như TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang; các huyện Phước Long, huyện Hồng Dân, khu vực phía bắc Quốc Lộ 1A, huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi của tỉnh Bạc Liêu; thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, huyện Mỹ Xuyên của tỉnh Sóc Trăng; các huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình,TP Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau.
Ngoài ra, ngập úng có thể xuất hiện ở một số khu vực trên địa bàn vùng thượng ĐBSCL như TP Long Xuyên của tỉnh An Giang.